Tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam đã có xu hướng giảm

Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá đã hỗ trợ thường xuyên kinh phí cho hoạt động PCTH thuốc lá, bảo đảm việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá được hiệu quả. Một tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam đã và đang có xu hướng giảm.

Việc hỗ trợ của Quỹ PCTH thuốc lá đã giúp các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác hại thuốc lá và pháp luật về PCTH thuốc lá cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Hiện quỹ đang hỗ trợ cho 22 đơn vị bộ, ngành và tổ chức xã hội; 63 tỉnh, thành phố, 4 thành phố du lịch và 10 bệnh viện. Tại nhiều bộ, ngành, cơ sở y tế, công tác triển khai thực hiện Luật đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng lồng ghép nội dung về PCTH của thuốc lá vào chương trình giáo dục, giảng dạy lồng ghép trong các trường phổ thông qua các môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp... Bộ Y tế, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình địa điểm không khói thuốc như "thành phố du lịch không khói thuốc", "khách sạn không khói thuốc", "điểm du lịch không khói thuốc", "nhà hàng không khói thuốc", "cơ sở y tế không khói thuốc", "trường học không khói thuốc"...

 Quỹ PCTH của thuốc lá hỗ trợ phòng khám thực hiện mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá.

Quỹ PCTH của thuốc lá hỗ trợ phòng khám thực hiện mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá.

Về công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, ngày càng có nhiều chuyển biến với sự tham gia tích cực của lực lượng công an các tỉnh, thành phố thông qua sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá Bộ Công an... Quỹ PCTH thuốc lá đã hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho 8.271 công an các tỉnh, thành phố về xử lý vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá. Khắp cả nước cũng đã có một mạng lưới các bệnh viện thuộc Bộ Y tế tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa có liên quan đến các bệnh có sử dụng thuốc lá và có lượng bệnh nhân lớn, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương...

Nhiều trường học trên cả nước áp dụng mô hình “trường học không khói thuốc”.

So với kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, thì tỷ lệ hút thuốc ở 12 tỉnh, thành phố năm 2018 đã giảm thấp hơn, điển hình tại các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình... Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại công sở, tại cơ sở y tế, trường học giảm nhiều so với năm 2015. Nhận thức của người dân về PCTH của thuốc lá cũng đã được cải thiện đáng kể: Trung bình trên 90% lãnh đạo bộ, lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật PCTH thuốc lá, các quy định về nơi làm việc không khói thuốc; trên 60% người dân hiểu biết được quy định của Luật PCTH thuốc lá, trên 90% người dân hiểu được tác hại của thuốc lá, từ 50-60% người dân hiểu được các bệnh do thuốc lá gây ra...

Về công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá hỗ trợ cho các bệnh viện thực hiện. Hoạt động cai nghiện thuốc lá bắt đầu được triển khai từ năm 2015, đến nay đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực. Trong 3 năm, từ 2015-2018, bệnh viện trung ương đã tổ chức tập huấn 93 lớp kỹ năng tư vấn ngắn về cai nghiện thuốc lá cho 6.302 cán bộ y tế của các khoa phòng; 18 lớp tập huấn chuyên sâu cho nhân viên tư vấn và bác sĩ trung tâm hô hấp cho 530 lượt cán bộ về kỹ năng tư vấn qua điện thoại tại Phòng tư vấn cai nghiện...

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc lá từ ngày 25 đến 31-5 với chủ đề: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”.

Bài, ảnh: DƯƠNG TỬ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ty-le-hut-thuoc-la-tai-viet-nam-da-co-xu-huong-giam-619163