U22 Việt Nam còn thiếu gì trước giải Đông Nam Á?

Trận hòa 0-0 trước CLB đứng thứ 3 K.League là kết quả không tồi của U22 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho giải U22 Đông Nam Á sẽ diễn ra vào giữa tháng 2 tới.

Trước đối thủ mạnh hơn nhiều cả về khả năng lẫn danh tiếng, thầy trò Nguyễn Quốc Tuấn đã chơi không sợ hãi, thậm chí có nhiều thời điểm tạo ra nguy hiểm thực sự về phía khung thành đối phương.

Song không phải vì thế mà đánh giá đây là màn trình diễn chỉ toàn dấu hiệu tích cực tới từ thế hệ đàn em của lứa U23 Việt Nam từng làm nên điều kỳ diệu tại Thường Châu (Trung Quốc) cách đây một năm.

Học trò của huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuấn đã có điểm tích cực trước đối thủ Hàn Quốc. Ảnh: Thế Anh.

Học trò của huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuấn đã có điểm tích cực trước đối thủ Hàn Quốc. Ảnh: Thế Anh.

U22 Việt Nam chơi tốt hay không tốt?

Trước Ulsan Hyundai, U22 Việt Nam làm tốt trong khâu phòng ngự, nhưng tấn công vẫn còn những điểm trừ. U22 Việt Nam ra sân bằng sơ đồ 4-1-4-1, trở thành 4-3-3 khi tấn công.

Các cầu thủ U22 Việt Nam có ý thức triển khai bóng từ phần sân nhà, nhưng toan tính này không thực sự thành công khi các cầu thủ Ulsan đẩy đội hình lên cao và chủ động pressing nhằm ngăn chặn giai đoạn này, những cầu thủ U22 đã tỏ ra bị cuống và nhiều lần để mất bóng nguy hiểm.

Tuy nhiên, sự bọc lót của số đông cầu thủ giúp khung thành của thủ môn Phan Văn Biểu không bị đánh sập.

Điểm nhấn đáng bàn là tiền vệ phòng ngự số 8 Trần Thanh Sơn không chủ động lùi về để làm bóng cùng hàng phòng ngự và giải tỏa bớt sức ép của đối thủ. Thông thường ở bóng đá hiện đại, cầu thủ đảm nhiệm vai trò chơi dưới cùng của hàng tiền vệ sẽ luôn lui về ngang hàng với hai trung vệ khi triển khai bóng nhằm có nhiều khoảng trống cũng như lựa chọn trong việc đưa ra những phương án.

U22 Việt Nam cầm hòa CLB Ulsan, nhưng đây không phải trận đấu tốt của hàng công thầy trò Nguyễn Quốc Tuấn. Ảnh: Thế Anh.

Sergio Busquest của Barcelona hay trước kia là Bastian Schweinsteiger của Bayern Munich là những ví dụ tiêu biểu cho vai trò này của tiền vệ phòng ngự trong sơ đồ 4 hậu vệ. Thanh Sơn đã không được chỉ đạo làm điều này, và đó là lý do hàng phòng ngự U22 Việt Nam gặp nhiều chuệch choạc trong việc triển khai bóng. Từ đó khiến những tình huống triển khai tấn công trong hiệp 1 không đến chủ động.

Tại đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo áp dụng cho các học trò sơ đồ 3 trung vệ, Quế Ngọc Hải là người chơi ở giữa. Hình ảnh quen thuộc mà chúng ta thấy ở AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019 là Hải “quế” tung ra những đường chuyền dài chuẩn xác tới tuyến trên và có sự liên kết tốt với những cầu thủ chơi bên trên mình như Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Huy Hùng hay Nguyễn Quang Hải.

Đẳng cấp của Quế Ngọc Hải là điều quan trọng trong việc hàng phòng ngự ĐT Việt Nam luôn chơi chắc chắn và chủ động. Nhưng cách bố trí hàng phòng ngự 3 trung vệ là bệ phóng cho điều ấy. Những lứa U của các đội trẻ sẽ chủ động thi đấu theo mô hình của tuyển quốc gia để có sự đồng bộ.

Lứa U22 Việt Nam tạm thời vẫn đang triển khai chiến thuật khác với ĐT Việt Nam, và là lý do khiến đội bóng của HLV Nguyễn Quốc Tuấn có một hiệp 1 rất khó khăn.

Ông Kim Do-hoon cho rằng đội U22 Việt Nam vẫn còn khả năng phát triển trong tương lai. Ảnh: Thế Anh.

Hy vọng nào cho đội U22 Việt Nam?

Trong thời gian hiệp 2, U22 Việt Nam đã chơi lột xác khi chủ động dâng cao đội hình pressing ngược lại đối thủ Ulsan và tạo ra nhiều khó khăn cho đối thủ. Trong phòng họp báo sau trận, ông Kim Do-hoon, HLV trưởng của CLB Hàn Quốc cũng cho rằng sự chủ động trong hiệp 2 đó của U22 Việt Nam có thể được lấy cảm hứng từ lối chơi của ĐT Việt Nam dưới thời ông Park Hang-seo.

Dẫu vậy, khi có cơ hội giai đoạn tấn công của đội U22 vẫn chưa tốt. Đội trưởng Đinh Thanh Bình là người có nhiều cơ hội nhất cả trận nhưng trong các pha bóng quyết định, số 10 của U22 Việt Nam lại tỏ ra quá nóng vội.

Những phát biểu của ông Nguyễn Quốc Tuấn trong phòng họp báo cũng là điều đáng bàn. "Tôi đã vận dụng sơ đồ 3 hậu vệ được 2 năm kể từ khi còn dẫn dắt HAGL. Tuy nhiên, chúng ta cần có con người phù hợp để xây dựng hệ thống chiến thuật, thay vì áp đặt những cầu thủ này vào một khuôn mẫu có sẵn", ông nói thêm.

Sự đồng bộ giữa lứa U22 Việt Nam và đội tuyển quốc gia rõ ràng đang được xây dựng. Nhưng thời gian 10 ngày tập trung là chưa đủ để ông Nguyễn Quốc Tuấn có thể làm được điều đó. Giải U22 Đông Nam Á sẽ diễn ra vào ngày 17/2 đến 26/2 tới.

HLV Park Hang-seo cũng có mặt tại sân Hàng Đẫy để theo dõi đội U22 Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.

Đây là giải đấu quan trọng trong việc hình thành nên đội U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á vào cuối tháng 3. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đội U23 Việt Nam là giành vé tham dự vòng chung kết U23 châu Á vào tháng 1/2020 từ đó nuôi hy vọng giành vé tới Olympic 2020 (sẽ giành được nếu lọt vào bán kết).

Đích thân HLV Park Hang-seo sẽ đảm nhiệm vai trò huấn luyện tại vòng loại U23 châu Á, nên việc sớm đồng bộ lối chơi của đội U22 Việt Nam cần phải diễn ra nhanh chóng nếu muốn đạt kết quả tốt.

HLV Kim Do-hoon của Ulsan nói rằng ông tin U22 Việt Nam “sẽ còn tiến bộ nhiều trong tương lai”. Không có gì để kiểm chứng rằng đó là lời nói thật lòng của ông Kim hay chỉ là lời nói xã giao của CLB được mời tới Việt Nam đá giao hữu và muốn giữ hình ảnh.

Đội U22 Việt Nam vì thế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Tuyển U22 Việt Nam mất thủ quân trước trận giao hữu Bị lật cổ chân trong buổi tập cách đây 2 ngày, tiền vệ Bùi Tiến Dụng được xác nhận không thể tham gia vào trận giao hữu với CLB Ulsan Huyndai vào chiều mai (26/1).

Nhật Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/u22-viet-nam-con-thieu-gi-truoc-giai-dong-nam-a-post912144.html