Tỷ lệ tiêm chủng cao, Mỹ vẫn khó đạt miễn dịch cộng đồng

Dù hơn một nửa người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm chủng, sự lan truyền các biến chủng mới và hoài nghi về vaccine khiến mục tiêu miễn dịch cộng đồng trở nên xa vời.

Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, vaccine vẫn chỉ là tia sáng ở cuối đường hầm. Thuật ngữ “miễn dịch cộng đồng” là biểu thị sự kết thúc của dịch bệnh. Miễn dịch cộng đồng có nghĩa là khi có đủ người Mỹ được bảo vệ khỏi virus, mầm bệnh sẽ bị loại bỏ, New York Times cho biết.

Hiện nay, hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Nhưng tỷ lệ tiêm phòng ngày càng giảm, và có sự đồng thuận giữa các nhà khoa học, chuyên gia y tế công cộng rằng miễn dịch cộng đồng không thể đạt được, ít nhất là trong tương lai gần, và có lẽ là không bao giờ.

Họ đi đến kết luận virus có thể trở thành một mối đe dọa có thể kiểm soát được và sẽ tiếp tục lây lan ở Mỹ trong nhiều năm tới. Nó vẫn gây ra những đợt bùng phát với các ca nhập viện và tử vong, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

Phụ thuộc vào khả năng biến chủng của virus

Quy mô các đợt bùng phát trong tương lai nhỏ hơn bao nhiêu và số ca mắc cũng như tử vong là điều không chắc chắn. Nó phụ thuộc vào số lượng các quốc gia trên thế giới được tiêm chủng, và quan trọng hơn cả là cách virus tiến hóa.

Có một thực tế là virus đang tiến hóa quá nhanh. Các biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng đang quá chậm. Điều đó làm cho kỳ vọng về miễn dịch cộng đồng trở nên xa vời hơn.

 Mỹ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: New York Times.

Mỹ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: New York Times.

Các chuyên gia tin rằng việc tiêm chủng cho nhóm có nguy cơ cao sẽ rất quan trọng để hạn chế quy mô của các đợt bùng phát mới.

“Virus khó có thể biến mất, nhưng chúng tôi đang làm tất cả để xem nó có khả năng chỉ gây ra sự lây nhiễm nhẹ hay không”, Rustom Antia, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Emory ở Atlanta, Mỹ, cho biết.

Đến nay, các chuyên gia vẫn không thể chắc chắn bao nhiêu phần trăm dân số có kháng thể chống Covid-19. Ngay cả với những người có kháng thể, các chuyên gia cũng không thể chắc chắn về khả năng miễn dịch của họ với các biến chủng mới.

Bác sĩ Anthony S. Fauci, cố vấn hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden về Covid-19, thừa nhận sự thay đổi trong suy nghĩ của các chuyên gia.

"Chúng tôi ngừng sử dụng thuật ngữ miễn dịch cộng đồng. Tôi đã nói, hãy tiêm chủng cho đủ số lượng người, mức độ lây nhiễm sẽ giảm xuống”, ông nói.

Vì sao miễn dịch cộng đồng khó đạt được

Khi virus corona bắt đầu lây lan trên toàn cầu vào đầu năm 2020, nhiều chuyên gia tin rằng miễn dịch cộng đồng là chìa khóa để thoát khỏi đại dịch. Đó là lúc có đủ số người đạt được khả năng miễn dịch, bao gồm thông qua lây nhiễm tự nhiên hay tiêm chủng, khi đó virus sẽ hết người để lây nhiễm và tự biến mất.

30% dân số Mỹ miễn cưỡng về việc tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: New York Times.

Khái niệm miễn dịch cộng đồng trở thành mục tiêu ngầm ở nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ. Ban đầu, ngưỡng để đạt được miễn dịch cộng đồng là 60-70% dân số bị lây nhiễm. Phần lớn các chuyên gia, bao gồm tiến sĩ Fauci tin rằng Mỹ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trước khi vaccine sẵn có.

Nhưng khi vaccine bắt đầu được phân phối, ước tính về ngưỡng này bắt đầu tăng lên. Ước tính ban đầu được đưa ra dựa trên sự lây lan của virus gốc. Biến chủng B.117 - lần đầu tiên được phát hiện ở Anh - có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 60% so với chủng gốc.

Các chuyên gia ước tính ngưỡng mới lên 80%. Nếu các biến chủng mới tiếp tục phát triển và lây lan, hoặc các nhà khoa học phát hiện những người được tiêm chủng vẫn có thể truyền virus, tính toán về ngưỡng có thể phải sửa đổi lần nữa.

Ngoài ra, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 30% dân số Mỹ ngại tiêm chủng.

“Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng 90% dân số, nhưng thực tế điều đó rất khó khăn”, Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, nói.

Dù tình trạng chống vaccine là nguyên nhân chính khiến Mỹ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng đây không phải là lý do chính.

Khả năng miễn dịch cộng đồng thường được xem là mục tiêu quốc gia, nhưng đó là một khái niệm mơ hồ ở một đất nước rộng lớn như Mỹ. Đối với quy mô toàn cầu, khả năng này còn trở nên xa vời hơn.

Tiêm chủng vẫn là chìa khóa

Bác sĩ David M. Morens, cố vấn cấp cao cho bác sĩ Fauci, cho biết khả năng miễn dịch cộng đồng có thể thay đổi theo quy mô dân số, hành vi của con người và nhiều yếu tố khác. Một đợt bùng phát nhỏ ở khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể tràn sang và tấn công khu vực có phần lớn dân số được tiêm chủng.

Tiêm chủng vẫn là chìa khóa để đối phó với dịch bệnh. Ảnh: New York Times.

Đồng thời sự kết nối giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khi lệnh hạn chế đi lại được giảm bớt, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ, không chỉ đối với người Mỹ mà còn những quốc gia khác.

Bất kỳ biến chủng Covid-19 nào mới phát sinh trên thế giới cuối cùng đều sẽ đến Mỹ. Khi đó, tỷ lệ tiêm chủng là yếu tố quyết định mức độ bảo vệ của cộng đồng với các biến chủng mới.

Nhiều nơi trên thế giới tụt hậu xa so với Mỹ về tiêm chủng. Dưới 2% người Ấn Độ được tiêm chủng và chưa đầy 1% ở Nam Phi, theo dữ liệu của New York Times.

“Chúng ta sẽ không đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng với tư cách là quốc gia, tiểu bang, thậm chí là thành phố, cho đến khi chúng ta có đủ khả năng miễn dịch trong mọi quần thể dân số”, Lauren Ancel Meyers, Giám đốc Tổ chức mô hình Covid, Đại học Texas, nói.

Bằng cách tập trung vào tiêm chủng cho nhóm có nguy cơ cao nhất, Mỹ đã giảm được tỷ lệ tử vong so với trước. Nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục tăng theo thời gian, virus corona có thể trở nên theo mùa, tương tự bệnh cúm.

Thách thức lớn nhất đối với các chuyên gia y tế là thuyết phục người dân tiêm chủng. Nhiều người Mỹ vẫn hoài nghi về hiệu quả của vaccine. Một nhóm khác lại thiếu khả năng tiếp cận vaccine, chẳng hạn như người vô gia cư, lao động nhập cư, hoặc một số cộng đồng da màu.

Điều đó khiến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng càng trở nên khó khăn. Tâm lý của đại đa số người dân là muốn nhìn thấy người khác đón nhận một thứ gì đó, trước khi họ sẵn sàng thử nó. Việc nhấn mạnh lợi ích của tiêm chủng có thể trở nên hiệu quả hơn ý tưởng viển vong về miễn dịch bầy đàn.

“Điều đó sẽ gây được tiếng vang với mọi người hơn là khái niệm khó nắm bắt mà các chuyên gia vẫn đang cố gắng tìm ra”, Mary Politi, chuyên gia về y tế và truyền thông sức khỏe, Đại học Washington, nói.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo tăng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em, thậm chí là trẻ sơ sinh. Vì theo thời gian, nếu không có đủ số lượng người được tiêm chủng, các biến chủng mới có thể phát triển và phá vỡ khả năng bảo vệ của vaccine.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ty-le-tiem-chung-cao-my-van-kho-dat-mien-dich-cong-dong-post1211159.html