Tuyển sinh lớp 10: Lối đi nào cho học sinh trượt trường công?

Có lẽ chưa năm nào, phụ huynh có con thi lớp 10 lại vất vả như năm nay. Không đủ điểm vào công lập, nếu học sinh trượt trong kỳ thi này buộc phải học ở các trường dân lập.

Nhưng ngoài vấn đề học phí quá cao thì vấn đề chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng là điều khiến rất nhiều phụ huynh băn khoăn.

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi tuyển vào lớp 10 tại hội đồng thi Trường THPT Việt Đức. Ảnh: Quỳnh Linh.

Trường dân lập chất lượng thấp, học phí lại quá cao, vậy đâu sẽ là lựa chọn cho khoảng 32.000 học sinh lớp 9 ở Hà Nội và số lượng tương đương ở TP Hồ Chí Minh. Liệu học nghề có là cửa sáng và có nên gây áp lực học hành cho con trẻ bằng các kỳ thi khó hơn thi đại học như hiện nay.

Dân lập học phí cao, chất lượng không tương xứng

Suốt tuần qua, tại Hà Nội, cơn sốt tuyển sinh đầu cấp càng nóng bỏng bởi năm nay ở cả ba cấp học đều tăng “dân số” cơ học do “năm đẹp” (Dê Vàng, Heo Vàng, Rồng Vàng). Có lẽ chưa có năm nào, phụ huynh có con thi lớp 10 lại vất vả như năm 2018. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10 của gần 100.000 thí sinh, đã có gần 32.000 em trượt công lập. Còn tại TPHCM con số 22.000 thí sinh là số học sinh thi trượt trong cuộc đua vào các trường công lập.

Tất nhiên, không đủ điểm vào công lập, nếu các học sinh trượt trong kỳ thi này buộc phải học ở các trường dân lập trên địa bàn. Nhưng ngoài vấn đề học phí quá cao thì vấn đề chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng là điều khiến rất nhiều phụ huynh băn khoăn.

Tại phiên chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội có liên quan đến vấn đề chất lượng của các trường dân lập diễn ra cuối tuần trước có một số thông tin khiến chúng ta phải suy ngẫm. Đại biểu Hoàng Huy Được chất vấn, thực hiện Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2012 của HĐND TP về quy hoạch mạng lưới trường lớp, Hà Nội đang thiếu 314 trường. Như vậy, các trường tư thục được coi là “cái phao” để con em ai cũng có thể được học hành. Thế nhưng, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 477 trường tư thục thì có tới 386 trường thuê và mượn nên cơ sở vật chất hết sức tạm thời. Một phòng học chật hẹp thì không bao giờ là môi trường học tập tốt cả.

Chung một thắc mắc, đại biểu Nguyễn Thế Vinh về công tác kiểm soát trước và sau khi thành lập trường khi có nhiều trường không bảo đảm về cơ sở vật chất, chủ đầu tư không có tiềm lực về tài chính, trường không được cấp phép vẫn hoạt động. Vậy, vai trò của Sở GD-ĐT trong quản lý chất lượng các trường ngoài công lập thế nào? “Sở GD-ĐT có báo cáo về 15 trường chưa đáp ứng điều kiện nhưng vẫn hoạt động. Đề nghị cho biết danh sách các trường này đã được công bố ở đâu? Việc giải thể các trường ngoài công lập chưa đủ điều kiện gặp khó khăn gì và trách nhiệm của Sở ra sao?- đại biểu Trần Thị Vân Hoa chất vấn. Rõ ràng, trường THPT ngoài công lập chất lượng trồi sụt, và học phí thì gấp nhiều lần so với hệ thống trường công lập là thực tế. Đó cũng là lý do các sĩ tử phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để vào trường công lập cho bằng được.

Học nghề có là cửa sáng?

Không vào được trường công, không đủ tiền hoặc không tin vào chất lượng đào tạo của hệ thống trường ngoài công lập, liệu còn sự lựa chọn nào cho các sĩ tử khi các em chưa tròn 15 tuổi? PGS.TS Cao Văn Sâm- Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - nhận định: Còn một sự lựa chọn nữa cho các em nếu không có ý định học cao hơn đó là rẽ sang học nghề. Theo Bộ luật Lao động hiện hành và Luật Giáo dục nghề nghiệp đều nghiên cứu kỹ và xác định học sinh học xong lớp 9 - đã 15 tuổi - có quyền được vào học nghề hoặc ra thị trường lao động, trừ một số ngành nghề nhạy cảm, nặng nhọc, độc hại.

Theo TS Vũ Xuân Hùng- Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nếu không đỗ vào THPT, các bạn trẻ hoàn toàn có thể vào học trung cấp của giáo dục nghề nghiệp. Ở tuổi 15, việc học trung cấp là rất phù hợp vì có nhiều lựa chọn. Theo đó các bạn học sinh có thể học nghề trong thời gian ngắn 1 đến 2 năm để lấy bằng trung cấp, có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, có thu nhập và không cần học thêm văn hóa THPT. Nếu không các bạn có thể vừa học được nghề vừa tiếp tục học thêm văn hóa THPT để ngay sau học xong trung cấp hoặc sau này có điều kiện liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học và thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ nếu thực sự có năng lực.

Nói lý do vì sao các bậc phụ huynh nên lựa chọn cho các con học nghề nếu thấy mình không đủ sức học những cấp học cao hơn ông Hùng cho biết, ưu điểm của học nghề là thời gian học ngắn, chương trình đào tạo thực hành là chủ yếu, nên sau khi tốt nghiệp, nhanh chóng tìm kiếm được việc làm, có thu nhập cho bản thân và gia đình. Thêm một điều rất quan trọng với nhiều gia đình khó khăn là các em tốt nghiệp THCS học trung cấp thì được miễn học phí.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng đề án thí điểm để đào tạo học sinh lớp 9 lên thẳng cao đẳng. Đây là mô hình Nhật Bản đã làm từ lâu và hiện các chuyên gia Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện. Với mô hình này, học sinh sẽ học liên tục 5 năm từ lớp 9 và khi tốt nghiệp được cấp bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành mà không cần phải vất vả học và chờ liên thông như trước nữa.

Dẫu có nhiều thuận lợi như vậy nhưng không phải mọi thứ đều là màu hồng và không phải phụ huynh nào cũng chọn lối đi này. PGS Cao Văn Sâm phân tích, bước vào học nghề ở tuổi 15 các em sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như: học vấn thấp phải nỗ lực cao, sức khỏe hạn chế nên gặp khó khi học các nghề đòi hỏi trang thiết bị to, cồng kềnh... Một thách thức đáng kể khác là cần trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp để học xong các em có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ để tự tin bước vào thị trường lao động. Tuy nhiên, lo ngại nhất vẫn là tâm lý sính bằng cấp đã ăn sâu vào tâm lý của người Việt, cho nên học nghề chưa chắc đã phải là sự lựa chọn tối ưu của các bậc phụ huynh dù họ vẫn biết rất rõ sức học của con cái họ.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/tuyen-sinh-lop-10-loi-di-nao-cho-hoc-sinh-truot-truong-cong-tintuc409686