U-23 Việt Nam đáng gờm nhất ở bảng D

Thầy trò HLV Park Hang-seo là hạt giống ở bảng D nhờ ngôi á quân mùa giải U-23 châu Á nhưng không dễ cho U-23 Việt Nam lấy một trong hai suất vào tứ kết mùa này.

AFC đánh giá rất cao U-23 Việt Nam (VN) từng về nhì mùa giải trước nhưng các đối thủ UAE, Jordan và CHDCND Triều Tiên không phải dễ chơi khi đều khát khao giành suất đi tiếp. Các đội bóng ngoài uy tín và danh dự khi vào tốp 3 đội mạnh nhất cuối giải còn có vé chơi Olympic Tokyo 2020 nên không ai muốn làm người đến sau.

Báo chí châu Á nhìn nhận thầy trò HLV Park Hang-seo có lợi thế lớn về tâm lý sau lần vào tứ kết Asian Cup 2019 chính là việc đánh bại đối thủ quen thuộc Jordan trên chấm luân lưu. Hai đối thủ khác là UAE cấp đội tuyển cũng vừa là bại tướng của ông Park ở vòng loại World Cup 2022, hay Triều Tiên từng đá giao hữu thua nặng bóng đá VN.

Thất bại trong trận chung kết trước Uzbekistan năm 2018, thầy trò ông Park có nhiều kinh nghiệm và niềm tin hơn để tiến thêm một bước lên ngôi vô địch trẻ châu lục. AFC đánh giá át chủ bài của U-23 VN chính là đội trưởng Quang Hải, cùng sáu cầu thủ còn lại của ngôi á quân mùa trước đủ sức tạo nên một cú sốc nữa.

Ở cấp đội tuyển, thầy trò ông Park từng thắng UAE với bàn thắng tuyệt đẹp của Tiến Linh. Ảnh: NGỌC DUNG

Ở cấp đội tuyển, thầy trò ông Park từng thắng UAE với bàn thắng tuyệt đẹp của Tiến Linh. Ảnh: NGỌC DUNG

U-23 VN sẽ chơi trận đầu tiên ngày 10-1 gặp đối thủ lớn UAE từng có hai mùa 2013 và 2016 vào tứ kết. Mùa này ở Thái Lan, các cầu thủ trẻ UAE có mặt gần nửa đội hình là tuyển thủ quốc gia dường như là đối trọng lớn nhất của thầy trò ông Park. Tham vọng của UAE xa hơn tứ kết với những trụ cột như Khalifa Al Hammadi, Ali Saleh và Jassim Yaqoob đều chắc suất ở đội tuyển quốc gia.

Trong khi đó, U-23 Jordan từng đoạt huy chương đồng ở giải năm 2013 và mùa này chơi rất nổi bật khi vượt qua vòng loại gồm những đối thủ mạnh cỡ Syria, Kuwait. HLV Ahmed Abdulqadir may mắn sở hữu một thế hệ vàng và mong mỏi Jordan tái lập chiến tích vào tốp 3 như cách đây sáu năm sẽ đưa họ đến Tokyo 2020. Trên sân cỏ, Jordan dựa nhiều vào tài năng của chân sút Omar Hani và Al Tamaari với hy vọng ban đầu sẽ vượt qua vòng bảng.

Riêng với CHDCND Triều Tiên rất kín tiếng trong thời gian gần đây và thành tích cao nhất là vào tứ kết U-23 châu Á 2016. Họ nhẹ nhàng vượt qua vòng loại ở bảng đấu gồm: Singapore, Hong Kong và Mông Cổ với thành tích bất bại cùng 7 điểm để lọt vào vòng chung kết. Mùa giải này đánh dấu lần thứ tư liên tiếp, U-23 CHDCND Triều Tiên có mặt nhưng chỉ một lần đi qua vòng bảng năm 2016.

Lần thứ ba tại Buriram

Bảng D diễn ra tại tỉnh Buriram - địa điểm quen thuộc của thầy trò Park Hang-seo từng hai lần ghi dấu ấn. Nhớ lần đầu tiên cách đây hơn hai năm, ông thầy người Hàn Quốc còn chưa kịp nhớ đầy đủ tên của học trò đã giúp U-23 VN đánh bại chủ nhà U-23 Thái Lan 2-1 để giành hạng ba cúp giao hữu M-150 hồi tháng 12-2017. Đến tháng 6-2019, đội tuyển VN đá giải King’s Cup lại thắng chủ nhà Thái Lan 1-0, trước khi giành ngôi á quân. Sau hai lần gây ấn tượng vừa hay lại vừa may, đây là lần thứ ba thầy trò ông Park trở lại sân Chang Arena tại tỉnh Buriram đá hai trận với UAE (ngày 10-1) và Jordan (ngày 13-1) trước khi về lại Bangkok gặp Triều Tiên với mục tiêu ban đầu vượt qua vòng bảng.

ĐĂNG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/u23-viet-nam-dang-gom-nhat-o-bang-d-882492.html