Tỷ phú Nhật lại ép nhân viên học lập trình, phân biệt CPU và GPU

Từng gây tiếng vang lớn khi lệnh cho các nhân viên phải học tiếng Anh, ông Hiroshi Mikitani lần này lại muốn áp dụng đào tạo lập trình máy tính.

Đã gần một thập kỷ trôi qua từ khi tỷ phú người Nhật Hiroshi Mikitani ép các nhân viên phải học tiếng Anh. Lần này, ông tiếp tục muốn lặp lại tương tự, nhưng với chuyện lập trình máy tính, nhằm tạo ra sự phát triển nhảy vọt cho công ty.

Ông Mikitani là người tiên phong về thương mại điện tử ở Nhật Bản khi ông thành lập tập đoàn Rakuten 2 thập kỷ trước. Mặc dù đã có đến 100 triệu ID tài khoản, Rakuten đang dần mất chỗ đứng trước Amazon cũng như những “hạt giống” mới nổi như Mercari và ZoZo.

Nhân viên của Rakuten hiện nay đã đạt điểm cao hơn mức trung bình quốc gia trong bài kiểm tra trình độ tiếng Anh nhờ vào sắc lệnh ông đưa ra thập kỷ trước. Công ty tự hào là một trong những lực lượng lao động quốc tế nhất tại Nhật Bản.

Ông Mikitani và tập đoàn Rakuten đang phải đối mặt với những thách thức lo lớn từ Amazon. Ảnh: Tomohiro Ohsumi.

Ông Mikitani và tập đoàn Rakuten đang phải đối mặt với những thách thức lo lớn từ Amazon. Ảnh: Tomohiro Ohsumi.

Trong tương lai, 17.000 nhân viên của tập đoàn Rakuten có thể hiểu được các dòng lệnh cũng như phân biệt được CPU và GPU.

Đây là một nỗ lực của ông giúp cập nhật kỹ năng cho nhân viên bắt kịp thị trường và cũng để trả lời cho câu hỏi: Bạn có cần biết lập trình để làm việc trong lĩnh vực công nghệ?

“Ví dụ như bạn làm cho Toyota, bạn phải biết xe vận hành như thế nào, cấu trúc cơ bản của động cơ, hệ thống treo ra sao… Vậy nếu bạn làm việc cho một công ty công nghệ thông tin, bạn phải có kiến thức cơ bản về những thứ trong máy tính”, ông Mikitani trả lời Bloomberg.

Những công ty công nghệ đều coi khả năng viết mã Python hoặc việc phân tích sự khác nhau giữa mạng không dây thế hệ thứ 4 và thứ 5 là các điều kiện tiên quyết cho những vị trí phi kỹ thuật.

Trong khi đó, đến năm 2022, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính có hơn một nửa công nhân cần được đào tạo chuyên sâu.

“Chúng ta đều sinh sống trong một thế giới được định hình bởi công nghệ thông tin, nhưng nhiều người lại có định kiến về công nghệ như thể bệnh tật là do các linh hồn xấu vậy” – giáo sư công nghệ thông tin và nghiên cứu tổ chức tại trường đại học MIT Sloan, ông Thomas Malone cho biết.

Những kỹ năng tin học tối thiểu hiện nay chỉ quanh quẩn các phần mềm giúp ích cho hiệu suất công việc. Ví dụ như Microsoft Office, ứng dụng trao đổi công việc, cơ sở dữ liệu quản lý thông tin khách hàng và các quy chuẩn mạng xã hội.

Những năm tới, một nhân viên trung bình cũng sẽ cần phải biết cơ bản về khoa học dữ liệu và hiểu những tầng khác nhau của trí tuệ nhân tạo.

Bắt đầu từ 2018, Rakuten đặt lập trình là trọng tâm của khóa đào tạo cho những sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng, trong đó khoảng 260 “tân binh” là phi kỹ thuật. Những nhân viên này sẽ tham gia một khóa 6 tháng bao gồm Java cơ bản và kỹ năng nền tảng để xây dựng kiến trúc mạng.

Kết thúc khóa học, các nhân viên mới này sẽ tham gia một cuộc thi hackathon tạo ra sản phẩm riêng của mỗi người. Kết quả sẽ được các đồng nghiệp đánh giá.

Rakuten cho biết họ vẫn chưa có kế hoạch đào tạo cho toàn bộ nhân viên.

Lập trình được cho là kiến thức bắt buộc với những người làm trong ngành công nghệ. Ảnh: Hacker Noon.

Theo giáo sư Malone, điều quan trọng là giữ sự cân bằng thật tốt. Bởi việc này có thể tạo nên quá tải cho nhân viên, và họ cũng có thể bị lạc trong “ma trận” của những cú pháp lập trình.

Tuy vậy, với kinh nghiệm trong quá khứ khi thực hiện kế hoạch “xóa mù tiếng Anh”, ông Mikitani tự tin lần này Rakuten cũng sẽ thành công. Quá trình 2 năm tiếng Anh rất khó khăn, đòi hỏi nhân viên phải bỏ thời gian tham gia các lớp ngôn ngữ hoặc đối mặt với nguy cơ bị hạ cấp.

Ông Mikitani rất phấn khởi khi nói về tầm nhìn của lập trình và một tương lai đang tiến hóa rất nhanh. Đặc biệt khi có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và nhiều phát kiến mới.

“Thế giới 10 năm sau sẽ rất khác biệt. Hầu hết dịch vụ trước giờ con người làm sẽ được thay thế bởi AI. Sẽ là một vấn đề lớn nếu những nhà quản lý không lưu tâm đến điều này ” - ông Mikitani nói.

Ra mắt robot phỏng vấn việc làm đầu tiên trên thế giới Giống như nhà tuyển dụng, Tengai có thể đưa ra một loạt câu hỏi liên quan đến công việc cho ứng cử viên. Tengai do công ty công nghệ Furhat Robotics có trụ sở ở Thụy Điển sáng chế.

Bảo Duy
Theo Bloomberg

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ty-phu-nhat-lai-ep-nhan-vien-hoc-lap-trinh-phan-biet-cpu-va-gpu-post927501.html