Ðưa rối cạn Việt Nam ra thế giới

'Lâu nay, nói đến múa rối Việt Nam, bạn bè quốc tế hầu như chỉ nhắc tới nghệ thuật múa rối nước. Nhưng tôi muốn thế giới biết rằng, nghệ thuật rối cạn của nước ta cũng rất tuyệt vời'. Ấy là lời tâm sự của NSƯT Nguyễn Hồ Thủy Tiên, người đã dành cả đam mê, nhiệt huyết để sáng tạo, nghiên cứu rối cạn và trở thành nghệ sĩ độc diễn rối cạn duy nhất tính đến thời điểm này của Việt Nam.

Ai từng xem NSƯT Thủy Tiên biểu diễn, hẳn sẽ thấy thích thú với những bước nhảy điệu nghệ của ông hoàng nhạc pop M.Giắc-xơn, trầm trồ với những chuyển động nhịp nhàng của chàng rối trong Tiếng trống Paranưng, cái lắc lư điệu đà của nàng thiếu nữ trong khúc hát Dương xuân; hoặc ngạc nhiên thú vị với những động tác uyển chuyển của các con rối được tạo hình bắt mắt trong Tứ linh, Thăng Long nghìn năm, Lân mẫu xuất lân nhi… Tiết mục nọ nối tiếp tiết mục kia và hoàn toàn chỉ có một nghệ sĩ độc diễn duy nhất; song kỳ lạ là người xem không hề thấy những điểm hẫng mà vẫn thấy sự kết nối hài hòa trong một tổng thể với sự hỗ trợ của ánh sáng, âm nhạc. Và để làm được điều đó, người nghệ sĩ phải đánh đổi bằng không ít thời gian, sức lực và cả tài lực.

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật với bố là đạo diễn các tiết mục rối, mẹ là diễn viên cho nên ngay từ nhỏ, NSƯT Thủy Tiên đã được tiếp xúc với những con rối và yêu loại hình nghệ thuật này lúc nào không hay. Bởi thế, dù tốt nghiệp ngành sư phạm, nhưng chị quyết định chọn con đường trở thành nghệ sĩ múa rối, đến nay đã 25 năm trong nghề. Và cũng vì yêu rối mà chị còn dành thời gian học thêm Trường đại học Ngoại ngữ để có thể tự mình giới thiệu về nghệ thuật rối tới bạn bè năm châu. Hiện nay, chị công tác tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, biểu diễn rối nước nhiều hơn nhưng thứ khiến NSƯT Nguyễn Hồ Thủy Tiên để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn nghề và bạn bè quốc tế lại là nghệ thuật rối cạn. Nghệ sĩ Thủy Tiên chia sẻ: Năm 2008, khi Hiệp hội các Nhà hát dành cho khán giả trẻ (ASSITEJ) thuộc UNESCO tổ chức khóa học về nghệ thuật châu Á tại Hàn Quốc, chị đã vinh dự trở thành một trong bảy người thuộc năm quốc gia được lựa chọn theo học. Kết thúc đợt học, kịch bản của chị được chọn để biểu diễn tốt nghiệp toàn khóa, chị quyết định đưa nhân vật rối trở thành trung tâm của vở diễn. Và sự đón nhận, đánh giá cao của khán giả cũng như những nhà chuyên môn đã giúp chị tự tin để tìm hướng đi cho riêng mình: Ðó là phát triển nghệ thuật độc diễn rối cạn ở Việt Nam.

Về nước, chị bắt đầu mày mò nghiên cứu để làm ra những con rối cho riêng mình. Xác định độc diễn, không có người hỗ trợ cho nên hành lý mang theo phải nhẹ, thay vì làm con rối bằng gỗ như thường thấy, NSƯT Thủy Tiên tự tạo hình cho mình những con rối bằng chất liệu xốp để dễ tỉa, gọt, di chuyển. Tuy nhiên, làm bằng chất liệu xốp thì khi diễn rối ít lực bám, dễ bay, khó tạo dáng đúng ý. Thế là chị lại nghĩ ra cách nhét những con chì nhỏ vào xốp để tăng độ bám sân khấu cho những nhân vật rối. Bên cạnh rối xốp, chị còn làm con rối bằng mây tre đan. "Những lần biểu diễn ở nước ngoài, khán giả quốc tế nhìn thấy mình làm các con rối từ muôi phở, mẹt, chiếc rổ bé… thì thích thú và ngạc nhiên lắm. Họ không thể tin những con rối nhìn tinh xảo đến thế lại được làm từ những vật liệu cứng như vậy", NSƯT Thủy Tiên chia sẻ. Ở Việt Nam, rối cạn chủ yếu là rối que, rối mặt nạ cho nên chị muốn tập trung phát triển rối dây. Với chị, khâu làm ra những con rối và bộ máy điều khiển rối là công phu nhất bởi "để làm được một con rối theo ý muốn thì phải phá hỏng tới bốn, năm con mới rút ra được tạo hình chuẩn". Hơn nữa, vì là độc diễn, không có bạn diễn hỗ trợ, chỉ có một mình cho nên để không có những điểm chết trên sân khấu, để hút khán giả vào phần biểu diễn của mình, không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cá nhân cao, kỹ thuật tạo hình rối tinh tế, mà còn cần sự khéo léo trong ý tưởng biểu diễn để tạo nên chỉnh thể. NSƯT Nguyễn Hồ Thủy Tiên còn đặc biệt khắt khe trong việc đạo diễn, lên ý tưởng kịch bản, lựa chọn âm nhạc, ánh sáng… để hoàn thiện tiết mục diễn. Những tiết mục của chị luôn có sự hòa quyện giữa hiện đại và truyền thống. Mới đây, chương trình "Vietnam in Puppet" được dàn dựng và biểu diễn bởi NSƯT Nguyễn Hồ Thủy Tiên đã mang đến cho chị giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan quốc tế các nhà hát dành cho khán giả trẻ tổ chức tại Ru-ma-ni tháng 10-2017. Chị cũng là nữ nghệ sĩ châu Á duy nhất giành được giải thưởng này tại Liên hoan. Trước đó, chương trình độc diễn rối cạn của chị từng giành Giải trình diễn độc đáo tại Lễ hội Múa rối thế giới diễn ra tại In-đô-nê-xi-a (năm 2013) và tại Thái-lan (năm 2014).

Tính đến thời điểm hiện tại, chị đang sở hữu cả một gia tài rối dây với hàng chục tạo hình rối. Có người ngỏ ý trả chị hàng chục triệu đồng cho một con nhưng chị quyết không bán mà để dành cho con trai dù còn nhỏ tuổi nhưng thừa hưởng từ mẹ cả tình yêu và năng khiếu đối với nghệ thuật rối dây. NSƯT Thủy Tiên cho biết, hiện nay ở Việt Nam, rối cạn rất ít "đất" diễn; chị vẫn đang phải dùng rối nước để "nuôi" rối cạn. Nhưng chị tin tưởng, trong tương lai, nghệ thuật rối cạn ở Việt Nam sẽ được nhiều bạn trẻ chú ý hơn, bởi đây là kênh giao tiếp, quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam với thế giới rất hiệu quả.

ÐẮC LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/35766102-%C3%B0ua-roi-can-viet-nam-ra-the-gioi.html