Tuyệt vọng với sự thờ ơ

Cách đây đúng hai năm, chúng tôi ký một bản kiến nghị chống bạo hành y tế.

Bản kiến nghị được gửi cho Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Phủ Thủ tướng, Văn phòng Quốc hội.

Tôi là người thay mặt cho tất cả y bác sĩ, cán bộ y tế và những người quan tâm ký vào bản kiến nghị đó. Chỉ riêng danh sách người đứng tên trong kiến nghị, in ra đã thành 5 quyển dày.

Ý tưởng đó nảy ra từ tháng 8/2015, khi mẹ của một bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện Tân Phú vô cớ đánh vào mặt nữ bác sĩ đang khám cho con mình. Người này sau đó nói rằng “đang bức xúc chuyện ở nhà nên đánh bác sĩ”, và không một lời xin lỗi. Sự kiện đó - dù không quá lớn so với rất nhiều vụ bạo hành nhân viên y tế khác - khiến tôi bức xúc, viết nhiều bài trên báo và facebook cá nhân, cũng như kêu gọi cộng đồng y bác sĩ “không thể mãi ôn hòa”.

Chiến dịch kêu gọi thu hút sự chú ý của công luận, thậm chí ngay cả fanpage của Bộ trưởng Y tế trên facebook cũng đã chia sẻ bài viết của tôi về sự kiện ở bệnh viện Tân Phú. Tháng 11/2015, bản kiến nghị chính thức được gửi đi.

Sau đó, chỉ có Bộ Y tế hồi đáp bản kiến nghị này. Và nếu gọi đây là một phong trào, thì hôm nay, tôi phải thừa nhận: Phong trào chống bạo hành y tế đã thất bại.

Chống bạo hành y tế, chưa bao giờ được quan tâm đúng mức từ các cơ quan chức năng hay là chính bản thân các nhân viên y tế.

Những vụ hành hung liên tiếp cuối năm 2016, đầu năm 2017, ở nhiều lĩnh vực khác nhau khiến tôi suy nghĩ nhiều về phong trào chống bạo hành y tế. Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 18/10/2016, một nữ nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài bị hai người đàn ông đánh. Ngày 20/10/2016, ngày Phụ nữ Việt nam, Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức khẩn trương điều tra.

Khoảng 19h20 ngày 15/6, chị Trần Thị Thanh, nhân viên vệ sinh đang đi thu gom rác, bị một phụ nữ lao vào đánh ngất tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sáng 18/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến Bệnh viện Thanh Nhàn để thăm hỏi chị.

Khoảng 21h đêm 15/2/2017, khoa Hồi sức Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Khi đang làm các thủ tục cấp cứu, nữ hộ lý tên Lan bất ngờ bị một nam thanh niên đi chung với với nạn nhân tấn công. Chị phải đi cấp cứu và nằm viện.

12 ngày sau là ngày Thầy thuốc Việt nam, chẳng có lãnh đạo trung ương, không có quan chức ở tỉnh, hoặc các cán bộ huyện, thăm chị Lan. Thậm chí, chẳng ai nhớ đến chị, một người vừa bị bạo hành y tế.

Sau ngày Thầy thuốc Việt nam đúng một ngày, tối 28/2/2017, tên Nguyễn Tuấn Hảo (25 tuổi, trú xã Diên Điền, Huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã tấn công chị N. đang trực một mình. Hắn đã khống chế chị N, thực hiện hành vi hiếp dâm và ra tay dã man gây tổn thương nghiêm trọng cho nạn nhân. Cũng không thấy bóng dáng quan chức hay người có trách nhiệm nào trong câu chuyện này.

Tôi không có ý định nói rằng nghề thầy thuốc cao quý hay cần quan tâm hơn nghề hàng không, hay công nhân môi trường. Nhưng đặt các sự kiện như thế cạnh nhau, không khỏi khiến những người làm ngành Y như tôi chạnh lòng. Dường như bạo hành y tế đã xảy ra dày đặc tới mức không còn ai coi nó là một sự bất thường để phải dành sự quan tâm đặc biệt nữa.

Chỉ trong năm nay, một viên đạn đã bắn sượt qua đầu một nhân viên bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ); 20 đối tượng mang hung khí khống chế nhân viên bệnh viện Đại học Y Hà Nội; một bác sĩ ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam bị đánh và bắt quỳ ngay trong cơ quan mình...

Chúng tôi có quyền đặt câu hỏi rằng thực sự các cơ quan chức năng quan tâm đến các sự kiện này tới đâu?

Và đau lòng hơn, là không chỉ có nhà hữu trách thể hiện sự thờ ơ. Ngay cả những người trong cuộc, những người bị hành hung, bị bạo hành, cũng như vậy. Họ dễ dàng bị những lãnh đạo cơ sở y tế dọa dẫm, họ dễ dàng rút lui, không muốn phong trào Chống bạo hành y tế nói về câu chuyện của họ. Họ dễ dàng thỏa hiệp, dù không có xin lỗi, không có đền bù.

Đã nhiều lần tôi muốn từ bỏ chương trình Chống bạo hành y tế, đóng trang web Chống bạo hành y tế lại, nhất là khi chính những nạn nhân trực tiếp của bạo hành y tế yêu cầu tôi không viết về chuyện của họ, thậm chí yêu cầu gỡ bài, xóa bài.

Vì chống bạo hành y tế mà nhà của tôi, xe của tôi bị tạt sơn. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của những người bảo vệ khu phố tôi sự nghi ngờ, rằng tôi là loại bác sĩ nào mà bị người ta tạt sơn vào nhà. Tôi đã phải nuốt khan khi nghe các anh công an phân tích, rằng việc tạt sơn thì chỉ do không sòng phẳng về tình hoặc tiền. Tôi thấy mình thật cô đơn.

Hôm trước, ngay dưới bài viết của bà Nguyễn Thị Kim Tiến về bạo hành y tế, tôi vẫn bắt gặp những ý kiến dạng "không có lửa thì sao có khói", "các bác sĩ cần xem lại mình", khi bàn đến những hành vi côn đồ, thậm chí là sát nhân.

Chính ngay khi nhớ lại những cảm giác ấy, tôi đã hiểu tại sao những bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế là nạn nhân trực tiếp của bạo hành y tế lại dễ dàng thỏa hiệp với cái ác. Không thỏa hiệp sao được, khi ngay cả lãnh đạo các cơ sở y tế cũng muốn ém nhẹm sự việc?

Nhân viên y tế có yên tâm khám chữa bệnh được không? Tôi vẫn đợi một câu trả lời rõ ràng, cho dù biết rằng đó có thể là cuộc đợi chờ tuyệt vọng.

Theo VnExpress

Nguồn ANTT: http://antt.vn/tuyet-vong-voi-su-tho-o-206919.htm