Tuyệt đối không được làm điều này khi bị sốt xuất huyết kẻo 'mất mạng'

Hãy ghi nhớ những lời khuyên dưới đây của bác sĩ nếu chẳng may bạn bị mắc sốt xuất huyết bởi dịch bệnh này có thể cướp đi tính mạng của bất kỳ ai.

Theo Môi trường và Cuộc sống thông tin, sáng ngày 5/5 tại Lễ phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 8” cấp thành phố, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết “Trong 4 tháng đầu năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 3.000 ca sốt xuất huyết phải nhập viện, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2017”.

Ông Bỉnh cho biết thêm, tuy có giảm tỷ lệ người bệnh xuống nhưng Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 3 trong số 30 quốc gia có mật độ lưu hành sốt xuất huyết cao nhất thế giới. Ttong đó, có hơn 50% các ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện của Việt Nam tập trung tại các tỉnh miền Nam.

Để gia tăng nhận thức của cộng đồng, cùng phối hợp hành động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh sốt xuất huyết về mặt kinh tế, xã hội Giám đốc Sở Y tế TP. HCM kêu gọi nhà nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố triển khai diệt muỗi, lăng quăng trong khuôn viên nơi mình quản lý.

Muỗi vằn nguyên nhân truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Ảnh minh họa

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.

Một số triệu chứng sốt xuất huyết có thể nhận biết sớm như: sốt cao 40,5 độ, nhức đầu, ói mửa, phát ban, đau cơ và khớp. Bệnh nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột và tử vong.

Trước đây, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em; nhưng hiện tại, rất nhiều người lớn cũng mắc bệnh và tỷ lệ tử vong khá cao.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt. Nếu cần thiết phải truyền, BS sẽ có chỉ định với sự theo dõi sát sao của điều dưỡng về tốc độ truyền để tránh nguy cơ gây sốc.

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Khi sốt cao, chỉ dùng paracetamol, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/ngày với người lớn. Tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì thể gây xuất huyết, toan máu.

Trong giai đoạn 7-10 ngày mắc sốt xuất huyết, người bệnh tốt nhất nên uống oresol; uống nhiều nước hoa quả, nước dừa, nước rau và nước lọc.

Hoàng Yến (t/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tuyet-doi-khong-duoc-lam-dieu-nay-khi-bi-mac-sot-xuat-huyet-d143123.html