Tuyên truyền phòng chống pháo nổ cho học sinh

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tình hình vi phạm về sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ lại có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, do hiếu kỳ, muốn chứng tỏ bản thân, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên nhiều em đã có hành vi vi phạm. Quan ngại hơn khi đã có những trường hợp học sinh bị thương vong do sử dụng pháo nổ, hoặc tự làm pháo nổ.

Gần đây nhất, vào khoảng hơn 12h trưa 31/1, người dân tại bản Ná Phày, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong (Nghệ An) hốt hoảng nghe tiếng nổ lớn xảy ra tại nhà em L.V.G. (15 tuổi). Ngay lập tức mọi người kịp thời chạy vào phía trong nhà thì phát hiện em G. đang ôm bàn tay với nhiều vết máu. Em G. được đi cấp cứu tại trạm y tế xã.

Trước đó, ngày 28/1, 3 học sinh THPT trên địa bàn huyện Nam Đàn (Nghệ An) cùng bị thương do nghịch pháo tự chế. Trong ngày 29/1, một học sinh lớp 10, Trường THPT Tân Kỳ 3, huyện Tân Kỳ đã tử vong do quá trình tự đốt pháo tại nhà riêng… Từ những vụ việc trên cho thấy, việc tuyên truyền phòng chống pháo nổ cho học sinh cần được các địa phương, nhà trường đẩy mạnh hơn nữa, có biện pháp ngăn chặn thiết thực hơn với lứa tuổi học sinh.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc tổ chức tuyên truyền phòng chống pháo nổ trong trường học không chỉ giúp học sinh hiểu rõ tác hại mà còn giúp các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động mọi người không vi phạm.

Nhiều học sinh cho biết, nghe tuyên truyền đã giúp em hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm đối với việc sử dụng pháo nổ; mức xử phạt nếu vi phạm các quy định của pháp luật về hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép pháo nổ cũng như các loại vũ khí, vật liệu nổ để không vi phạm cũng như tuyên truyền cho người thân không vi phạm quy định về pháo.

Bên cạnh tuyên truyền qua các giờ giảng, các nhà trường có thể phát tờ rơi cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của việc sử dụng pháo nổ; mức xử phạt nếu vi phạm. Ngoài ra có thể lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng, chống pháo nổ trong các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa cho học sinh. Cùng với đó, các nhà trường, đơn vị giáo dục có thể phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức cho học sinh ký cam kết không mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ…

Tuy nhiên, có thể nói, việc quan trọng nhất vẫn là công tác quản lý học sinh trong các gia đình. Các bậc phụ huynh cần tăng cường hoạt động vui chơi bổ ích cho con em, tạo việc làm nhẹ nhàng vừa làm vừa chơi cho các em trong thời gian Tết. Và có sự phối hợp tốt với nhà trường, lực lượng chức năng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em về tác hại của việc sử dụng trái phép pháo nổ. Sự nguy hiểm có thể bị đánh đổi bằng cả tính mạng chỉ vì vài phút chơi đùa…

Th. Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tuyen-truyen-phong-chong-phao-no-cho-hoc-sinh-552736.html