Ðưa di sản gần lại với cộng đồng

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11) là dịp để nhắc nhở mọi người biết trân trọng những giá trị di sản, dù là vật thể hay phi vật thể. Ðể cộng đồng có thể trải nghiệm, thông qua đó nâng cao nhận thức về di sản, các cơ quan thuộc TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đưa di sản gần gũi với cộng đồng.

"DI sản xuống đường" là điều mà nhiều người nói về những hoạt động của Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội trong dịp kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2004 - 23-11-2018). Những ngày qua, cả tuyến phố Ðào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm) được biến thành không gian văn hóa với trang trí đậm chất truyền thống bằng những chiếc nón trắng, đèn lồng. Trong không gian mở độc đáo ấy, tối 23-11, khán giả đã được thưởng thức giọng ca trữ tình, cao sang đậm chất cung đình của nghệ sĩ Thanh Tâm với những bài ca Huế, giọng hát ngọt ngào, đằm thắm của NSND Thanh Hoài cùng nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng khác đến từ đất cố đô Huế và nhóm Ðông Kinh cổ nhạc (Hà Nội).

Những hoạt động với chủ đề "Hương sắc cố đô" được nối tiếp bằng màn trình diễn thời trang áo dài mang đậm sắc thái của vùng đất Huế. Những thiết kế gợi nhớ đến vẻ đẹp của hoàng cung xưa, khi những họa tiết, hoa văn được lấy từ trang trí cung đình, trang trí chữ "Thọ" - một chữ xuất hiện nhiều trong cung đình Huế. Những thiết kế này là tâm huyết của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy cùng nhóm các nhà thiết kế của Viện thiết kế thời trang Adesigner HaNoi. Việc trình diễn di sản trong không gian mở đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người dân được thưởng thức, trải nghiệm những nét đẹp của di sản.

Ngày 24-11 diễn ra chương trình giao lưu âm nhạc riêng giữa miền bắc và miền trung với chủ đề "Ai vô xứ Huế, Ai ra Bắc thành", với các tiết mục biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế do các nghệ sĩ của CLB Nhã nhạc Cung đình và Ca Huế Phú Xuân (đại diện cho Huế) phối hợp với các nghệ sĩ thuộc nhóm Ðông Kinh cổ nhạc (đại diện cho Hà Nội) biểu diễn. Trưởng Ban Quản lý Phố cổ Trần Thúy Lan cho biết: "Năm 2018 cũng là dịp kỷ niệm 15 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận là kiệt tác văn hóa của nhân loại. Hà Nội và Huế là những nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước. Bởi vậy, chúng tôi đã phối hợp các nghệ nhân xứ Huế, các nhà thiết kế đem đến cho công chúng Thủ đô những trải nghiệm, kết hợp giới thiệu văn hóa Huế với nét đẹp văn hóa Thủ đô".

Ngoài chủ đề "Hương sắc cố đô", chuỗi chương trình mang tên "Nét xưa" do Ban Quản lý Phố cổ thực hiện có nhiều hoạt động phong phú khác như: Tọa đàm "Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc độ đạo Hiếu", triển lãm ảnh một số làng nghề gắn với các đình tổ nghề trong Khu Phố cổ Hà Nội tại đình Kim Ngân (số 42, 44 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm); các hoạt động giới thiệu văn hóa trà Việt, giới thiệu thú chơi cây cảnh và chim cảnh của người Hà Nội...

Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, nhiều đơn vị tại Hà Nội đã có những hoạt động đưa di sản đến cộng đồng. Trong hai ngày cuối tuần, không gian Hoàng thành Thăng Long trở thành sân khấu lớn, nơi lần đầu diễn ra Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam do Trung tâm UNESCO Phát triển văn hóa và thể thao phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức. Bên cạnh những loại hình nghệ thuật "đặc sản" của Hà Nội như: ca trù, hát xẩm, các nghệ nhân đem đến những sắc mầu văn hóa phong phú với làn điệu hát then đến từ Lạng Sơn, quan họ của xứ Kinh Bắc, dân ca ví dặm và hát bài chòi của miền trung…

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu đến công chúng một di sản đặc biệt, mà nhiều người gọi đó là "di sản trong di sản": Những mộc bản triều Nguyễn (Di sản Tư liệu thế giới) về Hoàng thành Thăng Long (Di sản Văn hóa thế giới). Hơn 60 phiên bản mộc bản, tài liệu, hình ảnh được giới thiệu đã cho thấy quy mô, kiến trúc, quá trình xây dựng Hoàng thành Thăng Long. Những tư liệu mộc bản được kết hợp với tư liệu hình ảnh di tích, khảo cổ học khu di sản Hoàng thành Thăng Long giúp người xem hình dung một cách thuận lợi về quá trình xây dựng và thay đổi cấu trúc không gian của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ; đồng thời, hiểu thêm về giá trị mộc bản triều Nguyễn. Nguồn sử liệu được giới thiệu có ý nghĩa hết sức lớn cho việc nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo các cung điện, lầu, gác ở Kinh thành Thăng Long xưa.

Bác Lê Văn Quý, khách tham quan đến từ phố Trương Ðịnh (quận Hoàng Mai) cho biết: "Ðến thăm Hoàng thành Thăng Long dịp này vừa được tìm hiểu giá trị lịch sử, kiến trúc của thành Thăng Long xưa và được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống. Theo tôi, những hoạt động tương tự cần được tổ chức thường xuyên hơn để tăng sức hấp dẫn cho khu vực này".

Đối với những ai muốn tìm hiểu sâu về di tích có giá trị thì Bảo tàng Hà Nội là điểm đến hấp dẫn. Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm hơn 100 tư liệu, hiện vật, hình ảnh, giới thiệu 13 di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn, gồm: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn, đền Phù Ðổng, đền Sóc Sơn, đền Cổ Loa, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Chèm, đình Tây Ðằng, đền Hát Môn, đền Hai Bà Trưng, danh thắng Hương Sơn. Cùng với hoạt động triển lãm, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khai mạc triển lãm chuyên đề "Sắc màu cuộc sống"; trình diễn nghệ thuật dân gian, như ca trù, chèo tàu Tổng Gối, hát văn, kéo co truyền thống của Hàn Quốc do nghệ nhân Hàn Quốc trình diễn…

Với những hoạt động phong phú, trải rộng, lấy cộng đồng làm đối tượng phục vụ, những hoạt động nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11 đã thật sự đưa di sản gần gũi hơn với cộng đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38374202-%C3%B0ua-di-san-gan-lai-voi-cong-dong.html