Tuyệt chiêu không để học sinh 'mất nhịp' học tập ngày Tết

Để học sinh không bị 'mất nhịp' học tập trong và sau những ngày nghỉ Tết, các cô giáo Hà Nội đã có những chiêu thức giúp học sinh vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ học tập.

Cô Thơ và các học trò của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Thơ và các học trò của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Nguyễn Thị Thơ – giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Chúc Động (Chương Mỹ, Hà Nội): Chỉ cần đợi nghỉ Tết, học sinh sẽ gói gém sách vở để “xả hơi” mà không nghĩ được rằng, sau Tết mình vẫn học, vẫn đến trường, vẫn thi cử.

Tết như một “tòa lâu đài rực rỡ” che lấp mọi tầm nhìn và giấu đi mọi lo toan áp lực thường nhật. Và khi Tết đi qua, tòa lâu đài không còn nữa một số học sinh bắt đầu hụt hẫng và có phần chán nản khi quay trở lại việc học tập.

Muốn chế ngự cảm giác đó, cách tốt nhất là hãy tạo mối liên kết giữa Năm trước – Tết – và Năm sau, để học trò có cảm giác rằng, Tết chỉ là sự tạm nghỉ để chúng ta nhìn lại năm cũ và nghĩ xem làm gì để tốt hơn trong năm mới. Như vậy, khi kỳ nghỉ qua đi, các em sẽ đón nhận việc học nhẹ nhàng hơn.

“Là giáo viên ở một trường vùng nông thôn, vốn dư âm của Tết lúc nào cũng kéo dài, tôi đã áp dụng một số cách để các em nhanh chóng lấy lại hăng hái trong học tập” – cô Thơ bật mí: Trước Tết, thay đổi nhận thức, nâng cao tinh thần tự giác của học sinh.

Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chính người lớn chúng ta cũng “ì ạch”, ngại việc sau nghỉ Tết. Muốn học sinh tự giác, hăng hái sau kỳ nghỉ thì ngay trước Tết, chúng ta cần làm công tác tư tưởng thất tốt cho học sinh.

“Tiết học cuối cùng trước khi nghỉ Tết, tôi thường chép một bài tập lên bảng và gọi 1 vài em học sinh lên làm. Tôi cố tình lấy bài khó và không để các em biết đó là bài ở tiết học nào. Đa số cac em được gọi đều không làm được.

Lúc đó, tôi sẽ nói với học trò trước lớp: “Hãy tưởng tượng đây là tiết học đầu tiên của năm mới, sau khi nghỉ Tết, nếu các em cũng không làm được thì các em đã thất bại ngay ngày đầu của năm mới không? Tệ hơn nữa, nếu đây là bài thi thì thất bại rõ ràng là lớn hơn. Trong dịp Tết, hãy vui chơi kết hợp với học hành để điều này không xảy ra nhé!” – cô Thơ chia sẻ, đồng thời nhắn nhủ:

Sau khi cô nói xong, đa số các em đều ồ lên thích thú khi hiểu dụng ý này. Lúc đó, cô sẽ nói thêm để các em hiểu: Tết không là tất cả; Tết không làm cho sách vở, trường học, thầy cô của các em “biến mất”; ngay khi các em đang ung dung chơi Tết, thì bài kiểm tra, bài thi, điểm số vẫn đang chờ đợi các em.

Cô Mai Thanh Huyền

Cô Mai Thanh Huyền - giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, sau Tết cũng có hiện tượng học sinh chểnh mảng việc học. Do đó, trước hết phụ huynh học sinh cần cố gắng cho các con bảo đảm nếp chuyên cần ngay trong những ngày nghỉ Tết.

Nhiều gia đình cho con đi du lịch thường đặt lịch dài ngày vì tranh thủ nghỉ Tết; tuy nhiên nghỉ dài lấn sang những ngày đi học, nề nếp chuyên cần của học sinh không được đảm bảo. Trễ bài học trên lớp, đồng thời các con cũng trễ cả việc bắt nhịp với nếp học sau kỳ nghỉ Tết.

Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cũng nên khuyến khích các con thực hiện tục lệ đẹp của dân tộc, đó là tục “khai bút đầu xuân”. Các con vừa không quên bài học, vừa thấy được giá trị của các phong tục cổ truyền trong dịp Tết.

Còn đối với các thầy cô giáo, cũng nên khơi dậy hứng thú học tập của học sinh bằng các trò chơi KHỞI ĐỘNG, nên gắn với chủ đề Tết cổ truyền. Như vậy vừa khơi dậy hứng thú trong học tập, vừa hòa nhịp không khí Xuân và học sinh không bị hẫng sau dịp nghỉ Tết.

"Ước mơ của các em, đừng chỉ vì chơi Tết mà đánh rơi mất. Nếu hiểu được mục đích lâu dài của cuộc sống, học trò sẽ phát huy được tính tự giác, tự chủ của mình và sẽ dễ dàng quay trở lại việc học hành hơn" - Cô Lê Thị Thơ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tuyet-chieu-khong-de-hoc-sinh-mat-nhip-hoc-tap-ngay-tet-4061079-v.html