U60 bán dâm ở Đồng Nai: Soi lại đề án hỗ trợ gái mại dâm hoàn lương

Từ việc hai người phụ nữ U60 đứng đường vẫy khách bán dâm ở Đồng Nai, nhiều ý kiến nhắc đến đề án hỗ trợ gái mại dâm hoàn lương và mong muốn nhiều gái mại dâm sẽ được hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng, không quay lại con đường cũ.

Ngày 2/12, Công an phường Tân Hiệp (TP. Đồng Nai) kiểm tra nhà nghỉ Đ.P. thuộc khu phố 5 đã phát hiện hai phòng nghỉ có 2 cặp nam nữ mua bán dâm. Đáng chú ý, hai nữ bán dâm đều trong độ tuổi U60. Cụ thể, bà N.T.P (57 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) và N.T.L (50 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre).

Theo lời khai của hai nữ bán dâm U60, khoảng 19h cùng ngày, cả hai ra khu vực cầu Sập thuộc khu phố 5 đứng vẫy khách đi đường có nhu cầu mua dâm. Sau khi tìm được khách và thỏa thuận giá cả, cả hai đưa vào nhà nghỉ nói trên để bán dâm với giá từ 100 đến 150.000 đồng.

Theo quy định của pháp luật, hai nữ bán dâm và 2 khách mua dâm sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi mua bán dâm. Tuy nhiên, việc hai người phụ nữ lớn tuổi phải ra đường vẫy khách để bán dâm khiến dư luận nhắc lại đề án hỗ trợ gái mại dâm hoàn lương và mong muốn hai người phụ nữ tuổi đã cao sẽ được hỗ trợ để không tiếp tục hoạt động bán dâm.

 Ảnh: PLO

Ảnh: PLO

Thực tế thời gian qua, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, theo quy định của pháp luật hiện hành tập trung vào 3 nhóm giải pháp như: Thực hiện phòng ngừa xã hội bằng các biện pháp: thông tin, tuyên truyền, giáo dục; phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và tập trung kiểm tra, quản lý chặt chẽ các điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm phát luật, tội phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm; Tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện quy định pháp luật, từ năm 2006 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 5 năm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ xã hội giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Đầu tháng 3/2020 mới đây, Quyết định 02/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy…có hiệu lực.

Theo quyết định này, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy… vẫn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng đối với cá nhân, 30 triệu đồng đối với hộ gia đình. Người vay có thể vay nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định này. Nguồn vốn cho vay do ngân sách Nhà nước cấp 50% trên tổng số kế hoạch nguồn vốn hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 50% còn lại, ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo quy định.

Quyết định thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020 và các Bộ, ngành liên quan sẽ đánh giá kết quả đạt được và tác động của chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc mở rộng thực hiện Quyết định trên phạm vi cả nước.

Việc thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm giúp nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV tự tạo việc làm, tăng thu nhập cá nhân và gia đình, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ tái nghiện, tái phạm.

Trước đó,trong Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, QĐ 679/TTg, đối với người bán dâm, không đưa vào Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục hay giáo dục tại cấp xã. Chính phủ đã đề ra 2 hoạt động gồm hỗ trợ hòa nhập cộng đồng như dạy nghề, công ăn việc làm, sinh kế, giải quyết khó khăn cuộc sống... Thứ hai là hỗ trợ giảm tác hại, người nhiễm HIV, người nghiện được khám chữa, điều trị, người bị chà đạp, mua bán… được hỗ trợ để tư vấn, khắc phục tâm lý.

Thực hiện chương trình hành động trên, ngày 26/4/2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tín dụng người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống với mức vay không vượt quá các mức sau: Cá nhân, mức cho vay tối đa 20 triệu đồng; Hộ gia đình, mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội mới đây đánh giá,thông qua thực tiễn, các mô hình hỗ trợ can thiệp giảm tác hại, phòng, chống bạo lực và hỗ trợ thay đổi công việc cho người bán dâm thực hiện thí điểm hơn 10 năm qua (Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020) bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.

Các chính sách, dịch vụ tại mô hình thí điểm này đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của người bán dâm, hỗ trợ họ trong việc lựa chọn, tìm kiếm cơ hội thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế thí điểm cho thấy, người bán dâm, do tính chất, đặc trưng công việc, kỳ thị xã hội… nên việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội hiện có của nhóm đối tượng này là gần như không thể thực hiện. Do vậy, cần thiết phải xây dựng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp với những đặc điểm xã hội đặc thù của nhóm người này.

Do đó, từ tháng 8/2020, Bộ LĐTB&XH đã ban hành dự thảo Thông Tư và Tờ trình về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng và cơ sở hỗ trợ xã hội. Dự thảo được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn của công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ xã hội giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, nội dung của Thông tư gồm 3 điều: Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ hỗ trợ các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ của người bán dâm thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và kết nối, chuyển gửi dịch vụ hỗ trợ khi người bán dâm có nhu cầu sử dụng các dịch vụ xã hội.

Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ tâm lý cho người bán dâm và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho người bán dâm bị bạo lực, bạo hành.

“Đây là căn cứ để các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách hàng năm; đồng thời là căn cứ để các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng” – thông tư nêu rõ.

Có thể thấy, do tính chất, đặc trưng công việc nên các chính sách, dịch vụ được hỗ trợ nêu tại dự thảo của Bộ LĐ,TB&XH đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của người bán dâm, hỗ trợ họ trong việc tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc sống.

Mời độc giả xem thêm video Triệt phá đường dây môi giới mại dâm kèm sử dụng ma túy

Nguồn: THĐT

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/u60-ban-dam-o-dong-nai-soi-lai-de-an-ho-tro-gai-mai-dam-hoan-luong-1470196.html