U22 Việt Nam loại Thái Lan nhưng còn nhiều nỗi lo

Ở trận đấu chiều 5/12, U22 Việt Nam hòa Thái Lan 2-2 để vào bán kết SEA Games 30, nhưng thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn còn nhiều điều phải băn khoăn.

Lội ngược dòng sau khi bị dẫn sớm hai bàn rất bàng hoàng, giữ vững ngôi đầu bảng và loại chính đối thủ lớn nhất khỏi cuộc chơi, kết quả ấy có lẽ sẽ khiến chúng ta nghĩ đến rất nhiều điều tích cực về U22 Việt Nam. Đúng là thực sự tích cực, nhất là ở tinh thần thi đấu và thái độ đối diện khó khăn của các tuyển thủ. Tuy nhiên, đằng sau sự tích cực đáng ngợi khen kia vẫn là rất nhiều điều đáng phải băn khoăn.

Đầu tiên, chúng ta phải nói đến hai bàn thua sớm. Thực sự Thái Lan không già dặn nên mới đánh mất lợi thế lớn như thế. Ở thời điểm bảng tỷ số hiện lên con số 2-0 nghiêng về đối thủ, không ít khán giả hâm mộ Việt Nam đã sợ kịch bản bi kịch xảy ra là vỡ trận. Song, như đã nói ở trên, thái độ thi đấu, tinh thần kiên định và sự tỉnh táo trước thách thức của Việt Nam đã có đất phát huy khi Thái Lan thực tế không quá “dị”.

Hai bàn thua từ sớm đã khiến HLV Park lo lắng. Ảnh: Thuận Thắng.

Hai bàn thua từ sớm đã khiến HLV Park lo lắng. Ảnh: Thuận Thắng.

Thầy Park đã lo lắng

Bàn thua thứ hai cho thấy đã đến lúc ông Park thực sự phải lo lắng. Brunei, Lào, Singapore và Indonesia không quá mạnh ở khâu tấn công, tạo áp lực nên hàng thủ của chúng ta chưa được thử lửa đúng nghĩa. Nhưng nhìn lại bàn thua thứ hai trước Thái Lan, có thể nhận ra sự phối hợp trong bọc lót, kèm người của hàng thủ Việt Nam khi đối thủ tăng tốc là chưa tốt. Hơn nữa, vị trí giữa các trung vệ là chưa hợp lý và chính điều đó đã tạo ra không gian để Thái Lan tạo ra cơ hội nguy hiểm.

Còn ở bàn thua thứ nhất, “tai nạn” của Văn Toản thực tế là chuyện bình thường, chẳng khác gì “tai nạn” mà Bùi Tiến Dũng gặp phải. Chưa thủ môn nào trên thế giới dám khẳng định, cả đời bắt gôn của mình chưa gặp “tai nạn” bao giờ. Nhưng vị trí thủ môn đúng nghĩa là điểm rất yếu của Việt Nam hiện nay và việc khắc phục điểm yếu đó trong vài ngày là không dễ.

Cả Toản và Dũng đều đã mắc sai lầm và dư luận cũng quá ồn ào về các sai lầm ấy. Điều đó có thể sẽ tạo áp lực tâm lý lớn lên hai thủ thành này, nhất là khi họ cạnh tranh trực tiếp vị trí với nhau. Thoát ra khỏi áp lực tâm lý ấy là thách thức đòi hỏi phải có sự điềm tĩnh lớn của những người đàn ông trưởng thành, cũng như khả năng biết “xóa bộ nhớ” để nhập cuộc trở lại như mới.

Nhưng ngoài chuyện tâm lý ra, vấn đề của Văn Toản chính là khả năng chơi chân. Từ trận gặp Singapore chúng ta đã thấy Toản có ưu điểm ra vào hợp lý, chọn vị trí tốt, phản xạ khá tốt nhưng phát bóng thì chưa tốt. Ngoài ra, Toản thường mất đến hai nhịp cho việc cản phá những pha dứt điểm của đối thủ mà cả ở trận gặp Singapore lẫn trận gặp Thái Lan đều có.

Vì sao U22 Việt Nam tấn công bế tắc?

Ngoài vấn đề ở vị trí thủ môn, một vấn đề khác cũng rất đáng lưu ý là khả năng phát động từ hàng thủ của chúng ta chưa tốt. Từ khoảng 20 năm trở lại đây, bóng đá hiện đại rất quan tâm đến cự ly chuyền bóng của trung vệ. Một trung vệ giỏi không chỉ phòng ngự giỏi đơn thuần mà còn phải giỏi cả chuyền bóng ở nhiều cự ly khác nhau.

Nhìn Việt Nam đá với Thái Lan và với Indonesia, Singapore trước đó, chúng ta đều thấy khả năng phát động của bộ ba hàng thủ là chưa tốt. Cả trận gặp Thái Lan, chỉ duy nhất một lần hàng thủ ấy chuyền bóng sáng nước là pha Thành Chung chuyền vượt tuyến cho Trọng Hoàng ở nửa cuối hiệp 2.

Người hùng Tiến Linh đã cứu rỗi cho Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.

Một điểm đáng lưu tâm khác nữa chính là Việt Nam có xu hướng nhập cuộc chậm. Trước Indonesia, Singapore và đặc biệt là Thái Lan chúng ta đều có một hiệp một không thực sự tốt. Rất may là ở SEA Games lần này, các đối thủ khó nhất gần như đã dồn về bảng B. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền chủ quan khi vào bán kết. Không phải lúc nào việc nhập cuộc chậm cũng được đáp đền bằng một hiệp 2 bùng nổ như ba trận vừa rồi.

Và điểm đáng suy nghĩ nhất ở trận vừa rồi chính là trung tâm hàng tiền vệ. Việc ông Park Hang-seo lựa chọn cặp Hùng Dũng - Việt Hưng xuất phát chính là một câu hỏi lớn. Tại sao ở trận gặp Indonesia, cặp Hùng Dũng - Hoàng Đức chơi sáng cửa như thế lại không được tái hiện lại ở trận gặp Singapore và trận Thái Lan? Trong khi đó, Hà Đức Chinh lại ngồi trên ghế dự bị? Phải chăng, ông Park muốn để các lá bài chủ chốt được dưỡng sức trước mật độ thi đấu “đọa đày” của SEA Games lần này?

Chính vì Việt Hưng không chơi tròn vai ở trận này nên hiệp một chúng ta mới bế tắc và khó khăn đến vậy. Bế tắc vì Hùng Dũng khó có thể yên tâm dâng lên hỗ trợ hàng công và chơi như một bộ não của đội bóng. Và khó khăn ở chỗ mối liên lạc giữa hàng tiền vệ với hàng thủ của chúng ta đã bị cắt đứt khiến cho khu vực giao tuyến (between the lines) đã được Thái Lan khai thác triệt để. Chúng ta gần như hoàn toàn mất bóng 2 vào chân đối thủ ở hiệp một và may là Thái Lan không có những cầu thủ sút xa chân truyền như nền bóng đá của họ vốn có. Nếu không, kết thúc hiệp một họ có thể đã có hơn 3 bàn thắng vào lưới Văn Toản.

Việt Nam có thể lấy lại khí thế sau pha gỡ 1-2 của Tiến Linh nhưng thực sự, chúng ta chỉ khởi sắc khi Đức Chiến vào sân. Chính khả năng càn quét và chơi đơn giản, chuyền bóng ngay lập tức sau khi có bóng của Chiến đã khiến Việt Nam mạch lạc hơn ở tuyến trên.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ông Park không lựa chọn như vậy hoặc dùng cặp Hùng Dũng - Hoàng Đức từ đầu? Việc phải thay người từ rất sớm (nửa đầu hiệp một) thực tế là tối kỵ và cú thay người ấy của ông Park thực tế là một lần vá lỗi.

Tiến Linh lập cú đúp cho U22 Việt Nam ở trận gặp Thái Lan. Ảnh: Thuận Thắng.

Những điểm tích cực của U22 Việt Nam

Nhưng trong cái chưa được của Việt Nam, chúng ta vẫn nhìn thấy nhiều điểm sáng rất khả quan. Sự năng nổ, sắc bén của Tiến Linh, Hà Đức Chinh, Hùng Dũng là cực đáng ngợi khen. Pha gỡ 1-2 của Tiến Linh đến từ một cú tạt sớm của Thanh Thịnh và cú tạt cắt mặt hàng thủ Thái Lan đó cho thấy điểm yếu của đối thủ ở đâu. Hùng Dũng đã có những pha tạt sớm kiểu ấy ở hiệp 2 nhưng tiếc là không trở thành cơ hội cụ thể bởi đồng đội của anh chưa “gặp anh” đúng nhịp.

Song, điểm sáng nhất phải là Hoàng Đức. Không còn Quang Hải, sức sáng tạo của Việt Nam dồn cả về phía cầu thủ của Viettel. Lối đá của Đức khác Hải. So sánh Đức với Hải cũng không được chút nào. Nhưng Đức mang lại sức sống cho Việt Nam theo cách riêng của Đức, rất khác với cách của Hải. Và khi đội bóng ra sân, dạng sức sống như thế thực sự là của hiếm mà chúng ta luôn cần.

Lội ngược dòng ngoạn mục sau khi thua sớm 2 bàn. Đó quả là một điều đáng ngợi khen. Giữ vững ngôi đầu bảng và bất bại. Đó cũng là điều đáng hoan hô. Nhưng thực tế, hòa Thái Lan lần này, chúng ta vẫn coi như là một thất bại nho nhỏ. Lý do ư? Chúng ta cần phải thắng Thái Lan ở đúng giai đoạn họ có vẻ nôn nóng muốn phục thù, nhiều khi tỏ ra cay cú. Ở tâm lý cứ nôn nóng và cay cú ấy, nếu bị bồi thêm một thất bại nữa, chắc chắn họ sẽ còn thất bại trước chúng ta ít nhất là 5 năm nữa.

Bởi thế, hòa nhưng vẫn cảm thấy cay cay.

CĐV lo lắng trước khi Tiến Linh sút penalty Nhiều CĐV lo lắng khi Tiến Linh bước lên chấm đá phạt penalty. Tất cả đều vỡ òa khi anh thực hiện thành công để đưa U22 Việt Nam vào bán kết môn bóng đá nam SEA Games 30.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/u22-viet-nam-loai-thai-lan-nhung-con-nhieu-noi-lo-post1021717.html