Tuyên tử hình 2 bị cáo chủ mưu, 14 bị cáo được hưởng án treo và trả tự do tại tòa

Chiều 14-9, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án vụ án 'Giết người' và 'Chống người thi hành công vụ' xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhiều bị cáo tiếp tục được khoan hồng

Từ 15h, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), chủ tọa phiên tòa, thay mặt Hội đồng xét xử công bố bản án. Hội đồng xét xử khẳng định, hành vi quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong vụ án đều hợp pháp. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không khiếu nại về nội dung này.

Đây là vụ án xảy ra trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, liên quan đến tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”. Do vậy, cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội điều tra vụ án là phù hợp các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo bản án được công bố, về tội danh, các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyến, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh và Nguyễn Quốc Tiến phạm tội “Giết người” (theo quy định tại Điều 123 - Bộ luật Hình sự năm 2015).; các bị cáo: Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung, Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng phạm tội “Chống người thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 330 - Bộ luật Hình sự năm 2015).

Về hình phạt, với nhóm bị cáo phạm tội “Giết người”, Hội đồng xét xử tuyên án tử hình đối với hai bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức; bị cáo Lê Đình Doanh bị tuyên án tù chung thân; bị cáo Bùi Viết Hiểu 16 năm tù giam; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù giam và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù giam.

Với nhóm bị cáo phạm tội “Chống người thi hành công vụ”, các hình phạt cụ thể: Bị cáo Bùi Thị Nối 6 năm tù; các bị cáo: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Lê Đình Quân, Bùi Văn Tiến và Nguyễn Văn Quân cùng bị xử phạt 5 năm tù giam. Các bị cáo: Nguyễn Văn Duệ, Bùi Văn Tuấn và Trịnh Văn Hải cùng 3 năm tù giam.

Các bị cáo: Bùi Văn Niên, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La và Nguyễn Xuân Điều cùng bị tuyên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Bị cáo Mai Thị Phần, Lê Thị Loan cùng bị tuyên 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng.

Bị cáo Đào Thị Kim bị tuyên 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng.

Bị cáo Nguyễn Văn Chung bị xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng.

Các bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng cùng bị xử phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng.

Căn cứ quy định của Bộ luật Tố Tụng hình sự 2015, Hội đồng xét xử đã tuyên trả tự do ngay tại phiên tòa cho các bị cáo: Bùi Văn Niên, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Lê Thị Loan, Đào Thị Kim, Nguyễn Văn Trung, Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng nếu các bị cáo không bị giam giữ về một tội phạm khác; giao các bị cáo trên cho UBND xã Đồng Tâm giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo.

Hội đồng xét xử cũng giải thích, trong thời gian thử thách của án treo, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên thì tòa án có thể quyết định buộc người hưởng án treo chấp nhận hình phạt tù của bản án treo.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên các bị cáo: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, mỗi bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường cho mỗi bị hại 80 triệu đồng chi phí hợp lý cho mai táng của các bị hại; 36,5 triệu đồng tổn thất tinh thần cũng như nhiều khoản khác để thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng cho thân nhân các bị hại.

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, tàn bạo

Theo Hội đồng xét xử, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của 29 bị cáo bất chấp pháp luật, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội và coi thường tính mạng, sức khỏe của những người thi hành công vụ. Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra cũng như người làm chứng, kết luận giám định tư pháp, vật chứng thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập hợp pháp trong hồ sơ vụ án.

Những diễn biến từ năm 2013 khi Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu và một số đối tượng khác thành lập “Tổ đồng thuận” để dụ dỗ, lôi kéo, kích động một số công dân trong xã tham gia chiếm giữ trái phép đất đai tại cánh đồng Sênh (thôn Hoành, xã Đồng Tâm); vu khống chính quyền cướp đất của dân; tổ chức nhiều vụ việc gây rối, bắt người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương và diễn biến vụ án xảy ra vào đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9-1-2020 được Hội đồng xét xử nêu lại như nội dung cáo trạng.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo là vô cùng tàn ác, hậu quả gây ra cái chết thương tâm đối với 3 cán bộ, chiến sĩ công an. “Hành vi tàn bạo của các bị cáo đến mức thi thể các bị hại không thể nhận dạng được; cơ quan chức năng phải tiến hành giám định ADN mới xác định danh tính của họ…”, chủ tọa nêu.

Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội cố ý trực tiếp với mục đích tiêu diệt lực lượng chức năng càng nhiều càng tốt theo đúng tuyên bố của Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển đã được phát trực tiếp trên mạng xã hội. Đối chiếu với các quy định pháp luật, việc thực hiện các hành vi mất hết tính người của các bị cáo đã đầy đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh và Nguyễn Quốc Tiến với các tình tiết được quy định tại điểm a, d, n, o Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Hội đồng xét xử còn nhận thấy trong vụ án này, các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội ném lựu đạn về lực lượng công an. Đây là vũ khí có tính sát thương cao, có khả năng gây hậu quả chết nhiều người. Việc lựu đạn không nổ nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo. Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì ngoài các tình tiết định khung như cáo trạng đã truy tố, cần xét xử 6 bị cáo trên về tình tiết định khung bằng phương pháp có khả năng chết nhiều người cũng được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Với nhóm 19 bị cáo được Viện Kiểm sát thay đổi tội danh từ tội “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ”, Hội đồng xét xử thấy rằng, các bị cáo đều là những nông dân chất phác, trình độ nhận thức pháp luật còn rất hạn chế nên bị Lê Đình Kình, các bị cáo: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu và một số bị cáo khác xúi giục, lôi kéo, kích động, đe dọa và hứa hẹn sẽ được quyền lợi tại đất đồng Sênh. Nhiều bị cáo không thực hiện hành vi gây ra cái chết cho 3 nạn nhân.

Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhận tội

Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình đã thực hiện và khẳng định các bị cáo thực hiện hành vi để chống đối lực lượng chức năng chứ không có mục đích giết người… Do vậy, tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát quyết định rút một phần quyết định truy tố, đổi tội danh cho các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Với nhóm 4 bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” cũng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Hội đồng xét xử cũng nêu, có đủ cơ sở để khẳng định cái chết của 3 nạn nhân do các bị cáo gây ra; yếu tố thi hành công vụ của lực lượng công an thành phố Hà Nội rất rõ. Tại phiên tòa xét xử công khai, các bị cáo đều thành khẩn khai báo sự thật khách quan về hành vi của mình, thừa nhận đã sử dụng các công cụ, phương tiện và vũ khí tấn công lực lượng công an, gây ra cái chết đối với 3 cán bộ, chiến sĩ công an, xin lỗi gia đình nạn nhân, có bị cáo không đồng ý với quan điểm của luật sư. Do đó, quan điểm của luật sư nêu ra về việc bị cáo bị ép cung là không đúng và không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Qua phân tích, đánh giá vai trò của các bị cáo trong vụ án, nhóm 6 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người” giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa tổ chức chuẩn bị công cụ, phương tiện; phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác; vừa thực hiện hành vi tấn công lực lượng chức năng. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội rất tích cực. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Xét hậu quả do hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, Hội đồng xét xử nhận thấy cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất, cần loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; tính răn đe giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.

Bị cáo Lê Đình Doanh lẽ ra cũng cần loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội nhưng xét thấy gia đình bị cáo có bố và chú ruột bị Hội đồng xét xử xem xét tước bỏ quyền sống. Trong giai đoạn điều tra vụ án và phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo. Để thể hiện sự nhân đạo và khoan hồng của pháp luật, cần áp dụng hình phạt tù không có thời hạn đối với bị cáo, mới có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Các bị cáo còn lại lần lượt được nhận định rõ hành vi, tính chất, mức độ phạm tội cũng như các tình tiết đã được Hội đồng xét xử xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt, thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Một số bị cáo không nhất thiết phải cách ly ra khỏi xã hội, giao cho chính quyền địa phương quản lý để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật

Riêng bị cáo Bùi Thị Nối đã thực hiện hành vi phạm tội rất tích cực. Tại phiên tòa, bị cáo đã không thành khẩn, có biểu hiện chống đối, cần xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, cải tạo.

Nhật Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phap-dinh/978358/tuyen-tu-hinh-2-bi-cao-chu-muu-14-bi-cao-duoc-huong-an-treo-va-tra-tu-do-tai-toa