Tỷ phú nổi tiếng nhờ snack rong biển: Từng là game thủ, luôn ấp ủ tham vọng lớn và không bao giờ bỏ cuộc

Từng là một game thủ, nhưng máu kinh doanh sẵn có khiến doanh nhân 32 tuổi Aitthipat Kulapongvanich bén duyên và làm nên chuyện với món snack rong biển vô cùng nổi tiếng.

Các bạn trẻ chắc không còn xa lạ gì với món snack rong biển Taokaenoi giòn dai cay cay. Những gói rong biển này được bày bán trên các cửa hàng tạp hóa và siêu thị khắp nơi. Nhưng câu chuyện đằng sau món ăn vặt đến từ Thái Lan này thì ít ai biết.

Vào năm 2014, báo cáo của Nielsen cho biết Taokaenoi chiếm 70% thị phần của thị trường tiêu thụ snack rong biển. Hiện món ăn vặt thú vị này có thể dễ dàng được tìm thấy tại các siêu thị ở hơn 40 quốc gia trên toàn cầu. Người sáng lập ra Taokaenoi là anh Aitthipat Kulapongvanich cũng lọt top tỷ phú Thái Lan.

Đằng sau sự thành công của món ăn vô cùng đơn giản này là sự nỗ lực không ngừng của một chàng trai trẻ tuổi.

“Máu” kinh doanh từ khi còn đi học

Aitthipat Kulapongvanich hay còn gọi tên thân mật là Tob (sinh năm 1984) ban đầu cũng chỉ là cậu học sinh trung học bình thường với sở thích chơi game hơi quá đà. Lần “startup” đầu tiên của anh chàng là khi bán các vật phẩm kiếm được trong game. Cho đến năm 2002, biến cố ập đến. Cha cậu phá sản, công ty xây dựng của gia đình phải đóng cửa và để lại món nợ hơn 1,3 triệu USD.

Vậy là từ một cậu học sinh vô lo vô nghĩ, Tob phải nghĩ cách đóng góp tài chính cho gia đình. Sẵn tiện có “nghề” bán đồ trong game, đã có lúc Tob kiếm được đến 10.000 USD.

Nhưng có vẻ như Tob vốn luôn ấp ủ tham vọng lớn hơn, lại sẵn máu kinh doanh, nên khi mới 17 tuổi và đang học năm nhất đại học, Tob quyết định bỏ ngang để tập trung cho các dự án kinh doanh dài hơi.

Lần chơi lớn đầu tiên của chàng trai là với dự án bán đĩa DVD/CD chơi game. Rất tiếc lần này Tob lại thất bại và đánh mất một khoản tiền tích cóp được từ những ngày bán đồ trong game.

Khi mới 17 tuổi và đang học năm nhất đại học, Tob quyết định bỏ ngang để tập trung kinh doanh.

Khi mới 17 tuổi và đang học năm nhất đại học, Tob quyết định bỏ ngang để tập trung kinh doanh.

Thua keo này ta bày keo khác, Tob chuyển sang bán hạt dẻ rang. Hạt dẻ rang đường là món ăn rất phổ biến ở các khu phố China Town. Nhận thấy món ăn này dù được nhiều người yêu thích, nhưng lại chỉ có ở China Town, nên anh quyết định đầu tư hơn 7000 USD để mở một kiot bán hạt dẻ trong trung tâm thương mại.

Ban đầu việc kinh doanh không được thuận lợi lắm. Dù hạt dẻ cũng ngon không kém gì ở China Town, nhưng doanh số bán hàng không hề khả quan. Mãi cho đến khi Tob kết hợp với chuỗi siêu thị Tesco Lotus, thương vụ kinh doanh hạt dẻ mới bắt đầu thăng hoa.

Chỉ sau 1 năm, Tob đã mở thêm hơn 30 quầy bán hạt dẻ ở khắp các siêu thị Tesco Lotus. Công việc kinh doanh thực sự thành công.

Nhưng hành trình nào cũng có những trở ngại. Khi mọi việc đang thuận lợi thì Tesco Lotus thay đổi lãnh đạo cấp cao. Vị CEO mới yêu cầu Itthipat không được bán hạt dẻ ở trong siêu thị nữa, vì mùi hạt dẻ rất nồng, đồng thời khói từ bếp rang ám lên trần nhà tạo thành mảng đen gây mất mỹ quan. Tob chỉ còn cách chuyển kiot ra bên ngoài. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh. Doanh số bán hàng sụt giảm còn 50%.

Để tăng doanh số, Tob cố gắng bán thêm một số món ăn nữa như hoa quả hoặc snack rong biển. Bất ngờ là món snack rong biển được rất nhiều khách hàng đón nhận, thậm chí doanh thu từ snack rong biển còn cao hơn từ món hạt dẻ rang.

Chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc

Nhanh nhạy nắm bắt thị trường, Tob quyết định sản xuất thêm nhiều loại snack rong biển khác và liên hệ với 7-Eleven để được bày bán sản phẩm này. Ban đầu 7-Eleven từ chối vì bao bì sản phẩm quá xấu, hơn nữa chuỗi cửa hàng tiện ích này còn yêu cầu Tob phải có nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn.

Tob liền xây dựng một cơ sở sản xuất ngay trong nhà mình, đồng thời hợp tác với một trường đại học để nghiên cứu phát triển sản phẩm, rồi làm việc với một công ty thiết kế để cho ra mắt sản phẩm với bao bì đẹp hơn. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng 7-Eleven cũng chấp nhận sản phẩm snack rong biển Taokaenoi. Nói thêm về cái tên “Taokaenoi”, đây là nickname mà cha dành cho Tob với ý nghĩa là “cậu chủ nhỏ”.

Máu kinh doanh sẵn có và nỗ lực không ngừng, Tob gặt hái thành công nhờ món ăn vặt thú vị.

Nhưng được 7-Eleven chấp nhận chỉ là một thành công bước đầu. Vì 7-Eleven yêu cầu phải cung cấp đủ sản phẩm cho 3000 cửa hàng cùng một lúc. Với 6 nhân viên làm việc ngay trong căn bếp ở nhà, tất nhiên Itthipat không thể sản xuất được nhiều đến thế. Vậy là Tob phải bán chuỗi kinh doanh hạt dẻ của mình để có tiền mở rộng sản xuất.

Khi những gói snack Taokaenoi bắt đầu được bày bán trong các cửa hàng 7-Eleven, công việc kinh doanh thực sự bùng nổ. Chỉ sau 45 ngày, 7-Eleven đã phải đặt hàng thêm 72.000 gói snack nữa. Sau 2 năm, sản phẩm snack rong biển Taokaenoi bắt đầu nhận những đơn hàng từ Singapore và HongKong.

Nhờ món snack rong biển, Tob trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất Thái Lan, và lọt vào top 10 người giàu nhất Thái Lan.

Thành công đến với Tob không hề dễ dàng. Ngay cả khi đã thành công với Taokaenoi, vẫn luôn có những khó khăn khác xảy đến. Ví dụ như có lần nhà máy sản xuất bị phá hủy vì lũ lụt, và Tob đã phải làm việc không ngừng nghỉ trong 3 tháng liên tục để giải quyết mọi việc. Nhưng điều quan trọng là Tob chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, khi gặp khó khăn sẽ bình tĩnh giải quyết từng bước một, và đặc biệt là có tư duy kinh doanh và nhạy bén với thời cuộc.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/ty-phu-noi-tieng-nho-snack-rong-bien-luon-ap-u-tham-vong-lon-202202200731306829.html