Tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng thời tiếp tục cập nhật, tiếp thu ý kiến nhân dân, làm rõ các nội dung đề xuất sửa đổi, tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động và chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý trong quá trình xây dựng luật cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 12/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu kết luận phiên thảo luận này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là một trong những nội dung quan trọng và phức tạp, ảnh hưởng rộng lớn, tác động đến nhiều đối tượng, thu hút sự quan tâm của cư tri và toàn xã hội.

"Đây là phiên thảo luận có rất nhiều đại biểu Quốc hội đăng kí phát biểu, nhưng vẫn còn 57 đại biểu chưa được phát biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức nhiều phiên nữa để thảo luận nội dung này thấu đáo"- Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Nhấn mạnh cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì cần tiếp tục soạn thảo, cập nhật, tiếp thu ý kiến của nhân dân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ để làm rõ hơn các nội dung đã đề xuất trước Quốc hội và chuẩn bị thêm để tới đây báo cáo trước Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý: "Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp, nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án luật mà các đại biểu Quốc hội đã nêu đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách, chuẩn bị kỹ các nghị định, các quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành Bộ luật, làm rõ các chính sách trong văn bản hướng dẫn".

Đi vào vấn đề cụ thể như tăng tuổi nghỉ hưu, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo chủ động trong việc khảo sát kỹ và phân loại các đối tượng lao động tăng tuổi nghỉ hưu. “Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, để sau này ban soạn thảo có những đề xuất, những giải pháp phù hợp với Bộ luật này. Bộ luật này phải được thống nhất với các luật khác trong toàn bộ văn bản hệ thống pháp luật Việt Nam”-Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lưu ý.

Về tăng giờ làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật chủ trì thẩm tra, tiếp tục lấy ý kiến thêm đối tượng lao động, nghiên cứu các ý kiến của các cơ quan như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và những ý kiến của các đại biểu thảo luận tại hội trường. Gắn việc thực hiện chính sách tiền lương với với lộ trình cải cách tiền lương để tăng thu nhập cho người lao động.

Về nội dung người lao động thành lập tổ chức đại diện, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần thận trọng về quyền và trách nhiệm giải quyết tranh chấp lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa ổn định. “Các cơ quan thông tin tuyên truyền tiếp tục quan tâm, tạo sự chú ý của các vị đại biểu Quốc hội cũng như toàn xã hội nhưng đồng thời cũng góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội khi xây dựng bộ luật này”-Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan ban ngành, cơ quan soạn thảo cần kiên trì, nhất quán việc thông tin tuyên truyền liên quan đến dự thảo luật.

VĂN BÌNH-THÀNH CÔNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tuyen-truyen-tao-su-thong-nhat-dong-thuan-ve-du-thao-bo-luat-lao-dong-sua-doi-d99307.html