Tỷ lệ đốt rơm rạ sau thu hoạch ở Hà Nội giảm rõ rệt

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân và thực hiện các biện pháp thay thế đốt như trồng nấm rơm, cấy vùi rơm rạ, làm thức ăn chăn nuôi... do đó tỷ lệ đốt rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2020 giảm rõ rệt so với các năm trước. Theo đó, tỷ lệ đốt rơm rạ vào vụ xuân chỉ còn trên 20% và vụ mùa là 2,2%.

Cụ thể theo kết quả kiểm kê khí thải do đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 mà nhóm nghiên cứu ô nhiễm khí quyển, trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện tỷ lệ đốt rơm rạ giảm rõ rệt so với các năm trước. Cụ thể tỷ lệ (%) trung bình đốt rơm rạ vào vụ đông - xuân chỉ còn trên 20% và vụ mùa là 2,2%.

Khi nào nhận thức rõ giá trị của rơm rạ, có cách tái sử dụng, xử lý rơm rạ hiệu quả, khi đó mới không còn tình trạng đốt bỏ (Ảnh: Giang Nam)

Khi nào nhận thức rõ giá trị của rơm rạ, có cách tái sử dụng, xử lý rơm rạ hiệu quả, khi đó mới không còn tình trạng đốt bỏ (Ảnh: Giang Nam)

Theo số liệu từ báo cáo đề xuất giải pháp quản lý phụ phẩm nông nghiệp, chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng của nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia của Hội không khí sạch Việt Nam cho thấy Hà Nội một năm sản xuất gần một triệu tấn lúa, 80 ngàn tấn ngô, 24 ngàn tấn khoai lang, 6 ngàn tấn đậu tương, 6 ngàn tấn lạc và trên 700 ngàn tấn rau, theo đó có trên 1,2 triệu tấn chất thải trồng trọt cần phải quản lý, nhiều nhất là rơm rạ từ sản xuất lúa (ước tính gần 1 triệu tấn).

Thực hiện Nghị quyết số II/NQ-TƯ của Thành ủy và Nghị quyết số 05/NQ-HĐND Thành phố từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã liên tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tác động của khói bụi do đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định đối với sức khỏe và môi trường Thành phố.

Kết quả khảo sát vào tháng 7 năm 2020 tại 14 quận, huyện, hiện nay, tỷ lệ đốt rơm rạ tại Hà Nội là 78,57%, trong đó huyện Ứng Hòa 15%, huyện Ba Vì 10%, huyện Mê Linh 30%, Thạch Thất 15%, Phúc Thọ 10%, Sóc Sơn 1%, Nam Từ Liêm 20%, Thường Tín 0,5%, Thanh Trì 5%, Mỹ Đức 10%... một số huyện đã không còn hiện tượng đốt rơm rạ như huyện Phú Xuyên.

Hiện nay các giải pháp phổ biến nhất được các quận, huyện đã áp dụng thay thế đốt là cấy vùi rơm rạ (gần 80%) trồng nấm rơm (71%), làm thức ăn chăn nuôi và xử lý bằng chế phẩm sinh học đạt 64%, 57% địa phương có hoạt động thu gom, bán rơm rạ. Hầu hết các giải pháp này đều có khả năng nhân rộng và dễ triển khai, đặc biệt là phương pháp cấy vùi rơm rạ với kỹ thuật đơn giản, không tốn công vận chuyển và chi phí vừa phải.

Tuy nhiên công tác quản lý, giám sát tại địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do thiếu chế tài trong việc xử lý vi phạm đối với hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng, việc thực thi Luật bảo vệ môi trường, Luật trồng trọt đối với hoạt động này chưa đồng bộ và hiệu quả. Do đó mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng nhưng hiệu lực thực thi chưa đạt kết quả như mong muốn.

Kết quả điều tra cụ thể tại 7 huyện, 105 xã với 227 hộ cho thấy hầu hết tình hình đốt rơm rạ vẫn diễn ra sau mỗi vụ thu hoạch. Đặc biệt tỷ lệ đốt rơm rạ có thể rất cao ở một số xã từ trên 40% lượng rơm rạ ở cả vụ xuân và vụ lúa mùa như xã Kim Chung, Đại Mạch, Cổ Loa (huyện Đông Anh); xã Sơn Công, Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa); xã An Tiến, Phù Lưu Tế, Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức)...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Hà - Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng để giảm triệt để việc đốt rơm rạ ngoài các giải pháp chính trước mắt như tăng cường tuyên truyền vận động, tận dụng rơm rạ, hỗ trợ kinh phí chế phẩm sinh học… cần thực hiện tốt giải pháp lâu dài là áp dụng mô hình khép kín và xử lý sau thu hoạch, phải có quy hoạch tổng thể, thay đổi cây trồng, vai trò của cây lúa.

Đặc biệt, giải pháp đưa ra phải đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sự tham gia của các nhóm cộng đồng. Trong đó, tất cả các hộ sản xuất trồng trọt đăng ký hình thức xử lý phế phụ phẩm trước khi gieo trồng, bảo đảm không đốt rơm rạ. Cán bộ cấp thôn, làng, hợp tác xã thành lập tổ giám sát về việc thực hiện, cam kết, đồng thời các xã phải có những phản ánh kịp thời vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đến Ủy ban nhân dân huyện.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ty-le-dot-rom-ra-sau-thu-hoach-o-ha-noi-giam-ro-ret-118338.html