U22 Việt Nam thất bại ở SEA Games 32 có phải là thảm họa?

U22 Việt Nam không xứng đáng để đi tiếp! Sự thật ấy có vẻ quá phũ phàng, song nó cho thấy nhiều điều về bóng đá trẻ Việt Nam...

Các tuyển thủ U22 Việt Nam buồn bã rời sân sau trận bán kết.

Các tuyển thủ U22 Việt Nam buồn bã rời sân sau trận bán kết.

Thất bại của U22 Việt Nam cũng phần nào cho thấy năng lực của huấn luyện viên Philippe Troussier, cũng như tính khả thi về mục tiêu World Cup mà chúng ta đã đặt ra với những mốc thời gian 2026, hoặc 2030.

Thất bại đau đớn!

Đội tuyển U22 Việt Nam đã phải dừng bước ở bán kết bóng đá nam SEA Games 32 một cách nghiệt ngã. Sự thất vọng lên tới đỉnh điểm bởi chúng ta phải nhận bàn thua định mệnh ở phút 90+6. Nhất là thầy trò huấn luyện viên Troussier được chơi hơn người, nắm trong tay cơ hội kéo trận đấu vào 2 hiệp phụ để có thể định đoạt số phận của người Indonesia.

Vậy nên, sau tiếng còi kết thúc trận đấu, nhiều cầu thủ U22 Việt Nam đã không kìm được nước mắt của sự nuối tiếc xen lẫn đau đớn.

Giấu vào bên trong sự thất vọng, huấn luyện viên Troussier cho biết, ông không trách các học trò mắc sai lầm và công việc tiếp theo là phân tích để các cầu thủ trẻ hiểu được nguyên nhân để không lặp lại điều đó.

Quả thật, U22 Việt Nam đã mắc nhiều lỗi rất nặng trong hệ thống phòng ngự. Phút thứ 10, các cầu thủ áo trắng gần như “hóa đá” để cho Trisnanda tự do đánh đầu ghi bàn cho U22 Indonesia từ quả ném biên. Đến phút 54, Văn Chuẩn xử lý bóng vẫn không chuẩn, vô tình mang đến cơ hội cho Ferdinan sút bóng nâng tỷ số lên 2-1.

U22 Việt Nam đã có những phản ứng tích cực với 2 lần gỡ hòa và buộc đối thủ chơi thiếu người từ phút 61, cầu thủ ném biên lợi hại Pratama Arhan nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân. Thế nhưng, sự non nớt về kinh nghiệm, tâm lý nóng vội đã khiến cho U22 Việt Nam cay đắng nhận bàn thua ở phút bù giờ thứ 6. Thời khắc định mệnh đó, hệ thống phòng ngự từ xa của chúng ta quá yếu ớt, hàng hậu vệ có đến 5 cầu thủ vẫn để cho Muslihuddin thoải mái xử lý trước khi sút bóng hiểm hóc vào góc xa khung thành Văn Chuẩn thành bàn.

U22 Indonesia với nhiều cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia đã chơi ở cái thế trên cơ so với U22 Việt Nam. Sơ đồ chiến thuật 4-3-2-1 của huấn luyện viên Indra Syafri đã phong tỏa chặt chẽ U22 Việt Nam từ giữa sân. Đội bóng trẻ xứ vạn đảo tạo ra nhiều pha tấn công sắc nét với khả năng cầm nhịp tốt ở tuyến giữa.

Thậm chí, kể cả khi mất người, U22 Indonesia vẫn khiến U22 Việt Nam phải dè chừng ở các tình huống phản công khi cơ hội đến. Bàn thắng ở phút 90+6 không hẳn là may mắn, mà đó là bản lĩnh của đội bóng biết cách chơi trong thế khó và chờ thời điểm thích hợp để tung đòn kết liễu đối thủ.

Huấn luyện viên Troussier.

Ngược lại, U22 Việt Nam thi đấu lúng túng ở nhiều thời điểm, tuyến giữa căng cứng, thiếu ý tưởng. Sau bàn thua thứ 3, nhiều cầu thủ U22 Việt Nam đổ gục xuống sân cho dù vẫn còn hơn 2 phút thi đấu.

Với tình thế lúc đó, rất khó để chúng ta có bàn gỡ hòa, song bóng đá vẫn có những điều kỳ diệu. Rất nhiều bàn thắng, nhiều trận đấu lật ngược thần kỳ đến khi thời gian chỉ còn tính bằng giây. Hình ảnh nhiều tuyển thủ không thể gượng dậy đã cho thấy một U22 Việt Nam yếu đuối, thiếu cá tính và không có thủ lĩnh trên sân.

Đằng sau thất bại của U22 Việt Nam, huấn luyện viên Troussier đã phản ứng thiếu linh hoạt để ứng phó với diễn biến rất nhanh của trận đấu. Hình ảnh ngồi bó gối của chiến lược gia người Pháp trên băng ghế chỉ đạo, hoặc những hành động thiếu lửa của ông ngoài đường biên không thể xốc dậy tinh thần cho các học trò, kể cả hạ nhiệt trong một số tình huống va chạm của cầu thủ 2 đội.

Nói như ông Nguyễn Sỹ Hiển – Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia, đáng ra U22 Việt Nam phải được chỉ đạo đá chậm, chắc để bảo toàn tỷ số và giữ tâm lý hưng phấn. Đằng này, U22 Việt Nam mất phương hướng, tạt bóng vội, sút cũng vội và tỏ ra cực kỳ nôn nóng.

U22 Việt Nam bước vào vòng bán kết đã thất thế bởi toan tính “sai một nước cờ” ở lượt trận cuối vòng bảng, gặp U22 Thái Lan. Thời điểm đó, cả 2 đội đều có suất vào bán kết và kết quả trận đấu chỉ còn mang tính chất xác định ngôi đầu bảng, để tránh gặp U22 Indonesia ở vòng đấu trực tiếp.

U22 Việt Nam dường như “nhận lệnh” phải thắng Thái Lan để gặp U22 Myanmar ở bán kết, khi đó theo đánh giá cơ hội vào chung kết rộng hơn. Chúng ta đã dốc sức vào một trận chiến mà ai cũng biết rõ rất khó thắng, kể cả hòa cũng là thua ở mục tiêu ngôi đầu bảng.

Hệ quả các cầu thủ trẻ kiệt sức khi đụng độ U22 Indonesia, đội bóng có lối chơi sung mãn, không ngại va chạm và được nghỉ nhiều hơn 1 ngày. Toàn đội hoạt động thiếu cường độ bứt tốc, sức dướn, tỳ đè… bên cạnh khả năng di chuyển đều đều, thiếu đột biến.

Thật tiếc khi U22 Việt Nam không giành được suất vào chung kết. Giá như các tuyển thủ được xác định giữ sức cho vòng bán kết, tính toán điểm rơi phong độ cho trận gặp U22 Indonesia thì có thể kết cục trận bán kết khác đi.

Hậu vệ Tuấn Tài thẫn thờ sau trận thua U22 Indonesia.

Bước vấp cần thiết

Nhiều bài học cần được thầy trò huấn luyện viên Troussier nhìn nhận nghiêm túc. Đó là vấn đề trong phòng ngự, sự lạc điệu trong phối hợp tấn công và tâm lý nóng vội, dễ sụp đổ trong những khoảnh khắc khó khăn.

Quan trọng hơn, những hạn chế của một lứa cầu thủ trong hành trình thay đổi sang triết lý chơi bóng hoàn toàn mới đã được nhận diện rõ ràng hơn bao giờ hết. Rất khó để đòi hỏi tập thể vốn là tập hợp cầu thủ từ nhiều nguồn khác nhau và chỉ có 2 tháng chuẩn bị ngắt quãng trở thành đội bóng có đủ năng lực cạnh tranh chức vô địch.

Chưa đặt ra vấn đề so sánh chất lượng của các lứa cầu thủ, riêng việc các đội U22 Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo luôn có quá trình chuẩn bị dài hơi cũng là sự khác biệt. Hơn nữa, tất cả những hạn chế của các đội trẻ trong 2 kỳ SEA Games trước đều được lấp đầy một cách hoàn hảo từ sự tăng cường cầu thủ quá tuổi.

Chúng ta cần chất thép và khả năng cầm nhịp thì có Trọng Hoàng, Hùng Dũng ở SEA Games 30; cần sức mạnh hàng công thì có Tiến Linh, Hoàng Đức và Hùng Dũng ở trung tâm hàng tiền vệ ở SEA Games 31. Các cầu thủ trẻ vốn đã quen sống dựa vào cầu thủ quá tuổi.

U22 Việt Nam nói riêng, và bóng đá Việt Nam nói chung đang trong quá trình xây mới. Lứa cầu thủ tài năng với điểm nhấn ngôi Á quân U23 châu Á Thường Châu năm 2018, và kéo theo nhiều chiến tích 5 năm qua, đỉnh cao là góp mặt ở vòng loại thứ 3 tranh suất đi World Cup 2022 khu vực châu Á dưới thời ông Park đã thực sự chạm trần về chuyên môn.

Đặt tình huống giả định, nếu ông Park cầm đội U22 đá SEA Games 32 thì không ai dám chắc ông thầy người Hàn có thể làm tốt hơn những gì đã diễn ra. Nếu có tốt hơn Troussier, lọt vào chung kết và kể cả U22 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch tại SEA Games 32 thì cũng chỉ là thành tích mang tính thời điểm, chứ không phải thể hiện sự tiến bộ của cả một nền bóng đá.

Sự lên xuống của bất cứ nền bóng đá nào cũng là điều bình thường, bởi đó là quy luật. Brazil, hay Argentina mạnh đến đâu cũng không thể đứng mãi trên đỉnh cao. Khoa học, lỳ lợm như người Đức, chặt chẽ và kỷ luật như người Ý cũng có lúc rơi vào khủng hoảng.

Bóng đá Việt Nam đã quen với cảm giác chiến thắng, song giờ là lúc chúng ta phải chấp nhận thất bại. Nhiều người cho rằng, ông Park Hang Seo khôn ngoan khi chia tay bóng đá Việt Nam ở đỉnh cao. Ông thừa hiểu bóng đá Việt Nam đã có dấu hiệu đi xuống khi 2 kỳ AFF Cup liên tiếp gần đây chúng ta không thể giành ngôi vô địch.

Nhìn xuống nền móng của ngôi nhà bóng đá, rõ ràng, lứa U22 hiện nay kém hơn so với những đối thủ cùng trang lứa ngay ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, hay Indonesia.

Troussier không phải là “tay mơ”, nhưng ông cũng không phải là phù thủy để biến không thành có. Chiến lược gia người Pháp đến vào thời điểm bóng đá Việt Nam đã vươn lên tầm cao mới, tham vọng mới trong khi thực lực của chúng ta hiện nay không tương xứng với vị thế đã có.

Rất khó đòi hỏi một lứa cầu thủ không phải là trụ cột của các câu lạc bộ ở V-League trở thành những nhà vô địch.

U22 Việt Nam đã thất bại, nhìn ở góc độ chỉ tiêu – giành Huy chương Vàng SEA Games 32. Nhưng thực ra lứa cầu thủ mới đã có nhiều chuyển biến tích cực, với cách chơi mới của ông thầy mới. Họ cần thời gian để trưởng thành. Huấn luyện viên Troussier cần thời gian để biến niềm tin, triết lý bóng đá của mình thành hiện thực.

Và để đi đến thành công, chúng ta cần biết cách xây dựng niềm tin, đánh giá vấn đề một cách khách quan nhất trong tổng thể của một quá trình trong giai đoạn mới.

Chấp nhận những gì mình đang có để tìm cách khắc phục và nâng tầm, trong đó có cả những bài học từ thất bại sẽ tốt hơn là sự ngộ nhận về thành tích lên đỉnh theo chu kỳ của một thế hệ. Vậy nên thất bại ở SEA Games 32 của đội tuyển U22 Việt Nam không phải là thảm họa. Đó là bước vấp cần thiết để chúng ta biết mình đứng ở đâu rõ ràng hơn.

Vào tháng 6 tới đây, U22 Việt Nam sẽ tham dự giải giao hữu Panda Cup 2023, giải đấu dành cho bóng đá trẻ được tổ chức từ năm 2014. Sau 2 năm bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay Panda Cup được khởi động trở lại với sự tham dự của 4 đội tuyển U22, gồm chủ nhà Trung Quốc, Bahrain, Uzbekistan và Việt Nam. Với thành phần tham dự có chất lượng cao nói trên, Panda Cup 2023 được đánh giá là cữ dượt rất hữu ích đối với U22 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2024 và Asiad 19 sẽ diễn ra vào tháng 9/2023.

_________________________________

Kỳ 2: Bóng đá trẻ Việt Nam đứng ở đâu?

Thành Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/u22-viet-nam-that-bai-o-sea-games-32-co-phai-la-tham-hoa-post639819.html