Tỷ phú Trần Bá Dương: Dán băng rôn giải cứu nông sản làm mất đi nhuệ khí

Ông nhấn mạnh, nếu là một nhà kinh doanh mà phải đi kêu gọi giải cứu thì không phải là nhà doanh nghiệp.

Sáng 21/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, chính các doanh nghiệp là người làm nên biết đâu là khó khăn, đâu là thế mạnh cần phát huy. Các bộ ngành cần lắng nghe doanh nghiệp trước rồi đưa ra giải pháp. Do vậy, lần lượt đại diện các doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp như Thaco, TH, Dabaco, Lavifood, Lộc Trời… được mời phát biểu.

Tỷ phú Trần Bá Dương

Tỷ phú Trần Bá Dương

Phát biểu đầu tiên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, cho rằng xã hội cần phải đánh giá đúng về vị trí của ngành nông nghiệp. Không nên coi nông nghiệp là nghèo nàn, là thấp kém, mà đây là lĩnh vực rất tiềm năng, có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế trong tương lai.

Ông tự coi mình là “người nông dân” đi làm nông nghiệp và cho rằng chạnh lòng khi chứng kiến một số tổ chức giải cứu nông sản thời gian vừa qua. Ông nhấn mạnh, nếu là một nhà kinh doanh mà phải đi kêu gọi giải cứu thì không phải là nhà doanh nghiệp.

Dán băng rôn đi bán cái này, giải cứu cái kia làm mất đi nhuệ khí, mất trạng thái tự do, mất tinh thần đi đúng vào nền sản xuất kinh tế thị trường”, ông Dương nói.

Theo ông Trần Bá Dương, nông nghiệp được coi là một ngành kinh doanh. Ở đó có một chuỗi cung ứng là người trồng, người chế biến, người vận chuyển, người bán… Phải coi nông nghiệp là một ngành sản xuất hàng hóa, một ngành kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường.

Trong khi đó, nhận định về thực trạng sản xuất hiện nay, Chủ tịch Thaco cho rằng khâu sản xuất và phân phối chưa có người cầm trịch, chưa có người chịu tránh nhiệm với nền kinh tế và xã hội.

“Nếu trong chuỗi sản xuất, nhà doanh nghiệp lớn, thì đương nhiên phải bảo vệ đối tác trong chuỗi giá trị của mình. Nông dân làm cho chúng tôi, chúng tôi phải bảo vệ”, ông Dương nói.

Từ đó, ông Trần Bá Dương kiến nghị Chính phủ cần xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định, dựa vào thị trường phân phối tập trung.

Sau khi doanh nghiệp lớn đã hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp, sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình cho người nông dân. Khi đó, người nông dân nhỏ lẻ sẽ được tham gia vào một chuỗi giá trị vững mạnh, được bảo vệ, được cam kết về đầu ra của hàng hóa.

Ông cũng đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh và khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nông sản hữu cơ như chuối, thanh long, xoài… có thời gian bảo quản cao gấp nhiều lần hàng thông thường. Do đó, có thể xuất đi nhiều thị trường, bằng nhiều hình thức vận chuyển khác nhau.

Ví dụ, dưa hấu phải chở xe nóng và bảo quản được 10 ngày; thanh long bảo quản được khoảng 24 ngày. Nếu như có biện pháp bảo quản tốt thì thời gian bảo quản của các loại hoa quả sẽ được dài hơn. Về chuỗi giá trị hữu cơ thì cần phải xuyên suốt từ giống, chăm sóc, bảo quản và chứng nhận với khách hàng để tạo ra chuỗi giá trị.

Về chế biến, ông Dương nhấn mạnh cần phải tính toán chế biến gắn với vùng trồng. Không phải nông sản nào cũng cần chế biến sâu, mà cần công nghệ bảo quản, sơ chế nhất định. Cần phải có giải pháp căn cơ, từng bước chuyển đổi việc trồng gắn với chế biến nông sản.

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ty-phu-tran-ba-duong-dan-bang-ron-giai-cuu-nong-san-lam-mat-di-nhue-khi-a466505.html