Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Thời gian qua, các cấp, ngành đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, cho nên các vụ việc vi phạm pháp luật giảm, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực này.

Nhà nước - Pháp luật

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân ngay trên tàu cá.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân ngay trên tàu cá.

Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu khai thác hải sản nhiều nhất nước và có vùng biển rộng, tiếp giáp vùng biển nhiều nước trong khu vực, vì vậy tỉnh rất quan tâm công tác PBGDPL cho ngư dân. Ðại tá Võ Hoàng Quân, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Kiên Giang cho biết: Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật đến từng chủ tàu, tài công và ngư dân. Trong đó, quân đội thường xuyên đổi mới cách làm và phải theo phương châm "mưa dầm, thấm lâu". Các đồn biên phòng trong tỉnh phân công nhiều tổ công tác, tổ chức họp dân tại các xóm dân cư ven biển, trên các đảo. Cử cán bộ lên tàu tuyên truyền trực tiếp cho tài công, chủ phương tiện đang neo đậu trên vùng biển phụ trách. Hằng tuần, mỗi tổ công tác phải truyền tải được một số lượng nội dung, văn bản pháp luật. Lực lượng BÐBP còn phối hợp lực lượng kiểm ngư, Công ty Khí Cà Mau, chính quyền, mặt trận, các cấp, đoàn thể, tuyên truyền chuyên sâu theo từng đề tài, thời điểm nhất định. Qua đó, nhận thức về chủ quyền, biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân nói riêng và người dân đang sống trên các đảo nói chung tăng lên rõ rệt.

Ông Lê Văn Long, ngụ khu phố 7, phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá (Kiên Giang) có hơn 20 năm làm nghề khai thác biển cho biết, thời gian trước, ông và nhiều chủ tàu cá đã lén lút hoặc ký hợp đồng chui với một số đối tác nước ngoài đưa tàu sang các vùng biển lân cận đánh bắt. "Nhưng, từ khi được BÐBP, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động phải đánh bắt đúng quy định, phân tích, chỉ ra những tác hại từ việc đánh bắt trái phép, tôi và rất nhiều chủ tàu khác đã nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi vi phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật, cho nên nghiêm chỉnh chấp hành", ông Lê Văn Long chia sẻ.

Với gần 10 nghìn tàu đánh bắt hải sản, tỉnh Khánh Hòa xác định việc tuyên truyền các quy định về đánh bắt trên biển, về chủ quyền biên giới, biển đảo đến ngư dân là rất cần thiết. Ðại tá Tạ Quang Dũng, Phó Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm qua lực lượng BÐBP Khánh Hòa phối hợp các ban, ngành tổ chức 23 buổi tuyên truyền PBGDPL thu hút hơn 3.000 người tham dự; tuyên truyền 1.872 lượt với 624 giờ trên hệ thống loa truyền thanh ở các xã, phường, khu dân cư. Khánh Hòa đã củng cố 26 câu lạc bộ tư vấn pháp luật, hiện toàn bộ xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có tủ sách pháp luật, toàn bộ các thôn, ấp có ngăn sách pháp luật...

Cà Mau cũng là một trong những địa phương có nhiều cách làm hay trong việc tuyên truyền, PBGDPL đến với nhân dân như: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các văn bản luật. Các đồn biên phòng phối hợp chính quyền địa phương thành lập các đội tàu thuyền an toàn với hàng trăm phương tiện tham gia. Ðội tàu thuyền an toàn chính là cầu nối để BÐBP tuyên truyền, PBGDPL đến ngư dân.

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo khu vực phía nam năm 2019 tổ chức tại Kiên Giang, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BÐBP cho biết, từ năm 2016 đến nay, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL để nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực: khai thác hải sản, thương mại, đất đai, môi trường... Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp, các lực lượng, ban, ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ gắn với các giải pháp của chương trình, PBGDPL giai đoạn 2017-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển nước ngoài; tích cực tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là thời điểm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020...

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/42715002-tuyen-truyen-phap-luat-cho-ngu-dan.html