U22 Việt Nam vô địch SEA Games: Chiến thắng của tầm cao vượt trội

U22 Việt Nam vô địch SEA Games nhờ sự vượt trội cả về kỹ, chiến thuật cũng như thể hình của các cầu thủ.

1. Khi thua U22 Việt Nam ở vòng bảng, HLV Indra Sjafri bị phóng viên đồng hương chất vấn về khả năng chống phạt góc bóng bổng của đội nhà. Đó là lần thứ hai trong năm nay, U22 Indonesia thất bại trước đoàn quân của HLV Park Hang Seo vì một cú đánh đầu từ tình huống cố định.

Đến lần thứ ba gặp mặt, đội tuyển xứ vạn đảo vẫn bị đánh bại bởi những pha bóng như vậy. Hai trong ba bàn thắng của U22 Việt Nam ở chung kết SEA Games 30 có kịch bản là những quả đá phạt bóng bổng. Nhưng cũng khó trách HLV Sjafri, bởi chín ngày là không đủ để ông tìm ra cách hóa giải thứ “vũ khí” lợi hại mà U22 Việt Nam đã rèn giũa cả năm.

 U22 Việt Nam chơi bóng bổng rất hiệu quả ở SEA Games 30.

U22 Việt Nam chơi bóng bổng rất hiệu quả ở SEA Games 30.

Có tới 11 trong tổng số 24 bàn thắng của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 đến từ những quả tạt bổng và tình huống cố định. Tính cả vòng loại U23 châu Á diễn ra hồi đầu năm, tỉ lệ này là 15/35, tức gần một nửa. Con số này đủ lớn để khẳng định rằng đây chính là đòn đánh sở trường của đoàn quân Park Hang Seo.

2. Tình huống cố định, đặc biệt là phạt góc, là nội dung mà HLV Park Hang Seo và trợ lý Lee Young-jin chú trọng ngay từ những buổi tập đầu tiên mà bộ đôi thầy Hàn làm việc ở Việt Nam. Ở giải đấu giao hữu trước thềm ASIAD 18, đội Olympic Việt Nam khiến các cổ động viên thích thú khi tái hiện bài đá phạt góc “đoàn tàu tình yêu” của đội tuyển Anh ở World Cup.

Dù vậy, chỉ có ở vòng loại U23 châu Á và SEA Games 30, ông Park mới biến miếng đánh này thành bài tủ với những yếu tố thuận lợi cả chủ quan lẫn khách quan. Trước tiên là một lô-gích cơ bản: Muốn dồn bóng bổng thì phải có cầu thủ cao to. U22 Việt Nam không chỉ có một ngọn tháp đón bóng trong vòng cấm.

Trọ lý Lee Young-jin hướng dẫn đội tuyển Việt Nam dàn xếp đá phạt góc trong buổi tập ngày 10/11/2017.

Không tính hai thủ môn, có tới tám cầu thủ U22 Việt Nam dự SEA Games 30 có chiều cao từ 1m78 đổ lên (theo dữ liệu của Transfermarkt). Bảy người trong số họ đá chính trận chung kết. Đoàn Văn Hậu, tác giả cú đúp bàn thắng đánh gục U22 Indonesia là người cao nhất, 1m85.

Thể hình này so với cầu thủ châu Âu chưa phải là to lớn, nhưng ở châu Á là đủ dùng, còn với sân chơi Đông Nam Á thì đây chính là thế mạnh. Hơn nửa đội hình cao lớn đứng trước khung thành và được bố trí một cách bài bản rõ ràng là nỗi khiếp sợ cho tất cả các hàng phòng ngự ở tầm khu vực.

Bóng đá Việt Nam lần đầu lên đỉnh Đông Nam Á bởi một cú đánh đầu. Nhưng những pha không chiến của Thành Chung, Văn Hậu... tại SEA Games 30 rất khác pha bật nhảy ngẫu hứng của Lê Công Vinh để đón một đường chuyền hỏng trong trận chung kết AFF Cup 2008.

Những bàn thắng bằng bóng bổng và bóng chết của U22 Việt Nam tất nhiên cũng là khoảnh khắc, nhưng là khoảnh khắc được chuẩn bị trước. Nhìn Đỗ Hùng Dũng giơ hai tay lên trời trong lúc lùi lấy đà, có lẽ không ít cổ động viên Việt Nam đã biết và tin rằng quả bóng sẽ nhằm tới cái đầu ở cột xa của Văn Hậu.

Video: U22 Việt Nam 3-0 U22 Indonesia

3. Theo dõi màn trình diễn của thầy trò HLV Park Hang Seo trên hành trình vào chung kết, rõ ràng nỗi lo lớn nhất của người hâm mộ chỉ là những biến cố bất chợt hay những yếu tố phi chuyên môn, ví dụ như nỗi ám ảnh quá khứ. Với thực lực và cả công tác chuẩn bị chu đáo, cộng thêm sự sa sút của những đối thủ mạnh, U22 Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 30 là điều tất yếu chứ không phải là nấc thang mới hay một sự vươn tầm nào cả.

Bóng đá Việt Nam, ít nhất là những thế hệ hiện tại, đã vượt lên một vị thế cao hơn rồi mới quay lại chinh phục nốt thử thách còn dang dở. Sự vượt trội ấy lại được thể hiện ở một thứ "tầm cao" theo đúng nghĩa đen.

Đức Chiến, Văn Hậu, Hoàng Đức (từ phải sang) đều cao trên 1m80.

Có một định kiến tồn tại suốt một thời gian dài rằng sự thua thiệt về thể hình khiến cầu thủ Việt Nam luôn bất lợi trong không chiến, ngay cả trước những đối thủ trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Điều này khiến cho bóng đá Việt Nam luôn phải loay hoay với tư tưởng làm thế nào để đá ngắn, nhỏ cho phù hợp với thể trạng.

Ở SEA Games này, cả Thái Lan, Singapore và Indonesia đều phải "nếm trái đắng" trước U22 Việt Nam vì những quả đánh đầu. Tất nhiên cần nhấn mạnh rằng các yếu tố kỹ, chiến thuật của thầy trò HLV Park Hang Seo đều nhỉnh hơn đối thủ, nhưng điểm mạnh về thể hình khiến cho việc giải quyết trận đấu trở nên đơn giản hơn nhiều.

Bóng đá rốt cuộc vẫn là môn thể thao đối kháng có va chạm, có dùng sức, về bản chất vẫn là cuộc chơi thể chất. Lý luận "nhỏ mà có võ" vẫn có thể áp dụng được, nhưng đó chỉ nên là những trường hợp cá biệt. Lionel Messi xuất chúng, Chanathip Songkrasin và Quang Hải cũng rất hay, nhưng họ là những sản phẩm đặc biệt mà việc cho ra lò cả loạt trong cùng một giai đoạn là điều không tưởng.

Muốn tiến gần đến đẳng cấp của Nhật Bản, Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam trước tiên cần có những thế hệ cầu thủ đủ cao, đủ nhanh như họ. Chiến thắng ở SEA Games 30 với dàn cầu thủ vượt trội ngay từ yếu tố thể hình có thể là bàn đạp vững chãi cho những bước tiếp theo.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/u22-viet-nam-vo-dich-sea-games-chien-thang-cua-tam-cao-vuot-troi-d515681.html