Tỷ giá nhìn từ vàng

DoanhNhanOnline – Trước nhiều sức ép, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định tỷ giá sẽ không bị điều chỉnh quá 2% trong năm nay. Lời hứa này xem ra đang phản tác dụng. Vàng 'ép' tỷ giá bằng… tâm lý...

DoanhNhanOnline – Trước nhiều sức ép, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định tỷ giá sẽ không bị điều chỉnh quá 2% trong năm nay. Lời hứa này xem ra đang phản tác dụng.

Vàng “ép” tỷ giá bằng… tâm lý

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng nói: chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới (sau khi quy đổi từ đô la Mỹ sang tiền đồng và cộng thêm chi phí khác) 400 ngàn đồng/lượng là đã có thể xuất hiện đầu cơ, làm giá. Vì thế với mức chênh lệch lên đến hơn 6 triệu đồng hiện nay, vàng quả là kênh “đầu tư” siêu lợi nhuận của dân buôn lậu! Nhưng, con số 6 triệu đồng đó không dễ gì kiếm được. Vì, đã là buôn lậu thì chi phí mà họ bỏ ra để chuyển từ vàng lậu thành vàng chính thức khá tốn kém, qua nhiều khâu trung gian nên mức lợi nhuận không thể là 6 triệu đồng/lượng.

Chưa kể, nếu bị bắt (như vụ buôn lậu 7kg vàng vừa bị bắt tại TP.HCM) thì sẽ mất trắng, còn bị xử lý hình sự. Vàng nhập lậu về, nếu muốn có giá bán cao, đạt mức chênh lệch 6 triệu đồng, thì phải được chuyển đổi thành vàng SJC. Mà điều này thì hoàn toàn không đơn giản khi NHNN là đơn vị độc quyền về sản xuất vàng miếng SJC. Do đó, lợi nhuận trong buôn lậu vàng là có, nhưng không dễ gì kiếm, khi NHNN cùng các bộ, ngành đang rất quyết tâm bình ổn thị trường.

Thứ hai, nếu có hiện tượng gom đôla để nhập vàng thì cầu cũng không đủ tạo nên mức biến động lớn của tỷ giá, càng không phải là lý do khiến các ngân hàng thương mại phải liên tục điều chỉnh tỷ giá tăng như những ngày qua. Vì thực tế cầu tín dụng nói chung và cầu ngoại tệ nói riêng đã và đang rất thấp từ năm ngoái đến nay, nên doanh nghiệp không đứng trước sức ép phải lo nguồn ngoại tệ để trả nợ. Còn ngân hàng càng không lo thiếu đôla khi lãi suất đồng bạc xanh trên thế giới hiện rất thấp do các nước tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế.

Việc này cũng sẽ khiến đồng đôla Mỹ chảy mạnh hơn vào Việt Nam, khi lãi suất tiết kiệm bằng đôla hiện vẫn được giữ ở mức 2%/năm. Cộng thêm cam kết không làm tỷ giá biến động nhiều, thì rõ ràng không cần đầu tư, không phải chịu rủi ro, những người chuyển ngoại tệ về Việt Nam vẫn có lợi ích, tuy không nhiều nhưng cũng là tốt, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ, chưa có kênh đầu tư nào khả quan hơn.
Còn trong nước, những doanh nghiệp xuất nhập khẩu – đối tượng khách hàng có tài khoản tiền gửi ngoại tệ lớn, không có nhu cầu lớn đôla Mỹ để nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh kinh tế trì trệ hiện nay.

Thậm chí, thời gian qua NHNN đã liên tục mua vào được đôla Mỹ. Lượng mua vào lớn đến mức NHNN phải cân đối bằng cách hút tiền đồng trên thị trường mở về để không gây tác động đến lạm phát. Theo thống kê của SSI Research, tính chung cả tuần (từ 12-18/4) NHNN đã hút ròng 359 tỷ đồng. Và trong ngày 23/4 NHNN đã hút ròng thêm 95 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, thị trường chính thức và không chính thức không thiếu đôla đến mức khiến tỷ giá tăng vọt. Do đó, biến động của tỷ giá những ngày qua có thể có phần bắt nguồn từ nhu cầu buôn lậu vàng, nhưng không hẳn là sức ép lớn nhất khiến tỷ giá biến động. Sức ép lớn hơn cả lên tỷ giá hiện nay chính là tâm lý bất ổn của thị trường.

Cơ quan quản lý lãnh đủ

Một khi tỷ giá liên tục bị đẩy cao thời gian qua không phải do cầu lớn hơn cung, mà chủ yếu từ tâm lý thị trường, vậy ai được lợi? Chính là những kẻ chủ ý tung tin không chính xác. Người thiệt trước mắt là người dân bị tác động bởi tin đồn. Nhưng, người chịu thiệt hại hơn cả chính là NHNN – đơn vị đang quản lý thị trường ngoại hối. NHNN tuyên bố chính sách tỷ giá của họ là thả nổi có điều tiết. Nhưng họ đã “neo” cố định tỷ giá quá lâu ở mức 20.828 đồng/USD. Cái lý của NHNN là việc phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN cho biết: tùy từng giai đoạn cụ thể, tỷ giá có thể là mục tiêu, cũng có thể là công cụ trong điều hành. Khi định đưa ra bất cứ chính sách nào về tỷ giá, chúng tôi phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có 5 yếu tố chủ chốt: định hướng điều hành của Chính phủ; định hướng điều hành chính sách tiền tệ; các yếu tố vĩ mô như diễn biến lạm phát, xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài, cán cân thanh toán quốc tế; diễn biến thị trường quốc tế, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, đặc biệt là diễn biến cung cầu ngoại tệ. Và đặc biệt kỳ vọng lạm phát.

Nhưng rõ ràng việc CPI tiếp tục thấp trong 4 tháng qua là do kinh tế trì trệ chứ không phải do tác dụng của chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa. Vì thế, NHNN vẫn lo ngại bóng đen lạm phát cao sẽ trở lại. Và điều khiến NHNN lo lắng nhất là sự biến động của tỷ giá sẽ gây tác động xấu đến điều hành chính sách tiền tệ, dẫn đến lạm phát.

Các chuyên gia cho rằng, việc giữ cam kết không điều chỉnh mạnh tỷ giá đã góp phần củng cố uy tín của NHNN trong năm 2012. Thế nhưng, trong năm nay, nếu tiếp tục giữ, tỷ giá sẽ có nguy cơ bật mạnh sau một thời gian dài bị kìm giữ. Lúc đó, cho dù NHNN có đủ nguồn lực để can thiệp thì thiệt hại cũng sẽ không nhỏ.

Thị trường vàng vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN. Có lẽ vì thế mà cơ quan này đang cố gắng kìm giữ thị trường ngoại tệ. Nhưng sự thiếu linh hoạt trong điều hành tỷ giá cũng đang tạo sức ép lên thị trường và lên chính NHNN. Cuộc chiến bình ổn thị trường vàng của NHNN đang bước sang một trang mới: không phải về giá mà về thông tin. Cuộc tranh cãi về quản lý thị trường vàng trên các phương tiện truyền thông đã lên đến đỉnh điểm, khiến lực lượng công an phải vào cuộc, theo yêu cầu của NHNN.

Tuy nhiên, điều mà chúng tôi bận tâm ở đây không phải là cuộc chiến truyền thông, mà là “cuộc chiến” của đại đa số dân chúng còn lại: đặt niềm tin vào đâu (vàng, đô la hay tiền đồng) để bảo toàn giá trị tài sản của mình trước sóng gió thị trường. Thiếu niềm tin sẽ càng khiến thị trường dễ chao đảo và làm khó hơn cho công tác điều hành của ngân hàng trung ương.

Thái Thanh

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/ty-gia-nhin-tu-vang/