Tỷ giá đã tăng như thế nào kể từ sau kỳ nghỉ Tết?

Sau kỳ nghỉ lễ Tết dài ngày, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước niêm yết đã tăng mạnh và duy trì xu hướng đi lên kể từ đó đến nay. Chỉ trong vòng 5 ngày của tuần sau Tết, tỷ giá trung tâm đã đội thêm 48 đồng.

Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh, các ngân hàng giữ nguyên

Nếu so với mức tăng 43 của cả tháng 1 đầu năm nay, thì mức tăng mạnh trong khoảng thời gian ngắn như trên là khá cách biệt. Cụ thể trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau khi nghỉ Tết, nhà điều hành đã nâng mạnh tỷ giá thêm 28 đồng. Ngày kế tiếp 12/2 tăng thêm 10 đồng và ngày 15/2 tăng thêm 14 đồng, sau khi đã điều chỉnh giảm nhẹ 4 đồng vào ngày 13/2.

Tính đến sáng nay (18/2), tỷ giá trung tâm đang được niêm yết tại mốc 22.913, tuy giảm nhẹ 2 đồng so với cuối tuần trước, nhưng so với đầu tháng vẫn đang tăng 45 đồng và so với đầu năm tăng 88 đồng, tương đương mức tăng 9,39%. Như vậy, tỷ giá trung tâm đang hướng đến tháng thứ 2 được điều chỉnh tăng nhanh liên tiếp.

Giá bán ra USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng điều chỉnh tăng tương ứng theo tỷ giá trung tâm, dù giá mua vào vẫn giữ nguyên tại mức 23.200 đồng kể từ đợt điều chỉnh tăng mạnh ngày 2/1 đầu năm nay. Hiện tại giá bán ra đang nằm quanh mốc 23.550 đồng, tăng xấp xỉ 46 đồng so với tháng trước và tăng 90 đồng so với đầu năm, tương đương 0,38%.

Trong khi đó, giá mua bán tại các ngân hàng tiếp tục giữ được sự ổn định cần thiết, bất chấp động thái điều chỉnh tăng mạnh giá niêm yết của NHNN. Trong sáng nay, giá mua vào tại Vietcombank nằm tại 23.150, giảm nhẹ 10 đồng so tháng trước, trong khi giá bán ra đã được nới rộng chênh lệch so với gia mua vào từ 90 đồng lên 100 đồng, hiện nằm tại 23.250, giữ nguyên so với cuối tháng trước. So với đầu năm nay, trong khi tỷ giá trung tâm đã tăng khá mạnh, thì giá mua bán tại Vietcombank chỉ tăng vỏn vẹn 5 đồng.

Đáng lưu ý là giá mua bán trên thị trường tự do thậm chí còn giảm đáng kể so với đầu năm, ngược chiều với diễn biến trên thị trường chính thức. Cụ thể giá mua vào trên thị trường tự do cuối tuần qua nằm tại 23.200, tuy tăng nhẹ 20 đồng so với cuối tháng trước nhưng so với đầu năm vẫn đang giảm 30 đồng, tương ứng 0,13%. Tương tự giá bán ra cũng giảm 50 đồng, tương ứng 0,21% so với đầu năm và không thay đổi so với cuối tháng trước, hiện nằm tại 23.220.

Vì đâu?

Diễn biến ngược chiều trên có thể làm nhiều người bất ngờ, đặc biệt là động thái tăng nhanh tỷ giá của NHNN ngay sau kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến đồng USD trên thị trường quốc tế, thì việc NHNN mạnh tay điều chỉnh tỷ giá là có thể hiểu được, nhất là trong bối cảnh nhà điều hành dường như đã mua một lượng lớn ngoại tệ vào trong giai đoạn đầu năm nay.

Cụ thể tính từ phiên giao dịch cuối tháng 1, trong khi thị trường trong nước nghỉ lễ thì đồng USD liên tiếp tăng nhanh trên thị trường quốc tế, với chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh có 7 phiên đi lên liên tiếp từ ngày 31/1 đến ngày 8/2. Theo đó, sau khi chạm mức thấp nhất ở 95,16 trong ngày 31/1, thì chỉ số USD Index đã liên tiếp đi lên và đạt mức cao nhất ở 97,37 trong ngày 15/02 cuối tuần rồi, tương đương mức tăng mạnh đến 2,3%.

 USD trên thị trường quốc tế đã tăng khá mạnh trong giai đoạn thị trường trong nước nghỉ lễ

USD trên thị trường quốc tế đã tăng khá mạnh trong giai đoạn thị trường trong nước nghỉ lễ

Trong giai đoạn trên, những cuộc đàm phán thương mại không có kết quả rõ ràng và dường như vẫn ở tình trạng bế tắc tại một số điểm chính, cũng như trước triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám, đã thúc đẩy giới đầu tư tìm đến những tài sản an toàn như đồng USD, bất chấp việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 1 và đưa ra dấu hiệu sẽ làm chậm lại lộ trình thắt chặt tiền tệ.

Trong khi đó, việc tỷ giá chính thức do NHNN niêm yết đi lên được xem là phù hợp với mong muốn mua vào ngoại tệ để gia tăng kho dự trữ ngoại hối. Theo chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây, chỉ trong tháng 1, NHNN đã mua vào được hơn 4 tỷ USD, nhằm tận dụng dòng vốn ngoại tệ tiếp tục chảy vào mạnh mẽ qua đầu tư, kiều hối và thặng dư thương mại kỷ lục trong năm 2018.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, vốn đầu tư FDI giải ngân trong tháng 1 ước đạt 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ tháng 1/2018, trong khi vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng vọt 114% so với cùng kỳ năm 2018, lên mức 761,9 triệu USD, tăng. Diễn biến khối ngoại mua ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm đến nay cũng phần nào khắc họa được dòng vốn liên tiếp rót ròng mạnh mẽ vào Việt Nam như thế nào.

Dù vậy, đồng USD trên thị trường quốc tế sau giai đoạn tăng mạnh thì hiện có dấu hiệu điều chỉnh trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần qua cho đến sáng nay, khi vòng đàm phán kế tiếp diễn ra trong tuần này tại Washington đang khiến giới đầu tư thêm kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể đạt được, do đó thúc đẩy dòng vốn rút khỏi các tài sản an toàn như đồng bạc xanh để chạy vào các kênh đầu tư rủi ro hơn.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/ty-gia-da-tang-nhu-the-nao-ke-tu-sau-ky-nghi-tet-158007.html