Tỷ lệ kết hôn ở Đông Á ngày càng giảm

Mặc dù các trung tâm mai mối làm việc hết sức mình, tỷ lệ hôn nhân tiếp tục giảm ở Đông Á. Đó là một vấn đề bức xúc bởi trong xã hội bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, không có hôn nhân thường có nghĩa là không có trẻ em, đồng thời có thể đe dọa triển vọng kinh tế của một quốc gia.

Bức tranh chung

Tại châu Á, số lượng những người độc thân ngày càng gia tăng khiến cho cha mẹ họ và chính phủ của nhiều quốc gia vô cùng lo ngại.

Ở Trung Quốc, các bậc phụ huynh rải tờ rơi tại các trung tâm mai mối. Họ không hiểu thế hệ trẻ sao lại thờ ơ với việc xây dựng gia đình đến thế. Tại Nhật Bản, chuyên gia cố gắng tạo điều kiện và thiết lập các mối quan hệ cho nam nữ độc thân tại nhiều quán cà phê hẹn hò. Nhưng ngay cả điều này cũng không có tác dụng bởi các đối tượng vẫn tắc nghẽn tại các văn phòng.

Ảnh minh họa

Ở Hàn Quốc, sự ưa thích bé trai từ các thế hệ trước đã dẫn đến mất cân bằng giới tính và đàn ông không thể tìm được vợ ở quê nhà. Họ đã chuyển sang hôn nhân di cư với những phụ nữ nước ngoài tìm cách kết hôn với đàn ông Hàn Quốc để thoát nghèo. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), nam giới tìm kiếm đối tác ở Trung Quốc đại lục đã dẫn đến dư thừa phụ nữ tại đây. Các trung tâm hẹn hò ở Hồng Kông tính phí phụ nữ địa phương 600 USD cho bữa tối hẹn hò trong khi đàn ông nước ngoài có thể tham dự miễn phí.

Mặc dù các trung tâm mai mối làm việc hết sức mình, tỷ lệ hôn nhân tiếp tục giảm ở Đông Á. Đó là một vấn đề bức xúc bởi vì trong xã hội bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, không có hôn nhân thường có nghĩa là không có trẻ em, đồng thời có thể đe dọa triển vọng kinh tế của một quốc gia.

Hôn nhân ở Nhật Bản ngày càng ít

Khi các cuộc hôn nhân ngày một ít hơn và tỷ lệ sinh giảm mạnh ở Đông Á, Nhật Bản dường như bị tác động nhiều nhất. Theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội của Nhật Bản, ở lứa tuổi 50, có tới 1/4 đàn ông Nhật Bản vẫn còn độc thân. Không phải họ thiếu cố gắng vì các nghiên cứu cho thấy, nhiều người Nhật vẫn muốn kết hôn.

Arata Funabara, 4 lần muốn kết hôn mà không thành công. Anh đã mở một quán cà phê hẹn hò tốc độ ở Ginza để giúp đỡ những người khác. Nhân viên văn phòng có thể ghé vào 1 hoặc 2 tiếng buổi trưa để trò chuyện với người khác giới. Funabara cung cấp cho họ 3 dây đeo cổ tay màu sắc khác nhau để lựa chọn đối tác hài lòng. Hầu hết chọn màu xanh, mang ý nghĩa không thực sự quan tâm đến đối tác.

Nhà nhân loại học Yoshie Moriki lý giải, những năm 80 và 90, khi Nhật Bản trải qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đàn ông nhiệt tình hơn rất nhiều trong việc tán tỉnh phụ nữ. Tuy nhiên, hai thập kỷ trì trệ kinh tế đã làm thay đổi quan niệm với hôn nhân của thanh niên.

“Những người thanh niên trẻ ở độ tuổi 20 và 30 giờ đang kiếm được ít tiền hơn so với thế hệ trước. Nhưng phụ nữ vẫn có khả năng kinh tế tương tự trước đây, điều này khiến nam giới bị nhụt chí. Ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, phụ nữ có thể kết hôn mà không bị ảnh hưởng lắm tới công việc. Nhưng ở Nhật Bản, hôn nhân có thể khiến người phụ nữ mất đi sự nghiệp”.

“Phân chia vai trò giới vẫn còn rất mạnh. Việc nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình được xem là công việc của một người phụ nữ”, Yoshie Moriki nói. “Nếu họ không hy sinh sự nghiệp để chăm sóc trẻ em hoặc người cao tuổi, họ sẽ bị buộc tội là ích kỷ”.

Xu hướng không có con nếu không kết hôn

Ở Anh, gần 50% trẻ sơ sinh được sinh ra không từ hôn nhân hợp pháp. Con số này chỉ là 2,3% ở Nhật Bản, 1,9% ở Hàn Quốc. Đối với tất cả những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy giảm dân số, một số chính phủ châu Á đang cố hết sức giúp nam giới và phụ nữ dễ dàng có con.

Ảnh minh họa

Ước tính đến năm 2040, có đến 40% các hộ gia đình Nhật Bản sẽ là những người độc thân. Đi đôi với điều này là tỷ lệ sinh giảm thiểu đáng kể. Đối với nhiều phụ nữ, lựa chọn trở thành bà mẹ đơn thân là điều khó khăn.

Theo Viện Chính sách Lao động và Đào tạo Nhật Bản, 51% bà mẹ độc thân ở Nhật Bản sống trong cảnh nghèo đói và 1/7 bà mẹ không đủ khả năng chi tiêu cơ bản như thức ăn. Masami Onishi, 24 tuổi, làm việc 9 giờ/ngày, 6 ngày/tuần để kiếm 800 USD/tháng. Có một công việc toàn thời gian cũng là điều kiện tiên quyết để cô ấy nhận được một số phúc lợi của chính phủ.

Mặc dù chưa bao giờ kết hôn, cô ấy vẫn đeo một chiếc nhẫn cưới. “Nếu tôi không đeo nhẫn, nhiều người lạ sẽ đến nói với các con tôi rằng chúng không có cha. Điều đó gây tổn thương cho chúng”, cô nói.

Những vấn đề hôn nhân xuyên biên giới

Một vấn đề nữa đối với Hàn Quốc và Trung Quốc trong việc thúc đẩy người dân của họ kết hôn là ưu tiên sinh một bé trai, điều này đã dẫn đến tỷ lệ giới tính của trẻ em sinh ra mất cân đối. Cho đến nay, thống kê sẽ có nhiều người đàn ông không thể lấy được vợ.

Bắt đầu từ những năm 90, các nhà môi giới hôn nhân thương mại đã đưa những người đàn ông Hàn Quốc tới một số quốc gia trong khu vực để tìm kiếm hôn nhân. Tuy nhiên trong các trung tâm được bố trí vội vã, sự không phù hợp với kỳ vọng đôi khi dẫn đến bi kịch.

Sau một loạt các vụ lạm dụng hồ sơ và những cái chết thương tâm của cô dâu nước ngoài xảy ra tại Hàn Quốc, chính phủ nước này thắt chặt các quy tắc hôn nhân xuyên biên giới, đặt ra yêu cầu thu nhập tối thiểu cho nam giới. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng mở ra các trung tâm gia đình đa văn hóa trên khắp đất nước để giúp vợ chồng nước ngoài hòa nhập.

Kim Tuyến (Theo channelnewsasia)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/ty-le-ket-hon-o-dong-a-ngay-cang-giam-post51272.html