Tỷ lệ huy động vào NSNN sẽ vẫn giữ ở mức 21% GDP

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 20-21% tổng sản phẩn nội địa (GDP).

Chính phủ cam kết tinh giản bộ máy công chức. Ảnh: TL.

Theo mục tiêu của Chương trình hành động, tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 84-85%, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14-16%; tỷ trọng thu ngân sách trung ương 60-65%.

Như vậy, tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân trong năm năm tới không có gì thay đổi so với giai đoạn năm năm trước. Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa 13, tỷ lệ huy động từ thuế, phí, lệ phí giai đoạn 2011-2015 khoảng 20-21% GDP.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động của Chính phủ cho biết thêm, tỷ lệ chi NSNN giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 24-25% GDP. Trong tổng chi NSNN, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 25-26%, chi thường xuyên dưới 64%, ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Chương trình cũng đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Ngoài ra, quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.

Trong khi đó, báo cáo nêu trên của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,4% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 5,64% GDP, năm 2015 là 6,11% GDP.

Báo cáo cho biết, nợ công ngày càng tăng nhanh và đang tiệm cận đến mức trần cho phép. Trong đó, nợ Chính phủ đã vượt trần (cuối năm 2015 là 50,3% GDP). NSNN còn nợ nhiều khoản chi, nhất là nợ chi cho chính sách an sinh xã hội. Tỷ trọng chi thường xuyên tăng nhanh, chi đầu tư phát triển giảm mạnh. Kỷ luật, kỷ cương tài khóa và các nguyên tắc cân đối, quản lý tài chính - ngân sách chưa được chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chương trình hành động của Chính phủ đề ra các mục tiêu kiên quyết cắt giảm các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết.

Chính phủ sẽ đẩy mạnh đổi mới khu vực dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở tăng cường giao quyền tự chủ trên các mặt tổ chức, biên chế, hoạt động và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; thúc đẩy xã hội hóa; cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương trình cho biết sẽ tập trung cơ cấu lại thu, chi NSNN. Nhiệm vụ và giải pháp khác là tập trung cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia. Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; phấn đấu giảm bội chi NSNN tối thiểu như mức Nghị quyết của Quốc hội đề ra, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay, tăng dự trữ nhà nước.

Chương trình sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công. Cụ thể, Chính phủ sẽ siết chặt kỷ luật tài khóa, ngân sách, nợ công; thực hiện thu chi trong phạm vi dự toán, vay nợ, giải ngân trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định.

Chương trình cũng đặt ra nhiệm vụ kiện toàn bộ máy nhà nước và nhân sự, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161602/ty-le-huy-dong-vao-nsnn-se-van-giu-o-muc-21-gdp.html/