Tuyên truyền phòng bệnh, chủ động dập dịch

Mới đầu mùa mưa, nhiều địa phương ở Nam Bộ bất ngờ xuất hiện những ổ dịch cúm A/H1N1. Những bệnh nhân dù ở nhiều địa bàn nhưng diễn biến bệnh phức tạp, mức độ lây lan nhanh và đã có trường hợp tử vong do cúm H1N1 tại TP Hồ Chí Minh. Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn, khống chế ổ dịch... là những giải pháp đang được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai.

Mầm bệnh lây lan, gây tử vong nhanh

Chỉ hai tuần đầu tháng 6, các tỉnh Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Tại Bệnh viện Từ Dũ, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên vào ngày 1-6 thì chỉ hơn một tuần sau, số ca nhiễm loại cúm này đã tăng nhanh lên 28 trường hợp, trong đó có 8 nhân viên y tế, tạo thành ổ dịch nguy hiểm. Khi phát hiện ổ dịch này, Bệnh viện Từ Dũ đã nhanh chóng triển khai biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch. Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: "Xảy ra ổ dịch cúm A/H1N1 ngay trong bệnh viện là trường hợp chưa từng xảy ra. Với mức độ nguy hiểm đến thai phụ và trẻ sơ sinh, lây lan nhanh nên bệnh viện kịp thời cách ly các bệnh nhân, tổ chức điều trị, sắp xếp khu vực khám thai riêng hoặc hẹn dời lịch khám đối với những trường hợp này nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân; thực hiện tổng vệ sinh khoa nội soi; kích hoạt hệ thống giám sát toàn bệnh viện, ngăn chặn lây lan…

Diễn tập đưa bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 đến bệnh viện, tổ chức tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội ngày 13-6. (Ảnh: T.Hưng/ nld.com.vn)

Sau khi xuất hiện ổ dịch, dù được phát hiện, khoanh vùng sớm nhưng đã xảy ra trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Bệnh nhân tử vong là nữ, ngụ ở quận Thủ Đức. Bệnh nhân này có nhiều triệu chứng nhiễm cúm nhưng không đến cơ sở y tế kịp thời mà tự điều trị tại nhà. Khi trở nặng, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng suy hô hấp nặng và tiếp tục được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhưng không qua khỏi. Hồ sơ bệnh án xác định rõ bệnh nhân bị cúm A/H1N1.

Cùng với TP Hồ Chí Minh, các trường hợp bị cúm A/H1N1 cũng được xác định ở nhiều tỉnh, thành phố, như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Thuận, Tiền Giang… Tại Trung tâm Y tế Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long đã xác định 6 trường hợp bị cúm A/H1N1 với các triệu chứng: Sốt cao, ho, đau nhức khớp... Các ổ dịch và trường hợp bị cúm A/H1N1 nhanh chóng được ngành y tế cách ly, điều trị kịp thời nhưng đã nêu lên cảnh báo về cúm A/H1N1 có nguy cơ bùng phát trở lại và mức độ lây lan, nguy hiểm không lường trước được.

Nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chủng cúm A/H1N1 được coi là cúm đại dịch. Tại Việt Nam, hằng năm đều ghi nhận từ 1 đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu là do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B. Cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và có thể tử vong. Cúm A/H1N1 lây từ người sang người trong thời gian 1-7 ngày. Diễn tiến các ổ cúm và trường hợp tử vong, nguy kịch do cúm xảy ra ở các tỉnh phía Nam cho thấy cúm A/H1N1 rất nguy hiểm, đòi hỏi ngành y tế phải chủ động. Đặc biệt là những ổ dịch xảy ra ở các cơ sở y tế phải được xử lý nhanh, khống chế và cách ly kịp thời, không để nguồn bệnh lây lan sang các bệnh nhân khác và ra cộng đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: Trong hai tuần đầu tháng 6, Sở Y tế đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, giám sát tình trạng cúm A/H1N1 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nhờ đó, các ổ dịch và trường hợp bị cúm A/H1N1 được cách ly, khống chế lây lan. Kinh nghiệm cho thấy, khi phát hiện ổ dịch xảy ra trên nhiều người tại bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện đã xử lý theo quy trình chuyên nghiệp, cách ly toàn bộ và đóng cửa cả khoa xảy ra cúm để dập ổ bệnh. Cùng với đó, các cơ sở y tế dự phòng từ cấp thành phố đến quận, huyện và xã, phường đã khẩn trương tuyên truyền, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi cúm để tham gia xử trí, phòng, chống dịch.

Trước diễn biến cúm A/H1N1 xảy ra phức tạp, gây tử vong nhanh và mức độ lây lan khiến cho việc phòng tránh loại cúm này đòi hỏi các giải pháp không chỉ từ ngành y tế mà cả ý thức của người bệnh cũng như trong cộng đồng. Trên thực tế, đối tượng nguy cơ cao dễ bị mắc cúm A/H1N1 là người già, trẻ em, thai phụ, những bệnh nhân bị các nhóm bệnh khác có sức đề kháng yếu... khi mắc cúm sẽ biến chứng và tử vong nhanh. Do đó, các đối tượng dễ bị nguy cơ mắc cần phải chích ngừa phòng cúm hằng năm. PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, phòng, chống dịch cúm A/H1N1 luôn đòi hỏi tính chủ động cao. Ổ bệnh ở TP Hồ Chí Minh được xử trí nhanh, khống chế kịp thời, huy động điều trị cho bệnh nhân là một kinh nghiệm tốt trong xử trí ổ dịch ở cơ sở y tế. Điều quan trọng là sự chủ động, ý thức phòng bệnh trong cộng đồng. Khi phát hiện người bệnh phải kịp thời đưa đến cơ sở y tế. Những đối tượng có nguy cơ cúm cao như thai phụ và các nhân viên y tế cần chủ động chích ngừa cúm để ngăn chặn và khống chế hiệu quả.

BẢO MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tuyen-truyen-phong-benh-chu-dong-dap-dich-541561