Tuyến vận tải ven biển: 'Chia lửa' cho đường bộ gần 1.200 tấn hàng hóa/tháng

Tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh-Quảng Bình-Bình Thuận-Kiên Giang sau 3 năm hoạt động sản lượng vận tải đã tăng gần 400% so với năm đầu tiên.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa và đường biển.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình 3 năm hoạt động của tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh-Quảng Bình-Bình Thuận-Kiên Giang dành cho tàu phà sông biển cấp VR-SB do Bộ GTVT tổ chức vào sáng 13/12.

Theo báo cáo của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), tuyến vận tải trên được khai trương từ tháng 7/2014, đến tháng 10/2017 có 1.551 phương tiện mang cấp VR-SB. Tuyến vận tải này đã vận chuyển hơn 46,8 triệu tấn hàng hóa, bình quân mỗi tháng đạt 1.171 tấn/tháng.

Sau năm đầu tiên mở tuyến (tháng 7/2014 đến tháng 9/2015), tổng số hàng hóa vận chuyển trên tuyến đạt gần 6,1 triệu tấn; năm thứ 2 là 17,6 triệu, năm thứ 3 là 23,1 triệu tấn.

Như vậy, sản lượng vận tải liên tục tăng, trong đó năm thứ 3 tăng hơn 383% so với năm đầu tiên.

"Riêng 10 tháng đầu năm 2017, các Cảng vụ Đường thủy nội địa, hàng hải làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển cho 23.035 lượt phương tiện với hơn 21 triệu tấn hàng hóa. So với cùng kỳ năm 2016 tăng gần 163% lượt phương tiện và gần 154% sản lượng hàng hóa thông qua cảng, bến thủy nội địa, cảng biển", ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thông tin.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị với Bộ GTVT một số khó khăn gặp phải như: Cần đẩy nhanh thời gian làm thủ tục cho phương tiện SB tại các cảng biển, thuyền viên đã có bằng hàng hải được làm việc trên tàu SB mà không cần đào tạo thêm, mở rộng phạm vi hoạt động của tàu SB đến 20 hải lý, siết chặt kiểm soát tải trọng đường bộ...

Mặt khác, hiện các phương tiện VR-SB chưa phải trang bị thiết bị AIS (thiết bị nhận dạng tự động phòng tránh đâm va trên biển) nên chưa nâng cao được công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hành trình của phương tiện trên tuyến vận tải.

Đồng thời, việc giao nhiều cơ quan có thẩm quyền cùng cấp đăng ký phương tiện dẫn tới khó quản lý các thông tin về phương tiện, thuyền viên và chủ tàu. Trong thời gian vừa qua còn có hiện tượng đổi thuyền viên và hành khách trong quá trình hoạt động.

Với những kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu Các cục: Hàng hải Việt Nam, Đường thủy, Đăng kiểm cần tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, rà soát các quy định để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải này.

"Chúng ta phải giảm tối đa điều kiện cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý, đừng gây khó khăn gì cho doanh nghiệp bởi hiện nay vận tải đường biển mới chỉ đạt gần 30%, còn quá thấp và chưa thể "chia lửa" được cho đường bộ", Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo ngành giao thông cũng đồng thời yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động của tuyến vận tải ven biển, để các Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực, Cảng vụ Đường thủy nội địa phương khi làm thủ tục cho phương tiện vào/rời cảng bến thực hiện cập nhật đầy đủ dữ liệu liên quan vào cơ sở dữ liệu để quản lý.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tuyen-van-tai-ven-bien-chia-lua-cho-duong-bo-gan-1200-tan-hang-hoathang/324583.vgp