Tuyển sinh lớp 1 ở TP HCM: Phá chuẩn sĩ số để nhận đủ học sinh

Để giải quyết những khó khăn về chỗ học cho học sinh lớp 1, một số quận, huyện ở TP HCM phải chấp nhận sĩ số học sinh trong lớp khá cao

Sáng 24-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã có buổi làm việc với đại diện 24 quận, huyện và các sở, ngành liên quan về tình hình tuyển sinh lớp 1 năm học 2020-2021. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định TP phải bảo đảm cho tất cả trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường.

Giảm tỉ lệ học 2 buổi/ngày

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, hiện có 18/24 quận, huyện tương đối ổn định về chỗ học cho học sinh (HS) lớp 1 được học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM). Tuy nhiên, một số quận như Gò Vấp, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đang gặp khó khăn do số lượng trẻ đến tuổi vào lớp 1 trên địa bàn quá đông.

Tại quận Tân Phú, theo ông Tạ Tân, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, năm nay quận có hơn 7.000 HS lớp 1 (tương đương 169 lớp). Quận luôn tạo điều kiện cho tất cả HS trên địa bàn có chỗ học nhưng do cơ sở vật chất hạn chế, tỉ lệ học 2 buổi/ngày của HS tiểu học chỉ đạt 30%. Vì vậy, Phòng GD-ĐT tham mưu quận phương án phải chấp nhận vượt chuẩn sĩ số/lớp để cho mọi trẻ em đến độ tuổi được vào lớp 1; đồng thời giảm tỉ lệ học 2 buổi/ngày để bảo đảm chỗ học cho tất cả HS. Để thực hiện chương trình GDPTM, quận Tân Phú lên phương án dạy 5 buổi/tuần, dành 10% tổng số phòng học của một trường cho tất cả HS lớp 1 học (thêm 1 buổi/tuần).

Tại quận 12, theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận, trên địa bàn quận có 10.093 em vào lớp 1, trong khi không có trường tiểu học mới nào được xây dựng. Để chuẩn bị cho tuyển sinh đầu cấp, ban đầu quận dự kiến sĩ số khoảng 45 HS/lớp nhưng phải nâng lên 50 HS/lớp.

Liên quan đến 815 HS năm nay vào lớp 1 nhưng chưa đủ thời gian quy định về sổ tạm trú KT3 (trên 1 năm), lãnh đạo quận 12 khẳng định sẽ tìm cách để giải quyết, bảo đảm chỗ học cho những HS này. "Quận 12 đề xuất phương án chấp nhận sĩ số lớp 1 vượt chuẩn, giảm tỉ lệ học 2 buổi/ngày để nhận hết những HS này" - ông Đức nói.

Học sinh lớp 1 (niên khóa 2019-2020) Trường TH Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP HCM, trở lại trường sau đợt dịch Covid-19 Ảnh: Tấn Thạnh

Học sinh lớp 1 (niên khóa 2019-2020) Trường TH Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP HCM, trở lại trường sau đợt dịch Covid-19 Ảnh: Tấn Thạnh

Hỗ trợ học phí cho HS tiểu học ngoài công lập

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, các quận, huyện hiện đang đứng trước 2 nhiệm vụ là phổ cập giáo dục tiểu học, bảo đảm tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đến lớp và duy trì tỉ lệ học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình GDPTM.

Năm nay, mới chỉ khối lớp 1 triển khai chương trình GDPTM, trong khi đó, các năm học kế tiếp sẽ vừa có HS mới vào lớp 1 vừa dạy học cuốn chiếu đối với HS lớp 1 năm nay sẽ lên các lớp tiếp theo. Vì vậy, áp lực về chỗ học những năm sau sẽ vô cùng lớn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định TP phải bảo đảm cho tất cả trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Để giải quyết những khó khăn đó, một số quận, huyện phải chấp nhận sĩ số HS/lớp khá cao. Đơn cử, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có tổng dân số hơn 250.000 người, 7 trường tiểu học nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về chỗ học. Ngoài phải chấp nhận tình trạng sĩ số vượt chuẩn, ông Dương Anh Đức cũng đề nghị các quận, huyện tiếp tục rà soát lại các dự án đầu tư công xây dựng trường tiểu học và THCS, dự án nào kế hoạch hoàn thành trong năm nay thì bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, hiện Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn triển khai chương trình GDPTM đối với những nơi chưa tổ chức, triển khai được dạy học 2 buổi/ngày. Trước mắt, các địa phương triển khai dạy tối thiểu 6 buổi/tuần, tức HS học 6 buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy để bảo đảm yêu cầu tối thiểu của chương trình. Tới đây, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ có hướng dẫn các trường tổ chức dạy học trong điều kiện không duy trì được 2 buổi/ngày. Cụ thể, mỗi buổi học sẽ gồm 5 tiết, tối thiểu 6 buổi/tuần, nơi nào đủ điều kiện sẽ triển khai dạy học 7 buổi hoặc 8 buổi/tuần; chủ yếu cho các hoạt động trải nghiệm, tăng cường thể chất.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT TP HCM chủ trì, tham mưu UBND TP phương án, kế hoạch hỗ trợ học phí cho HS tiểu học khối ngoài công lập, căn cứ theo Luật Giáo dục và dựa trên nguồn lực thực tế của TP, xem xét cụ thể đối tượng, hình thức và định mức hỗ trợ phù hợp. Với những gia đình phụ huynh có điều kiện, địa phương vận động, khuyến khích cho con học ở các trường tư thục.

Lo phải dạy lớp 1 trực tuyến

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho hay nếu vì dịch bệnh phải triển khai học trực tuyến thì đây là một việc khó và ngoài ý muốn của ngành giáo dục. Với những yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, nhiều giáo viên (GV) lo lắng dạy học trực tuyến để bảo đảm công tác phòng dịch Covid-19 sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo cô Nguyễn Phương Lan, GV một trường tiểu học đóng tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), HS lớp 1 chưa biết chữ nên GV phải cầm tay uốn nắn từng nét, dạy cả cách lia bút, tốc độ viết để HS thực hành chứ không chỉ nhìn GV làm mà HS có thể tự viết được. Theo cô Lan, việc học tập ở lớp 1 đòi hỏi phải kết hợp với các hoạt động tay chân, quan sát, tương tác với bạn bè, thầy cô...

Y.Anh

Nga Nguyễn - Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tuyen-sinh-lop-1-o-tp-hcm-pha-chuan-si-so-de-nhan-du-hoc-sinh-20200824213329152.htm