Tỷ lệ che phủ rừng của Lào và Campuchia cao hơn Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là gần 42%, trong khi đó, Lào, Campuchia lần lượt là 58% và 47%.

Trong 102 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi sáng 6/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ lo ngại trước thực trạng diện tích, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.

"Dù Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn báo cáo chúng ta đã làm tốt việc che phủ rừng với tỷ lệ 42%, tuy nhiên, khi quan sát bằng hình ảnh Google Maps, chất lượng rừng nước ta thấp hơn nhiều so với các nước cùng đường biên giới", đại biểu nêu thực trạng và đặt câu hỏi về công tác quản lý rừng.

Rừng của Việt Nam còn non

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định đánh giá của đại biểu là chính xác. Hiện tại, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là gần 42%, trong khi đó, Lào, Campuchia lần lượt là 58% và 47%.

"Lào, Camphuchia có diện tích đất tự nhiên bình quân chia đầu người lớn hơn Việt Nam. Đặc biệt, Lào có diện tích chủ yếu là rừng và có đến 18 triệu ha đất tự nhiên", Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn lý giải.

 Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Cường thông tin thêm diện tích đất tự nhiên của Việt Nam là 10,3 triệu ha và mới thực hiện phục hồi rừng từ năm 1990. Do mới tập trung công tác phát triển rừng trong 30 năm đổ lại, mức độ che phủ rừng của nước ta chưa thể so sánh với các nước bạn.

"Việc tỷ lệ che phủ rừng còn thấp do tính chất lịch sử là rừng chúng ta còn non. Đương nhiên nguyên nhân còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ tăng cường các nhóm giải pháp và tăng cường cơ chế hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ, phát triển rừng", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm hiện tại, cả nước có 4,3 triệu ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo. Loại cây này sinh khối nhanh nhưng độ che phủ và chống chịu thiên tai thấp.

Thời gian tới, bộ sẽ có chương trình thay thế cây keo bằng các loại cây gỗ lớn và cây bản địa. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành đề án phát triển rừng tại những khu vực trọng yếu như Tây Nguyên, ven biển, Tây Bắc.

"Đối với rừng tự nhiên, chúng ta cần kiên quyết giữ thái độ không để can thiệp, chuyển đổi diện tích. Bên cạnh đó, trách nhiệm từng cơ quan Trung ương đến địa phương cần được tăng cường, đặc biệt các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng phải mạnh hơn nữa", ông Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp.

Còn lúng túng trong xử lý vi phạm môi trường

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển dẫn chứng báo cáo của Chính phủ trong năm nay, 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với hơn 3.093 tổ chức, cá nhân vi phạm được phát hiện, trong đó, nhiều vụ việc mang tính chất rất nghiêm trọng.

Đại biểu Hiến nêu thắc mắc với Viện trưởng VKSND Tối cao về lý do đến hiện tại, chưa có pháp nhân vi phạm nào nêu trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận câu hỏi của đại biểu khiến cơ quan, người làm luật và thực thi pháp luật phải suy nghĩ. Ông cũng cho rằng cán bộ xử lý vi phạm vấn đề môi trường còn lúng túng trong nhiều trường hợp.

"Không phải hành vi vi phạm môi trường nào chúng ta cũng xử lý hình sự được. Cần tùy thuộc vào mức độ định lượng gây ô nhiễm môi trường và một số trường hợp, người vi phạm sau khi bị xử lý hành chính vẫn tái phạm mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Lê Minh Trí phân tích.

Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay còn tình trạng cá nhân núp bóng pháp nhân để thực hiện vi phạm. Ông nhận định đây là vấn đề mới, chưa có căn cứ cụ thể và tính khả thi của các điều luật để giải quyết thấu đáo.

Đặc biệt, ông Lê Minh Trí thừa nhận còn nhiều trường hợp do chưa được hướng dẫn cụ thể nên cán bộ tỏ ra lúng túng khi xử lý vi phạm môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, người thi hành luật cần có hướng dẫn cụ thể của các cấp từ nghị quyết đến văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tối cao.

"Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng là cần có lộ trình nghiên cứu, đề xuất nguyên nhân chính của những vấn đề còn bất cập, thiếu khả thi để có hướng khắc phục hiệu quả", Viện trưởng VKSND Tối cao nêu giải pháp.

Quang Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ty-le-che-phu-rung-cua-lao-va-campuchia-cao-hon-viet-nam-post1150192.html