Tỷ phú Masayoshi Son tự tin tuyên bố WeWork sẽ là 'Alibaba kế tiếp'

Tập đoàn viễn thông SoftBank Nhật Bản vừa đồng ý đầu tư thêm 1 tỷ USD vào công ty chia sẻ văn phòng WeWork.

Ông Masayoshi Son, CEO của SoftBank tuyên bố ông đã thấy được tiềm năng của công ty này, giống như lần ông đã đặt cược đầu tư vào Alibaba.

Theo WeWork, khoản tiền đầu tư này sẽ ở dạng trái phiếu chuyển đổi. Năm ngoái, SoftBank và Quỹ Tầm nhìn SoftBank, một quỹ được tài trợ bởi A Rập Xê Út, đã đầu tư 4,4 tỷ USD vào WeWork. SoftBank và WeWork cũng đã mở rộng doanh nghiệp chia sẻ văn phòng này tại Nhật Bản với mức liên doanh 50 -50.

Mặc dù đã đầu tư vào rất nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau nhưng rất hiếm khi ông Son đầu tư nhiều tài nguyên như vậy vào một công ty duy nhất. Nhưng ông cho biết WeWork không chỉ là một công ty cho thuê văn phòng: nó là “một thứ hoàn toàn mới sử dụng công nghệ để xây dựng và kết nối các cộng đồng”.

“WeWork là Alibaba kế tiếp”, ông Son nhắc đến khoản đầu tư trước đây vào Alibaba, và ông đã thắng lợi lớn khi công ty thương mại điện tử này phát triển thần tốc nhờ vào sự phát triển của Internet ở Trung Quốc. Ông Son cho biết ông tin WeWork sẽ phát triển đến một quy mô đáng kể và trở thành một trong những công ty chủ đạo của tập đoàn.

Điện thoại di động và Internet đã khiến mọi người có thể làm việc ở bất cứ đâu, thúc đẩy nhu cầu văn phòng dùng chung trên toàn thế giới. WeWork được sáng lập năm 2010, là một trong những công ty nổi bật nhất trong lĩnh vực này, với hơn 250.000 thành viên tham gia và hơn 200 địa điểm tại hơn 20 quốc gia. Công ty này đã báo cáo doanh thu của năm 2017 là hơn 900 triệu USD, gấp 12 lần 4 năm trước đó.

Mayayoshi Son, CEO Softbank. Ảnh: CNBC

Điều làm WeWork khác biệt là công ty này dùng kho dữ liệu lớn để kết nối con người và các công ty tạo điều kiện cho các cơ hội kinh doanh mới.

Địa điểm đầu tiên của WeWork tại Nhật Bản, mở cửa hồi tháng 2 tại quận Roppongi ở Tokyo đã phản ánh mục tiêu này. Địa điểm được chia sẻ này mở cửa cho cả thành viên và người chưa đăng kí, phục vụ cà phê và bia miễn phí. Một nhóm 3 người gọi là “tổ cộng đồng” sẽ theo dõi hồ sơ và sở thích của từng thành viên, sử dụng dữ liệu này để chủ động tạo mối quan hệ giữa những người tham gia với những người cộng tác thích hợp.

Những công ty lớn NTT Communications và Marubeni sử dụng WeWork với hy vọng tận dụng những mối quan hệ nói trên để khuyến khích sáng tạo. WeWork đã có kế hoạch sẽ mở 10 đến 12 địa điểm tại Nhật Bản vào cuối năm nay.

Việc sử dụng các dịch vụ chia sẻ địa điểm làm việc để xây dựng các mối quan hệ không phải độc quyền của riêng WeWork. Nhưng lợi thế của công ty này nằm ở dòng dữ liệu đều đặn mà công ty này thu được từ thành viên, được chia sẻ với các địa điểm khác và người dùng trên toàn thế giới có thể truy cập được thông qua ứng dụng WeWork. Ý tưởng ở đây là càng nhiều dữ liệu càng nhiều thì sáng tạo càng nhiều – một mô hình khiến cho ông Son cảm thấy hứng thú với WeWork.

Nguồn Nikkei Asian Review

Như Mai

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/ty-phu-masayoshi-son-tu-tin-tuyen-bo-wework-se-la-alibaba-ke-tiep-3325415/