Tỷ lệ di truyền của bệnh đái tháo đường có thể lên tới 70%

Nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh đái tháo đường thì có thể làm tăng 70% nguy cơ mắc bệnh ở con cái.

Những trường hợp nào tỷ lệ di truyền cao?

Tạp chí nghiên cứu sức khỏe Verywell Health đã đưa ra thông tin đáng quan tâm: Người có bố hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ mắc bệnh này lên tới 40%. Người có cả bố và mẹ mắc bệnh tiểu đường nguy cơ là 70. Người có bố mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường nguy cơ sẽ cao gấp 3 lần.

Điều trị bệnh đái tháo đường cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ

Điều trị bệnh đái tháo đường cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ

Trong nhiều nghiên cứu, Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra, bệnh tiểu đường không phải bệnh truyền nhiễm nhưng có thể sẽ di truyền. Vì vậy, nếu bố mẹ bị bệnh này thì khả năng cao trẻ cũng sẽ mắc bệnh mặc dù khi trẻ được sinh ra chưa có bất kỳ dấu hiệu nào mắc bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, nếu bố hoặc mẹ có những biến thể trong gen thì khi có thai những biến thể trong gen đó cũng có thể gây ra bệnh tiểu đường do mắc bệnh theo gen di truyền.

Theo các chuyên gia y tế, tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose do thiếu hụt hormone Insulin (tiểu đường type 1) hoặc suy giảm chức năng của hormone Insulin (tiểu đường type 2).

Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây hình thành bệnh tiểu đường gồm: Gen di truyền gây bệnh và yếu tố môi trường tác động.

Tiền sử gia đình đóng vai trò quan trọng, nhiều người mang một số gene nhất định (truyền từ cha mẹ sang con cái) khiến họ có nhiều khả năng bệnh type 1 hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số này đều bị bệnh ngay cả khi có yếu tố gene di truyền. Thậm chí, với những cặp song sinh giống hệt nhau (gene giống nhau) đôi khi người này mắc bệnh, người kia thì không.

Lúc này, yếu tố môi trường, thói quen ăn uống chung được xem là nguyên nhân. Yếu tố khởi phát trong môi trường sống như nhiễm virus có thể góp phần đáng kể phát triển căn bệnh này.

Điều trị như thế nào để hiệu quả?

Hiện nay chưa có vắc xin hay phương pháp phòng bệnh tiểu đường do di truyền hữu hiệu. Tuy nhiên có thể giảm tỷ lệ này xuống ở mức tối đa với lối sống lành mạnh, đó là: Duy trì chế độ luyện tập, tập thể dục thường xuyên; ăn uống ít mỡ, ít tinh bột, đường, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá…; ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi chứa hàm lượng chất xơ nhiều; giữ cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì; giảm căng thẳng tối đa; khám bệnh định kỳ, xử lý bệnh sớm nhất có thể.

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ đề xuất nên kiểm tra mức đường huyết hàng năm cùng với kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt người trên 45 tuổi. Người cao huyết áp và bị mỡ máu cao hoặc gan nhiễm mỡ có nguy cơ cao hơn, cần kiểm tra thường xuyên mức đường huyết.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Phương Huệ - Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn – cho hay: Bệnh đái tháo đường không được xem là bệnh di truyền nhưng có yếu tố di truyền. Không phải trường hợp nào có bố mẹ mắc đái tháo đường con cũng mắc đái tháo đường. Mỗi người bệnh đái tháo đường cần biết đây là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose mạn tính.

Bệnh có thể kiểm soát bằng duy trì lối sống khoa học: Chế độ ăn, tập luyện, sử dụng thuốc điều độ, khám định kỳ. Người bệnh không nên tin vào các thuốc quảng cáo chữa khỏi đái tháo đường. Từ đó dẫn tới bỏ thuốc hay không tuân thủ quá trình điều trị. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Nguyên tắc dùng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường phải đúng liều, đúng giờ theo đơn của bác sĩ. Khi thấy đường huyết ổn định tuyệt đối không ngưng thuốc đột ngột. Việc ngưng thuốc đột ngột là điều tối kị với người mắc bệnh tiểu đường, dễ gây những hậu quả xấu.

Ở người bệnh đái tháo đường type 2 không cần ăn nhiều bữa, tuy nhiên bệnh nhân đái tháo đường đang tiêm insulin có thể chia làm 5 bữa (3 bữa chính và 2 bữa phụ). Việc phân bổ thức ăn dù nhiều hay ít vẫn nằm trong tổng số năng lượng đã tính toán.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ty-le-di-truyen-cua-benh-dai-thao-duong-co-the-len-toi-70-253944.html