UAV Nga xác lập kỷ lục buồn

Việc liên tiếp bị bắn hạ trên tất cả các chiến trường từng xuất hiện, Orlan-10 đang lập nên một kỷ lục buồn của Không quân Nga.

Ngày 29/6, lực lượng al-Qaeda tuyên bố đã bắn hạ một chiếc máy bay không người lái (UAV) Orlan-10 trên vùng nông thôn phía tây bắc Hama. Đồng thời với tuyên bố, nhóm khủng bố còn công bố hình ảnh chiếc Orlan-10 bị bắn hạ để chứng minh. Hiện Nga vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về thông tin vụ bắn hạ này.

Trước khi vụ bắn hạ này diễn ra, hôm 30/4, lực lượng quân Chính phủ Hiệp định quốc gia Libya (GNA) đã bắn hạ một chiếc UAV tối tân Orlan-10 do Nga sản xuất thuộc trang bị của Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Vụ bắn hạ diễn ra trên bầu trời vùng lân cận thành phố Sirte.

Chiếc Orlan-10 Nga bị bắn hạ.

Chiếc Orlan-10 Nga bị bắn hạ.

GNA tuyên bố, lực lượng này đã dùng pháo phòng không chứ không phải tên lửa thực hiện vụ bắn hạ này. Đồng thời GNA cáo buộc đây là bằng chứng rõ nhất về việc Nga đang hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho LNA.

Để tăng cường tính xác thực của tuyên bố bắn hạ chiếc Orlan-10, lực lượng này còn công bố loạt mảnh vỡ và những gì còn lại của chiếc UAV này. Hiện cả lực lượng Quân đội Quốc gia Libya và Nga vẫn chưa có thông tin chính thức nào về tuyên bố của GNA.

Nếu thông tin này được Nga xác nhận thì điều đó cũng đồng nghĩa với Orlan-10 đang lập nên những kỷ lục buồn về số lần bị bắn hạ trên tất cả những chiến trường nó xuất hiện.

Theo số liệu thống kê của trang Southfront, kể từ cuối năm 2017 đến nay, Quân đội Tự do Syria (FSA) đã bắn hạ và ép hạ cánh thành công ít nhất 4 chiếc Orlan-10. Trong khi đó, hãng Interfax - Ukraine cho biết, lực lượng quân đội chính phủ nước này cũng đã bắn hạ khoảng 4 chiếc Orlan-10 do Nga sản xuất khi chúng đang hoạt động tại Donbass.

Mặc dù bị bắn hạ khá nhiều nhưng hiện Orlan-10 là dòng UAV được Nga sử dụng nhiều nhất trên chiến trường Syria.

Orlan-10 là loại UAV sử dụng động cơ xăng cánh quạt với lực cất cánh tối tối đa là 18 kg với trọng lượng riêng của máy bay là 5 kg, tốc độ bay là 75-170 km/h, bán kính có thể điểu khiển hoạt động 180-200 km, trần bay 5.000 m, có thể hoạt động liên tục trong 16-18 tiếng.

Máy bay có khả năng bay tự động và chụp ảnh, chỉ việc nhập tọa độ và độ cao máy bay sẽ tự động bay đến vị trí thông qua hệ thống định vị toàn cầu GLONASS hay GPS, thu thập thông tin sau đó mang về nếu vượt quá phạm vi liên lạc của trạm điều khiển.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/uav-nga-xac-lap-ky-luc-buon-3382896/