Tuyệt tác bằng đá kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bằng sự kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang (Phú Thọ) đã kể lại các câu chuyện về Bác Hồ bằng thể loại tranh đá.

Tạc tranh bằng đá là một thể loại tranh rất khó thực hiện thế nhưng tác giả Triệu Hoàng Giang (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã làm nên tư liệu lịch sử từ các khối đá vô tri, vô giác bằng tài năng và niềm đam mê, lòng kính yêu vị cha già của dân tộc. Ông đã khiến những người chiêm ngưỡng tranh đá phải ngỡ ngàng trước tài năng của mình.

Trở về nước sau những năm học tập tại Bungari, năm 1994, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang bắt tay vào thực hiện ý tưởng khắc tranh bằng đá nổi về Bác Hồ.

Tuy nhiên, do điều kiện vô cùng khó khăn, cộng thêm việc săn tìm chất liệu đá phù hợp, mãi cho đến năm 1997, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang mới tìm được loại đá đủ rắn, đủ phẳng để khắc tranh, tại núi Nhồi (Thanh Hóa).

Đây là loại đá rất đặc biệt, không thấm thủy, chỉ cần dùng nước lã và kỳ cọ là có thể đánh cho bề mặt đá đang từ màu xám chuyển thành màu đen bóng, giúp tạo điểm nhấn cho tác phẩm bằng những chi tiết nhỏ.

Tác phẩm đầu tay của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang là bộ tranh khắc đá về cuộc đời hoạt động chủ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến dịch Biên giới trên núi Báo Đông (Cao Bằng), năm 1950.

Sau hơn 20 năm mải miết với đam mê, đến nay, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã có một bộ hơn 30 bức tranh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những miêu tả Bác ra đi tìm đường cứu nước, cho đến hình ảnh “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập”, “Bác Hồ với các đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” và các hoạt động của Bác tại Lán Nà Lừa (Tuyên Quang), lán Khuẩy Nậm (Cao Bằng), làng Kim Liên (Nghệ An)…

Để có được bộ sưu tập hơn 30 bức tranh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ bản thân nghệ nhân, mà những người trong gia đình, đặc biệt là người vợ, suốt thời gian qua đã ủng hộ, góp sức trong từng tác phẩm của ông.

Trong không gian tư gia chật hẹp, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã dành những góc trang trọng nhất trong nhà để lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập đặc biệt, bên cạnh những bức thư khen, ảnh chụp của các vị nguyên thủ qua những tác phẩn đặc biệt của mình, với gia đình nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, đây vừa là những báu vật vô giá, vừa có thể lưu giữ hàng ngàn năm mà không cần môi trường bảo quản đặc biệt.

Dưới đây là chùm ảnh PV Báo Gia đình & Xã hội ghi lại các bức họa của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, tái hiện về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp thành phố Tua, tháng 12/1920.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp thành phố Tua, tháng 12/1920.

Lán Nà Lừa, tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong những ngày Hội nghị toàn quốc và quốc dân đại hội 1945.

Đình Tân Trào (Tuyên Quang) - nơi bầu Ủy ban giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, ngày 16/8/1945.

Bức họa lán Nà Lừa được tạc đa khối nổi 3D.

Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trước lều dựng tạm trên đường đi Chiến dịch Biên giới, năm 1947 - 1950.

Bác Hồ chống gậy lên non xem trận địa Đông Khê, năm 1950.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Vô-rô-si-lốp, Chủ tịch Xô Viết tối cao sang thăm Việt Nam, năm 1957.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 vào tháng 9/1960.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại Pác Bó (Cao Bằng) vào ngày 20/2/1961.

Bác Hồ thăm Hợp tác xã Nam Tiến, nay là Thị trấn Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vào ngày 19/8/1962.

Bác Hồ thăm đơn vị pháo Hà Nội vào năm 1966.

Bác Hồ thăm đơn vị pháo Hà Nội được phác họa 3D khối trên đá.

Nhà sàn (Phủ Chủ tịch) - nơi Bác Hồ ở và làm việc trong 11 năm cuối đời (từ năm 1958 - 1969).

Tại nơi đây, Người đã ngày đêm suy nghĩ để cùng Bộ Chính trị hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới

Bác và các Đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, năm 1969.

Ngôi nhà tại làng Hoàng Trù (nay là làng Chùa, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - nơi Bác đã cất khóc tiếng chào đời và trải qua những năm tháng đầu đời, cho đến khi 5 tuổi, Người theo cha vào Huế.

Bác Hồ đọc Báo trong giờ nghỉ trưa.

Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang và bức họa đang thực hiện dang dở. Ông cho biết: "Tôi chỉ là một nghệ nhân bình thường, tôi có nhiều dự định lắm, nhưng nguyện vọng lớn nhất của tôi hiện nay là truyền bá lại cho hậu thế những vốn có hiện tại. Còn bản thân tôi hiện nay, bằng những sức lực và quãng thời gian còn lại của cuộc đời, tôi muốn dành hết tâm sức để sáng tác nhiều hơn nữa những "di sản" vô giá, nhất là trong thời điểm thời vận đất nước đang đẩy mạnh phong trào tuyên truyền về Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ".

Bài & ảnh: Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tuyet-tac-ke-chuyen-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-chu-tich-ho-chi-minh-bang-da-20190501142551717.htm