Tuyên truyền mạnh mẽ để thay đổi hành vi

Ðã gần hai năm kể từ thời điểm UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 4170/UBND-KT về việc tăng cường quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh, sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố, trong đó, nội dung được quan tâm nhất là vận động người dân thay đổi thói quen sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm.

Ðã gần hai năm kể từ thời điểm UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 4170/UBND-KT về việc tăng cường quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh, sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố, trong đó, nội dung được quan tâm nhất là vận động người dân thay đổi thói quen sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm.

Sở dĩ thành phố vận động người dân không ăn thịt chó, mèo là bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh tật khi ăn thịt hai loài này là khá cao, nhất là bệnh dại. Ðồng thời, việc giết thịt chó, mèo tạo nên những hình ảnh phản cảm đối với nhiều khách quốc tế khi đến Hà Nội, làm mất đi ấn tượng về người Hà Nội thân thiện, văn minh.

Qua thống kê của lực lượng chức năng, đến nay đã có khoảng 30% cửa hàng kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn Hà Nội dừng hoạt động. Những "làng thịt chó", hay "phố thịt chó" như: Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông), Tam Trinh (quận Hoàng Mai), Vân Ðình (huyện Ứng Hòa), Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), làng Cao Hạ (huyện Hoài Ðức)… đều đã giảm lượng tiêu thụ. Về phía người tiêu dùng, ngày càng có nhiều diễn đàn kêu gọi "nói không" với thịt chó, mèo, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ chó, mèo, trong đó, giới trẻ là những người tham gia nhiệt tình nhất.

Mặc dù vậy, việc thay đổi thói quen sử dụng thịt chó, mèo mới chỉ diễn ra ở một bộ phận người dân. Trong khi đó, sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm là một thói quen lâu năm, thậm chí không ít người coi đây là đặc sản, là món khoái khẩu, cho nên vẫn chưa từ bỏ thói quen này. Một số "làng thịt chó", "phố thịt chó" hay các nhà hàng vẫn tấp nập người đến mua bán, ăn nhậu. Hình ảnh bày chó đã thịt ở trước cửa các nhà hàng vẫn còn khá phổ biến.

Ðến thời điểm này, phần lớn các nước trên thế giới đều không sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm. Một số nước khu vực Ðông Á vốn có truyền thống ăn thịt chó, mèo, nhưng nay cũng bị dư luận phản đối. Ðể thay đổi một thói quen lâu năm không phải là việc ngày một, ngày hai. Năm 2018, khi thành phố ban hành công văn vận động người dân không sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm, một số cơ quan đã đẩy mạnh việc tuyên truyền nội dung này đến người dân. Song, sau đó việc tuyên truyền lắng dần. Rõ ràng, thành phố cũng như các cơ quan chức năng cần vào cuộc bài bản hơn. Trong đó, nên lồng ghép việc quản lý việc nuôi chó, mèo, không ăn thịt chó, mèo vào việc vận động xây dựng các mô hình như Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, xây dựng đô thị văn minh… Việc tuyên truyền cũng nên gắn vào các hoạt động diễn ra ở địa bàn dân cư, trong trường học, các hoạt động, phong trào của đoàn thể.

Mùa hè đã đến, cũng là mùa bệnh dại phát sinh. Chó, mèo là những loài động vật hay bị bệnh dại và dễ là nguồn lây bệnh sang người nhất. Mong rằng các cơ quan chức năng coi trọng hơn việc tuyên truyền công tác quản lý, nuôi, giết mổ chó, mèo làm thực phẩm. Thói quen sinh hoạt của mỗi người không phải là bất biến. Nếu kiên trì tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm sẽ dẫn đến thay đổi thói quen ăn uống của người dân.

Việt Hưng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44783602-tuyen-truyen-manh-me-de-thay-doi-hanh-vi.html