Tuyển thủ quốc gia về giải hạng Nhất thi đấu - Vấn đề của bóng đá Việt Nam?
Bóng đá Việt Nam đang vận hành theo cách lạ thường so với rất nhiều nền bóng đá trên thế giới, khi một loạt tuyển thủ quốc gia rời hạng đấu cao nhất để chuyển xuống các hạng đấu thấp hơn chơi bóng. Mới nhất, đương kim Quả bóng Vàng Việt Nam Nguyễn Hoàng Đức đã rời Thể Công Viettel để chuyển tới Phù Đổng Ninh Bình ở giải hạng Nhất. Đây là một quyết định khó hiểu với đại đa số người hâm mộ.
Động lực là gì?
Hoàng Đức không phải tuyển thủ quốc gia đầu tiên chấp nhận xuống giải hạng Nhất chơi bóng. Đây là xu hướng đã xuất hiện ở kỳ chuyển nhượng trước khi mùa giải này khởi tranh. Phù Đổng Ninh Bình, đội bóng mới của Hoàng Đức đã đầu tư rất mạnh tay để đưa về các cầu thủ được đánh giá cao và từng có thời gian khoác áo đội tuyển quốc gia như Đỗ Thanh Thịnh, Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Văn Thuận, Đinh Thanh Bình... PVF Công an nhân dân cũng có bản hợp đồng đáng chú ý nhất là Nguyễn Huy Hùng, tiền vệ từng là thành viên của Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.
Trước khi Hoàng Đức chính thức chuyển đến Phù Đổng Ninh Bình, hai ngôi sao đáng chú ý nhất xuống hạng Nhất chơi bóng là thủ môn Đặng Văn Lâm và tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Văn Lâm sẽ là đồng đội của Hoàng Đức, trong khi Công Phượng khoác áo Trường Tươi Bình Phước sau khi hồi hương từ Nhật Bản. Những tên tuổi này chắc chắn sẽ nâng giá trị cho giải hạng Nhất.
Dĩ nhiên Hoàng Đức vẫn là cái tên đáng chú ý nhất, vì trường hợp của anh khác với Văn Lâm, Công Phượng. Văn Lâm đã ở tuổi 31 và có dấu hiệu suy giảm phong độ. Công Phượng thì vừa trải qua quãng thời gian không thành công ở Yokohama FC khiến giá trị của tiền đạo này không còn như trước đây. Trong khi đó, Hoàng Đức đang là đương kim Quả bóng Vàng Việt Nam và cũng đang ở giai đoạn đẹp nhất của đời cầu thủ. Việc anh chia tay V.League để xuống hạng Nhất chơi bóng rõ ràng là điều trái logic với rất nhiều người.
Trong bất cứ công việc nào, hầu như mọi người đều mong muốn được chuyển đổi đến những môi trường tốt hơn cả về chuyên môn lẫn thu nhập. Các cầu thủ cũng không phải ngoại lệ. Hầu hết họ đều khát khao được đến những đội bóng tốt hơn, nơi có thể giúp cho năng lực cá nhân được phát triển hết tầm. Tất nhiên cùng với đó sẽ là những giá trị gia tăng về mặt kinh tế, giúp cầu thủ nhận lại thành quả xứng đáng với năng lực của mình.
Từ góc nhìn đó, việc các tuyển thủ quốc gia chuyển về hạng Nhất chắc chắn không đáp ứng được yếu tố chuyên môn. Mặt bằng chung của V.League ở tầm cao hơn hẳn hạng Nhất. Hoàng Đức, cầu thủ hàng đầu của bóng đá Việt Nam lúc này, thực sự giống như “người khổng lồ” so với đa số các đồng nghiệp ở hạng Nhất. Với bối cảnh như vậy, thật khó để chờ đợi Hoàng Đức hay các tuyển thủ khác có những bước tiến về trình độ. Câu hỏi được đặt ra về động lực thật sự của các tuyển thủ quốc gia ở tình huống này vì thế rất dễ trả lời, đó là những vấn đề “tế nhị” ngoài bóng đá!
Nhìn ra thế giới
Cách đây hơn 1 tháng, huấn luyện viên Ronald Koeman của Đội tuyển Hà Lan đã gây tranh cãi khi tuyên bố “cấm cửa” cầu thủ Steven Bergwijn vì anh này chuyển từ Ajax Amsterdam sang Ả Rập Xê Út chơi bóng cho Al-Ittihad. Ông Koeman cho rằng ở tuổi 27, việc Bergwijn đến một nền bóng đá kém phát triển hơn châu Âu cho thấy, cầu thủ này không còn tham vọng về chuyên môn mà đá bóng chỉ vì tiền. Đáp lại, Bergwijn sau đó cũng tuyên bố “cạch mặt” ông thầy cũ của mình!
Câu chuyện của Koeman và Bergwijn đã gây ra luồng tranh luận rất lớn trong giới cầu thủ lẫn cổ động viên. Những người ủng hộ Koeman cho rằng ông có quyền đặt ra tiêu chuẩn cao cho các học trò của mình, trong đó có việc phải thi đấu ở các đấu trường khốc liệt và giàu tính cạnh tranh nhất để luôn đảm bảo được phong độ tốt nhất. Ngược lại, cũng có ý kiến ủng hộ Bergwijn, họ cho rằng sự nghiệp cầu thủ vốn ngắn ngủi và việc các ngôi sao tìm đến bến đỗ giúp họ có được nguồn thu nhập lý tưởng là điều không có gì đáng chê trách.
Cuộc tranh luận này thật ra không mới. Kể từ thời điểm các nền bóng đá ngoài châu Âu như Mỹ, Trung Quốc, UAE hay Ả Rập Xê Út bắt đầu sẵn sàng đổ tiền để mời các ngôi sao hàng đầu về, giới cầu thủ đã luôn phải đứng trước lựa chọn giữa chuyên môn và tiền bạc. Trước đây, các cầu thủ xuất sắc thường chỉ chuyển đến các nền bóng đá ít tính cạnh tranh hơn khi đã lớn tuổi, qua thời kỳ đỉnh cao. Nhưng ở thời điểm hiện tại, xu hướng các ngôi sao đang ở giai đoạn sung mãn sẵn sàng rời bỏ các đấu trường danh giá về mặt chất lượng để “đi làm kinh tế” ngày càng phổ biến hơn. Steven Bergwijn chính là một ví dụ. Cầu thủ chạy cánh sinh năm 1997 có đủ trình độ để tiếp tục thi đấu ở châu Âu thêm nhiều mùa giải nữa, tuy nhiên, anh đã quyết định đến Ả Rập Xê Út ngay khi có cơ hội.
Nhìn lại bóng đá Việt Nam, khi các tuyển thủ quốc gia sẵn sàng xuống hạng Nhất chơi bóng phần nhiều không phải vì lý do chuyên môn, những ý kiến trái chiều xuất hiện là điều dễ hiểu. Từ góc độ tích cực, việc những ngôi sao lớn xuống hạng dưới chơi bóng mang đến thêm sức hấp dẫn và nâng tầm giải đấu cả về chất lượng lẫn hình ảnh. Khi giải hạng Nhất có tính cạnh tranh cao hơn và không còn khoảng cách quá xa với V.League, bóng đá Việt Nam sẽ có được sự phát triển toàn diện hơn.
Mặc dù vậy, về mặt cá nhân, khó có thể hy vọng rằng các tuyển thủ quốc gia sẽ được nâng tầm khi thi đấu ở hạng Nhất. Với Đội tuyển Việt Nam và cụ thể vào lúc này là huấn luyện viên Kim Sang-sik, điều đó rõ ràng không phải tín hiệu tích cực. Nếu được lựa chọn, chắc chắn chiến lược gia người Hàn Quốc mong muốn các học trò của mình được thi đấu ở môi trường tốt nhất về mặt chuyên môn. Nhưng thầy Kim là người ngoài cuộc trong câu chuyện này và bóng đá Việt Nam cũng chẳng dồi dào tài năng như bóng đá Hà Lan để ông có thể mạnh dạn đặt ra “quy tắc” mạnh mẽ như người đồng nghiệp Ronald Koeman.
Theo thông tin từ báo giới, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức sẽ chuyển sang khoác áo Phù Đổng Ninh Bình ngay trong tháng 10 với số tiền lót tay ước tính lên đến gần 30 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng. Do danh sách thi đấu của giải hạng Nhất 2024-2025 được chốt vào ngày 11/10 nên Hoàng Đức vẫn có thể thi đấu ngay lập tức cho đội bóng mới dù đã ra sân tại V.League mùa này cho Thể Công Viettel.