Tuyển sinh ĐH năm 2020: Đầu vào sẽ được giám sát bằng nhiều hình thức

Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH trên cả nước đã công bố đề án tuyển sinh năm 2020. Năm nay, nhiều trường ĐH thực hiện đồng thời các phương thức xét tuyển, đặc biệt tăng chỉ tiêu ở phương thức xét điểm học bạ.

Thời điểm này các trường đã triển khai nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ. Nhiều ĐH khu vực phía Nam giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, tăng chỉ tiêu tuyển bằng học bạ. Theo đề án của nhiều trường khu vực phí Bắc, chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ cũng được dành trọng số tương đối cao, từ 30% đến 50%.

Những băn khoăn về phương thức xét tuyển bằng học bạ không phải không có. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie - Hà Nội cho rằng: Những ngày qua, các vụ án gian lận thi cử năm 2018 ở các địa phương đang được đưa ra xét xử. Bài học kinh nghiệm đã được đưa ra, người làm sai đã phải trả giá. Nhưng trong khi các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường ĐH với địa phương (với tỉ trọng 50 - 50) cả 3 khâu in sao đề thi, coi thi và chấm thi mà vẫn còn có thể có những sai sót. Còn theo Dự thảo Quy chế, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không có sự tham gia của các trường ĐH, giao toàn bộ cho địa phương. Có thể yên tâm được không? Và đồng nghĩa với đó, chất lượng giáo dục các địa phương chưa đồng đều, thì phương án xét học bạ có thể đảm bảo công bằng?

Trước đó, trong tháng 4 vừa qua Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có văn bản góp ý gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong đó, Hiệp hội cho rằng nên hạn chế việc xét tuyển qua học bạ vì khi chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ, cách xét tuyển như vậy có thể tạo ra sự mất công bằng.

Việc xét tuyển bằng học bạ không đơn thuần chỉ là xem điểm số tổng kết ba năm học, các trường có những sàng lọc khắt khe hơn cho hình thức này. Ảnh: K.Huy

Việc xét tuyển bằng học bạ không đơn thuần chỉ là xem điểm số tổng kết ba năm học, các trường có những sàng lọc khắt khe hơn cho hình thức này. Ảnh: K.Huy

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác cho rằng: Việc xét tuyển bằng học bạ không đơn thuần chỉ là xem điểm số tổng kết ba năm học, các trường có những sàng lọc khắt khe hơn cho hình thức này, tăng trọng số chỉ tiêu tuyển sinh bằng học bạ đồng nghĩa với việc các thí sinh cũng phải cạnh tranh gay gắt hơn. Các trường sẽ căn cứ cả điểm thi tốt nghiệp THPT, với học bạ, điểm các môn có liên quan đến tổ hợp xét theo nhóm ngành nghề đào tạo…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý: Đối với việc các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ, cần lưu ý quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau. Có những nơi học bạ “rất long lanh” nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Vì thế, những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Các trường sẽ báo cáo về Bộ GD&ĐT và công khai đề án tuyển sinh riêng trên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh, xã hội giám sát, cập nhật thông tin. Bộ GD&ĐT quan tâm rà soát tiêu chí về điều kiện giảng viên, việc đảm bảo căn cứ pháp lý và các tiêu chí trong xác định chỉ tiêu theo quy định.

Đặc biệt trong đó là tiêu chí nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội: cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương và của ngành.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu đề án tuyển sinh của trường phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin tuyển sinh theo quy định, tránh việc để thí sinh nhầm lẫn giữa quy định xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 7 của Quy chế với phương án tuyển sinh riêng của trường; giữa tên các trường; tuyển sinh đối tượng trong và ngoài tỉnh; tuyển sinh vào phân hiệu của trường với trường; chương trình đào tạo chuẩn và các chương trình đào tạo khác của nhà trường.

Trường chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án.

Thực tế là chất lượng đầu vào chính là bảo chứng chất lượng cho các trường, có ý kiến cho rằng: Quan trọng của giáo dục ĐH chính là cam kết chất lượng đầu ra, chứ vấn đề không hoàn toàn nằm ở đầu vào. Thực tế là sẽ có hiện tượng: Trường nào thí sinh ấy, những trường tốp đầu thì ngay cả thí sinh có học bạ điểm rất cao cũng rất thận trọng khi xét tuyển, vì đơn giản là… lo khó trúng tuyển.

Để có thêm những biện pháp đảm bảo chất lượng đầu vào, đặc biệt là qua hình thức xét tuyển bằng học bạ, nhiều ý kiến cho rằng: Bộ GD&ĐT cần có chế tài xử phạt đối với những trường thiếu minh bạch thông tin hoặc thông tin cung cấp không đúng với thực tế diễn ra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu mới mong đảm bảo một mùa tuyển sinh chất lượng, hiệu quả.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tuyen-sinh-dh-nam-2020-dau-vao-se-duoc-giam-sat-bang-nhieu-hinh-thuc-195838.html