UAV có thực sự là ác mộng của quân Nga?

Đánh giá thấp EW của Nga là sự dại dột, nguy hiểm nhất của bất kỳ cơ quan Tham mưu – Tác chiến nào…

Sau cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, một số lượng lớn các ấn phẩm về cùng chủ đề đã xuất hiện trên Internet, các tác giả cho rằng cuộc chiến này đã chứng minh một thực tế không thể chối cãi: Nga, có vũ khí hạt nhân và siêu thanh trong kho vũ khí của mình, nhưng không thể phòng thủ trước các UAV hiện đại giá rẻ.

Các bài báo với giọng điệu ê chề: “Ác mộng! Mọi thứ đã mất! Hệ thống phòng không của Nga được ca ngợi lâu nay không thể chống lại các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ và của Israel. Và điều này có nghĩa là trong bất kỳ cuộc chiến nào, tất nhiên, nếu nó không phải là hạt nhân, Nga sẽ bị đánh bại!”…

Liệu những viễn cảnh ảm đạm như vậy được tạo ra từ UAV Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự đang chờ đợi Nga, và tất cả những khoản ngân sách dành cho việc chế tạo vũ khí siêu hiện đại, những vũ khí mà Tổng thống Putin đã hơn một lần nói đến với niềm tự hào, đã bị lãng phí?

Về vấn đề này, để tiếp cận, tìm hiểu một cách nghiêm túc thì đừng vội đánh giá qua những bức tranh trên mạng YouTube, TV, Internet, bởi vì, trên đó, nhà thơ, nhà văn và bất kỳ ai đều trở thành những chuyên gia quân sự, những sỹ quan Chỉ huy-Tham mưu kỳ cựu…

Đánh giá chung UAV – đối tượng tác chiến của Nga

Hãy xem tại chiến trường Syria, nơi Nga đối đầu không chỉ với quân khủng bố các loại (quá dễ) mà chính là đối đầu khốc liệt với Mỹ-NATO.

Tại đây, Nga có căn cứ Không quân – Hải quân liên hợp là Khmeimim và Tartus. Vai trò, vị trí chiến lược của 2 căn cứ này với Nga tại Syria và Trung Đông như nào ai cũng biết, do đó, chúng ta đều tin rằng, Mỹ-NATO (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ) luôn tìm mọi cách đánh phá, tiêu diệt…

Rõ ràng là Mỹ-NATO không thể dùng vũ khí lớn như máy bay, tàu chiến, tên lửa…tấn công trực tiếp vào căn cứ quân sự Nga, nhưng việc sử dụng quân khủng bố được Mỹ-NATO và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng tấn công vào Khmeimim luôn trong kế hoạch tác chiến của Mỹ-NATO.

Thực tế là đã có hàng trăm UAV, tên lửa, mang danh của quân khủng bố tấn công vào Khmeimim và Tartus, tuy nhiên, tất cả, không một chiếc UAV hoặc một quả tên lửa nào lọt vào được khu vực phòng thủ của Khmeimim và Tartus. Vì sao? Vì UAV không hiện đại hay vì phòng không Nga tốt?

Bạn cho rằng vì Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Mỹ quá tốt với Nga nên không sử dụng UAV của mình mang danh quân khủng bố “đâm sau lưng” Nga tại đó? Ngây thơ! Nên nhớ, Khmeimim và Tartus là phép thử, là khu vực thử nghiệm cho UAV và EW của Mỹ-NATO, Israel.

Như vậy, điều thứ nhất rút ra là, Nga không cho phép một UAV nào, tên lửa nào đụng đến quân Nga.

Bây giờ hãy xem cuộc chiến UAV mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tại Syria với quân Assad trên chiến trường Idlib và Libya.

Với Idlib, quân Assad trong chiến dịch thông đường cao tốc M5, M4 đã đụng đầu rất quyết liệt với UAV của Thổ Nhĩ Kỳ. Và có thể coi việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng UAV tham gia tác chiến tại Idlib là lần đầu tiên và tất nhiên đã gây ra sự bất ngờ, tổn thất cho quân Assad.

Báo chí mạng rùm beng lên chuyện UAV của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lĩnh bầu trời Idlib, “bắn hạ” cả máy bay MiG-29 của Syria, tuy nhiên, khi Nga ra tay thì huyền thoại UAV Thổ Nhĩ Kỳ tắt lịm, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải lùi bước trong trận quyết chiến chiến lược tại ngã ba đường cao tốc M5-M4. Thổ Nhĩ Kỳ phải ký tiếp với Nga tại Sochi về Idlib.

Tại Libya, quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh bật quân của Tướng Haftar bởi nhờ UAV khống chế vùng trời. Trên mạng lại một lần nữa tung hô và coi Nga là kẻ thất bại dưới tay UAV Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng hãy xem, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại phải dừng bước trước làn ranh đỏ Sirte?

Đương nhiên, không thể phủ nhận thành công của UAV Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tác chiến với đối thủ có hệ thống phòng không và EW yếu kém. Vì thế lấy chiến công của nó với quân Assad hay quân Haftar để đánh giá thấp quân Nga là không phải của giới quân sự.

Như vậy điều thứ hai rút ra là: “Hoạt động quân sự là sự phát triển tiếp theo của chính trị. Nói nôm na thì hoạt động quân sự phục vụ mục tiêu chính trị”. Do đó, UAV Thổ Nhĩ Kỳ hay hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động quân sự của Nga được điều chỉnh bằng ý đồ chính trị.

Luận điểm chính trị - quân sự này càng rõ hơn tại chiến trường Nagorno-Karabakh…có điều chúng ta không tham vọng phân tích hết mà chỉ tiếp cận một diễn biến nhỏ về tác chiến của UAV Thổ Nhĩ Kỳ tại đó…

UAV Thổ Nhĩ Kỳ trên Nagorno-Karabakh

Thực tế tại Idlib, Libya và Nagorno-Karbakh, khán giả ngồi trong phòng lạnh được xem các video chiến trận là được có từ UAV. Bạn không có các video từ tên lửa, pháo binh, hệ thống tên lửa phóng loạt - là hỏa lực quyết định thắng bại của chiến trường, chứ không phải UAV.

Chính vì thế bức tranh từ chiến trường trong mắt dân Internet là từ UAV, trong khi đó thực tế chiến trường thì tổn thất chính của quân Armenia khiến họ bại trận không phải là từ UAV, tất nhiên không phủ nhận là UAV có một phần trong đó.

UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, Israel tại Nagorno-Karabakh thường “đi lạc” vào Armenia, vào căn cứ quân sự Nga thì nó luôn bị hạ, có ngày hàng chục chiếc. Tại sao vậy? Trong khi trên chiến trường Nagorno-Karabakh thì UAV Thổ Nhĩ Kỳ làm mưa làm gió?

Không biết! Nhưng câu trả lời chắc chắn nằm trong mối quan hệ quân sự với chính trị đã nêu.

UAV Thổ Nhĩ Kỳ là cơn ác mộng ?

UAV có 2 loại, loại được điều khiển bởi hệ thống định vị dẫn đường GPS và loại có thể đi, dựa vào hệ thống định vị quán tính của chúng và hệ thống tương quan, so sánh hình ảnh của địa hình với tuyến đường được đặt trong thiết bị (tương tự với Tomahak của Mỹ).

Loại đầu như Bayraktar-TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ giá chừng 1 triệu USD, loại đắt như MQ-9 Reaper của Mỹ có giá 20-30 triệu USD/chiếc, đặc biệt, loại sau, không phụ thuộc vào hệ thống định vị vệ tinh, là chiếc RQ-4 Global Hawk trị giá 150 triệu USD.

Trong khi đó, chiếc F-35 của Mỹ - một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, thì nó có giá khoảng 100 triệu USD, còn một chiếc máy bay F-16 Eurofighter, thì chỉ là 50 triệu USD.

Như vậy UAV Bayraktar-TB2 Thổ Nhĩ Kỳ chưa là gì khi nó hoàn toàn phụ thuộc vào GPS. Và theo như chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga, Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc, Viktor Murakhovsky cho biết thì:

“Để truyền video từ UAV đến điểm điều khiển, bạn cần một kênh liên lạc “dày”. Và nếu thiết bị có kênh “dày” như vậy, thì tác chiến điện tử dễ dàng, với xác suất cao, phát hiện và mở nó: từ hai điểm khác nhau, giao điểm của hai chùm tia và chúng ta thấy trung tâm điều khiển của một chiếc máy bay không người lái như vậy ở đâu…”

Như vậy, có thể nói EW của Nga nhắm vào mục tiêu là Trung tâm điều khiển và, hiểu rồi, đó là lý do vì sao tại Nagorno-Karabakh, UAV Thổ Nhĩ Kỳ cứ đi lạc đến căn cứ quân sự Nga và Iran rồi rơi mà không có vết đạn nào…

Rốt cuộc, về UAV Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ dân mạng, đây là tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Ukraine Ruslan Khomchak, rằng, UAV đa năng Bayraktar TB2 mua từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “săn lùng” các mục tiêu ở Crimea, bảo vệ bờ biển Biển Đen và biển Azov…

Thật đáng lo ngại nếu ai đó trong giới quân sự quá đề cao UAV Bayraktar TB2 trong các kế hoạch tác chiến.

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/uav-co-thuc-su-la-ac-mong-cua-quan-nga-3423436/