Tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng dịch cho người dân và du khách

Yêu cầu người dân và du khách đeo khẩu trang; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nCoV gây ra tại các hoạt động lễ hội, di tích, danh thắng đang được ngành văn hóa, các địa phương và các cấp rốt ráo, nghiêm túc thực hiện.

Giảm quy mô, dừng tổ chức lễ hội

Để phòng, tránh dịch nCoV, ngày 1-2, UBND TP Nam Định có thông báo về việc dừng Lễ hội đền Trần năm Canh Tý 2020. Theo bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng ban tổ chức (BTC) Lễ hội đền Trần 2020: Không chỉ dừng tổ chức lễ hội ở quy mô địa phương, mà còn dừng tất cả các hoạt động khác để tránh tập trung đông người. Ngoài thông báo bằng văn bản và trên các phương tiện thông tin đại chúng, chiều 7-2, trước cổng đền Trần, BTC lễ hội còn treo pa nô, áp phích thông báo việc không tổ chức lễ hội và đóng cửa đền từ 22 giờ tối ngày khai ấn đến 7 giờ sáng ngày hôm sau (đêm 7-2, rạng sáng 8-2, tức đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch) và không tổ chức phát ấn tại đền. “Những người đã đăng ký ấn từ trước liên hệ với nhà đền để có hình thức chuyển ấn một cách phù hợp”, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban quản lý di tích đền Trần cho hay.

 Khi có chỉ đạo đóng cửa, phủ Tây Hồ lác đác người dân đứng ngoài vái vọng.

Khi có chỉ đạo đóng cửa, phủ Tây Hồ lác đác người dân đứng ngoài vái vọng.

Là một trong những di tích thu hút lượng lớn người dân, du khách trong nước và quốc tế, phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội) mùa lễ hội năm nay vắng vẻ hẳn. Dãy hàng quán nối dài với món đặc sản Thủ đô, như: Bánh tôm, bún ốc ế ẩm; lác đác một vài người ghé vào gian hàng mua thẻ hương, đĩa hoa nhỏ… Hai tuyến đường chính và trước cổng phủ Tây Hồ chăng biển “Đề phòng dịch Corona do Ban quản lý (BQL) phủ Tây Hồ thông báo: Phủ tạm đóng cửa, dừng đón khách từ ngày 5-2-2020”. Theo ông Trương Tiến Hồi, Trưởng BQL di tích phủ Tây Hồ: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, BQL đóng cửa di tích để phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn, phòng, chống bệnh dịch. Tuy nhiên, do vẫn có một số ít người dân và du khách tới chiêm bái nên BQL cũng bố trí tạm bàn bên ngoài để du khách từ xa đến có thể vái vọng. Để bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người dân và du khách, BQL luôn cử lực lượng túc trực bên ngoài cổng phủ nhắc nhở việc giữ vệ sinh môi trường, hạn chế đốt vàng mã; đeo khẩu trang, ứng xử có văn minh khi vào di tích… Gần trưa ngày 5-2, ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch UBND phường Quảng An và đoàn kiểm tra liên ngành của phường gồm lực lượng an ninh, y tế, văn hóa, thị trường… tới kiểm tra công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội tại phủ Tây Hồ. Theo ông Lê Hoài Nam, thực hiện các công điện, chỉ đạo của Trung ương và Hà Nội về công tác phòng, chống dịch, phường Quảng An đã triển khai hoạt động tuyên truyền tại khu dân cư và di tích; tổ chức phát miễn phí hơn 15.000 khẩu trang tại 7 điểm di tích trên địa bàn phường; sử dụng hệ thống loa phóng thanh để tuyên truyền; tổ chức tập huấn công tác phòng dịch cho lực lượng an ninh trật tự, y tế… để hướng dẫn nhân dân và du khách khi tới địa bàn phường.

So với ngày khai hội 10 tháng giêng năm ngoái, lượng du khách và phật tử đổ về đỉnh thiêng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) giảm hơn một nửa. Ngay tại khu vực lên ga cáp treo, BQL rừng quốc gia Yên tử đã phát hơn một vạn khẩu trang miễn phí và yêu cầu mọi người sát khuẩn tay trước khi lên cáp. Trên suốt hành trình lên chùa Đồng-đỉnh thiêng Yên Tử cũng có các băng rôn, khẩu hiệu hướng dẫn, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức.

Ngày 6-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) gửi công điện tới các tỉnh, thành phố cho phép mở cửa hoạt động bình thường các danh lam thắng cảnh, di tích và phải bảo đảm yêu cầu chống bệnh dịch.

Tăng cường công tác kiểm soát, thanh tra

Trong những ngày qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức kiểm tra trực tiếp các địa phương, di tích về việc triển khai dừng tổ chức lễ hội, cũng như công tác phòng, chống dịch. “Quá trình kiểm tra cho thấy chính quyền các địa phương đều chấp hành rất nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công điện của Bộ VHTTDL. Nhiều lễ hội lớn dù đã có công tác chuẩn bị từ trước nhưng đã dừng không tổ chức, tất cả tập trung cho công tác phòng dịch”, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục VHCS, nhiều địa phương, di tích vẫn chưa triển khai phòng, chống dịch triệt để, như việc treo các bảng, biển, pa nô, áp phích tuyên truyền còn thưa thớt; nhiều người dân còn chủ quan với việc phòng, chống dịch bệnh. Tại chùa Tam Chúc, đền Lảnh Giang (Hà Nam); chùa Hương (Hà Tĩnh); đền Bà Triệu, đền Sòng (Thanh Hóa)... mặc dù đã dừng tổ chức lễ hội nhưng vẫn có đông du khách đến hành lễ, BQL di tích chưa thực hiện các biện pháp tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh như thông báo trên loa, hay có biển hướng dẫn, nhiều người dân đến di tích vẫn không đeo khẩu trang. Bà Ninh Thị Thu Hương cũng cho biết, ngay đầu tuần này, Cục VHCS sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tới các địa phương có dịch, như: Vĩnh Phúc, Khánh Hòa và các địa phương có những lễ hội lớn, hằng năm thu hút đông đảo du khách như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ…

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nhận định, thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 393 của Bộ VHTTDL, các địa phương đều thể hiện tinh thần chủ động và nghiêm túc trong việc dừng tổ chức khai hội cũng như các hoạt động trong lễ hội tập trung đông người. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở các di tích, danh thắng là sự thu hút đông khách du lịch từ nhiều nơi đổ về. Đây chính là những nơi rất khó để kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và du khách ở thời điểm này.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tuyen-truyen-nang-cao-y-thuc-phong-dich-cho-nguoi-dan-va-du-khach-609636