Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan

Thực hiện Đề án 'Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027' (ĐA 938) của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, sau hơn một năm triển khai thực hiện tại Thanh Hóa, bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực.

Hội LHPN tỉnh bồi dưỡng kiến thức xây dựng mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ” cho cán bộ ban điều hành mô hình 10 huyện điểm.

Năm 2018, Hội LHPN tỉnh ưu tiên tập trung thực hiện chương trình chủ đề năm “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm” và nhân rộng mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”; tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng giám sát, điều hành cho thành viên ban điều hành chi hội, cộng tác viên và thành viên chi hội, hội viên phụ nữ cơ sở; phối hợp với cơ quan chức năng, công ty tổ chức ngày hội “Cơm ngon con khỏe”, “Tư vấn dinh dưỡng MiLo vi chất”, nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh, kết nối thị trường, chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, chế biến... Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh tổ chức “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn” tại chợ thị xã Bỉm Sơn, chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa) và chợ phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) đã thực sự có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và đạt giải đặc biệt cuộc thi “Ý tưởng truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Hội LHPN tỉnh xây dựng, duy trì 406 mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm” và nhân rộng 49 mô hình sản xuất sạch, sản xuất thực phẩm an toàn thông qua việc thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác (THT), tổ liên kết chăn nuôi, trồng trọt, chế biến an toàn trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như: HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Bảo Lộc, xã Lương Trung (Bá Thước); HTX dịch vụ và sản xuất rau an toàn Hùng Cường, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc); THT nuôi dê, bản Nà Ón, xã Trung Lý (Mường Lát)... Đây vừa là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đồng thời là những địa chỉ tin cậy của tổ chức hội giới thiệu và trực tiếp cung ứng thực phẩm sạch cho các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú trường học ở các địa phương. Tổ chức hội các cấp đã giám sát 512 cuộc về an toàn thực phẩm, qua đó, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại sau giám sát.

Năm 2018, Hội LHPN tỉnh còn thực hiện các hoạt động khác của đề án và tổ chức được nhiều lớp tập huấn về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống ma túy, tư vấn pháp luật, hòa giải tại cơ sở; truyền thông phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; ngăn ngừa vi phạm pháp luật... tại các xã ven biển, giáp biên giới, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn... Nhiều hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân được tiếp cận các kiến thức pháp luật tạo sự chuyển biến rõ nét hành vi của phụ nữ trong tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Hội LHPN tỉnh đã giải quyết và phối hợp giải quyết 12 đơn, thư của hội viên, phụ nữ; Trung tâm tư vấn pháp luật Hội LHPN tỉnh tư vấn 16 lượt cho hội viên phụ nữ và người dân về hôn nhân gia đình, đất đai và dân sự...; các cấp hội tiếp nhận 348 đơn, thư các loại, giải quyết 68 đơn, thư, chuyển các ngành giải quyết 280 đơn; tham gia hòa giải thành công 398 vụ mâu thuẫn tại cơ sở, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Nhìn chung, ĐA 938 có phạm vi tác động ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc chủ động phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực và lên tiếng, hỗ trợ, tham gia giải quyết của các cấp hội còn hạn chế, chưa quyết liệt. Trong khi đó, các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em vẫn xảy ra, như: Tình trạng mất an toàn thực phẩm, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, tảo hôn... đòi hỏi hội LHPN và các ngành có liên quan cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Năm 2019 với chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan; nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ tự nâng cao kiến thức, xây dựng các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Tăng cường hợp tác vận động nguồn lực thực hiện đề án, thực hiện kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đề án theo quy định.

Bài và ảnh: L.H

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tuyen-truyen-giao-duc-van-dong-ho-tro-phu-nu-tham-gia-giai-quyet-mot-so-van-de-xa-hoi-lien-quan/97642.htm