U22 Campuchia ở thời điểm này không còn là đội bóng lót đường

U22 Campuchia đang được xem là hiện tượng ở SEA Games 30. Tuy nhiên, với những gì đã thể hiện, đội bóng này cho thấy mình xứng đáng có mặt ở vòng bán kết. Đây sẽ là đối thủ đáng gờm với U22 Việt Nam.

Trước nay, các đội bóng của Campuchia được xem như “lót đường” ở các giải đấu bóng đá trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, nếu tính cả SEA Games và AFF Cup, Campuchia chưa một lần vượt qua vòng bảng.

U22 Campuchia có lối chơi phòng ngự đầy khoa học

Điều đó khiến nhiều người “mắt tròn mắt dẹt” khi chứng kiến U22 Campuchia hạ gục U22 Malaysia để giành vé lọt vào bán kết SEA Games 30. Họ đang được xem là “hiện tượng” ở giải đấu này.

Thế nhưng, nếu xét về quá trình, việc U22 Campuchia có thể góp mặt ở bán kết là xứng đáng. Cần nhấn mạnh rằng cách đây vài tháng, U22 Campuchia từng lọt vào tới bán kết giải U22 Đông Nam Á và chỉ chịu dừng bước ở vòng đấu này sau khi thua U22 Thái Lan ở loạt sút cân não. Trong trận tranh hạng Ba, họ cũng chỉ chịu thua với tỷ số sát nút trước U22 Việt Nam với bàn thua ở phút cuối.

Ở cấp độ dưới, đội U18 Campuchia từng hạ gục cả U18 Việt Nam, U18 Thái Lan ở giải U18 châu Á. Trong khi đó, đội U19 Campuchia đã giành vé tham dự giải U19 châu Á 2020.

Rõ ràng, những chi tiết ấy cho thấy bóng đá Campuchia đang có sự chuẩn bị tốt cho tương lai. Sau những năm dài đội tuyển quốc gia “chìm trong bóng tối”. Liên đoàn bóng đá Campuchia đang cố gắng xây dựng từ “móng”. Có nghĩa rằng, họ đang tập trung đầu tư cho thế hệ trẻ, những người sẽ là nòng cốt của đội tuyển quốc gia trong tương lai.

Để phục vụ cho kế hoạch này, Liên đoàn bóng đá Campuchia đã học hỏi mô hình phát triển từ Nhật Bản, lá cờ đầu của bóng đá châu Á. Đây cũng là quốc gia có nền bóng đá trẻ rất phát triển.

Thành công của U22 Campuchia gắn liền với những người Nhật Bản. HLV Felix Dalmas từng có nhiều năm chơi bóng ở Nhật Bản

Việc mời HLV Keisuke Honda (ngay cả khi làm việc online) cũng là để phục vụ kế hoạch này. Những cộng sự của Keisuke Honda như Koji Gyotoku (người phụ trách đội trẻ Campuchia), Taichi Oshita (HLV thể lực) đều là những người Nhật Bản. Ngay cả HLV trưởng đội U22 Campuchia ở SEA Games, Felix Dalmas dù là người Argentina những cũng có mối quan hệ mật thiết với bóng đá Nhật Bản. Ông dành trọn sự nghiệp thi đấu nghiệp dư ở Nhật Bản.

Bởi lẽ đó, bóng đá Campuchia đang có lối chơi xuyên suốt từ đội tuyển quốc gia tới lứa trẻ thi đấu kiểu khoa học như những người Nhật Bản. Trong đó, họ chú trọng tới ba điều quan trọng là thể lực, kỷ luật và chất lượng phòng ngự.

Trước nay, các cầu thủ Campuchia thường chỉ đá tốt được khoảng 60 phút trước khi vỡ trận bởi thể lực suy giảm. Nhưng hãy nhìn U22 Campuchia thi đấu ở SEA Games. Họ có thể thi đấu ngang ngửa U22 Myanmar, U22 Philippines trong suốt trận đấu. Và thậm chí, họ còn trừng phạt U22 Malaysia bởi những pha phản công thần tốc ở hiệp 2.

Điểm yếu lớn nhất của U22 Campuchia lúc này là yếu tố kinh nghiệm nhưng họ đang cố gắng sử dụng kỷ luật để bù đắp thiếu hụt ấy. Lối chơi của U22 Campuchia không có gì “phức tạp”. Họ chỉ cố gắng phòng ngự thật tốt, với số đông và tận dụng tốc độ của những cầu thủ để phản công, khi đối phương sơ hở. Đó cũng là “bản sao” của bóng đá Nhật Bản khi vươn ra tầm thế giới.

Keo Sokpheng là cầu thủ nguy hiểm của U22 Campuchia

U22 Campuchia sở hữu cầu thủ số 17 là Sieng Chanthea vô cùng lợi hại. Cầu thủ sinh năm 2002 này có nhiều pha đi bóng lắt léo, tốc độ ở bên hàng lang cánh trái. Sự xuất hiện của Sieng Chanthea đã giúp U22 Campuchia nhấn chìm U22 Malaysia bởi lối chơi tốc độ. Tiền vệ cánh 17 tuổi này thậm chí tự tin mạnh dạn đột phá trong vòng cấm, khiến cho hàng thủ U22 Malaysia vô cùng lúng túng.

Sieng Chanthea chính là “ngòi nổ” nguy hiểm để cung cấp bóng cho tiền đạo Keo Sokpheng ở bên trong. Đây là cầu thủ có khả năng chọn vị trí tốt và dứt điểm đa dạng. Anh chính là một trong số hai cầu thủ quá tuổi của U22 Campuchia ở giải đấu này.

Keo Sokpheng đã khẳng định được tầm quan trọng ở đội tuyển Campuchia nên anh đã nhận được sự chú ý từ đầu giải. Tuy nhiên, để ngăn chặn cầu thủ này không phải là điều dễ dàng. Ở SEA Games 30, Keo Sokpheng đã ghi bàn vào lưới các đối thủ U22 Philippines, U22 Malaysia và U22 Timor Leste. Có chi tiết đáng chú ý, Keo Sokpheng là cầu thủ gốc Việt (sống ở Việt Nam tới năm 14 tuổi) nên có sự hiểu biết nhất định về bóng đá Việt Nam.

U22 Campuchia rõ ràng bị đánh giá cửa dưới so với U22 Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta được phép chủ quan. Bởi lẽ, U22 Campuchia ở thời điểm này không còn là đội bóng lót đường như năm xưa.

H.Long (Dân Trí)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/u22-campuchia-o-thoi-diem-nay-khong-con-la-doi-bong-lot-duong-d112485.html