Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Theo ngành Y tế Ninh Bình, từ đầu năm 2019 đến nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh là 38 trường hợp, trong đó hầu hết là các ca ngoại lai đi từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam về, chỉ có 2 trường hợp mắc bệnh nội sinh tại tỉnh đã được điều trị khỏi bệnh ra viện. Trước khuyến cáo của Bộ Y tế về bệnh SXH có thể bùng phát thành dịch, ngành Y tế Ninh Bình đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động, tích cực tham gia chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi gây bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Bởi đây là cách thiết thực và hiệu quả nhất giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Huyện Yên Khánh từ đầu năm đến nay có 4 trường hợp mắc SXH, trong đó tất cả đều là các ca ngoại lai. Để chủ động phòng chống bệnh SXH có khả năng bùng phát lây lan trên diện rộng, nhất là sắp đến mùa mưa bão, ngành y tế huyện đã tăng cường công tác phòng chống, giám sát phát hiện bệnh, triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường tới từng thôn, xóm, phố và từng người dân trước nguy cơ có thể xảy ra dịch bệnh để chủ động ứng phó, thông báo kịp thời tới các cơ quan chức năng khi bản thân và người nhà có các triệu chứng của bệnh SXH.

Đồng thời, Trung tâm y tế huyện cũng chỉ đạo các Trạm y tế xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về vật tư, hóa chất phòng chống dịch, có biện pháp xử lý triệt để, kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Nhập viện điều trị tại khoa Truyền nhiễm-Bệnh viện Đa khoa tỉnh được hai ngày nay, em Vũ Thế Nam, là sinh viên, cư trú tại phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) được chẩn đoán dương tính với bệnh SXH. Nam cho biết, em mới lên Hà Nội khám chữa bệnh về nhà được 1 tuần thì có triệu chứng sốt cao dài ngày, người mệt không ăn uống được, chân tay nhức mỏi.., em vào viện khám, xét nghiệm cho kết quả mắc bệnh SXH.

Được điều trị tích cực tại bệnh viện, hiện sức khỏe em đã ổn định, chỉ vài ngày nữa là được xuất viện. Tại gia đình và xung quanh nhà em cũng đã được Y tế phường tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng và nhắc nhở các thành viên trong gia đình theo dõi sức khỏe bản thân, xử lý các dụng cụ có thể gây muỗi trú ngụ, phun thuốc muỗi toàn bộ khu nhà, chú ý nằm màn...

Bác sĩ Phạm Trung Mạnh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính, do virus Dengue gây nên. Bệnh rất dễ phát triển thành dịch, nhất là khi gặp điều kiện thuận lợi như vào mùa mưa, cống rãnh tù đọng nước, muỗi có điều kiện sinh trưởng thì dịch bệnh càng có cơ hội để bùng phát một cách nhanh chóng.

Người nhiễm bệnh SXH thường có những biểu hiện như sốt cao đột ngột từ 2-7 ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm, chảy máu cam, nôn ra máu.

Ngoài ra, người bệnh còn bị sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chân tay lạnh, bứt rứt…, kèm theo một số triệu chứng không đặc trưng như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng.

Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc đặc trị, nếu nhận biết bệnh muộn, bệnh SXH có khả năng dẫn đến trụy tim mạch, rất dễ gây ra tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, virus gây bệnh SXH luôn tồn tại trong cộng đồng, có thể bùng phát thành dịch tương đối lớn do tác nhân là muỗi vằn truyền bệnh.

Từ tháng 1/2019 đến ngày 22/7/2019, toàn tỉnh ghi nhận 38 trường hợp mắc SXH; trong đó ghi nhận 02 trường hợp mắc nội tỉnh, gồm 1 trường hợp ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) và 1 trường hợp ở xã Gia Tân (Gia Viễn), 2 trường hợp này đều đã được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Toàn tỉnh không có trường hợp nào tử vong do bệnh SXH.

Dự báo thời tiết thời điểm hiện nay với nắng nóng kèm mưa giông, rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển, kéo theo bệnh SXH xuất hiện nhiều và lây lan thành dịch.

Trước thực tế đó, ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục duy trì công tác giám sát dịch, chủ động phát hiện sớm ca bệnh, giám sát chặt chẽ tại các bệnh viện trên địa bàn, phòng khám tư nhân, phòng khám đa khoa, trạm y tế phường, xã, các trường mầm non và tại cộng đồng. Phân công cán bộ trực tiếp nhận thông tin và kiểm tra thông tin các ca bệnh truyền nhiễm mới xuất để triển khai các hoạt động điều tra, xử lý kịp thời.

Tăng cường công tác lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để chẩn đoán xác định ca bệnh. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh bằng việc chủ động ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước trong gia đình.

Đồng thời, để hạn chế số ca bệnh diễn biến phức tạp và tử vong do bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, nôn mửa, đi ngoài nhiều, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn… và sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/tuyen-truyen-nang-cao-y-thuc-nguoi-dan-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-20190725080838765p4c7.htm