Tuyển sinh ĐH 2021: Thay đổi có lợi cho thí sinh

Tuyển sinh ĐH năm 2021 ổn định như năm trước, song sẽ có một số thay đổi mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh và triển khai công tác tuyển sinh ĐH năm 2021 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tại 4 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ ngày 25-3.

Thí sinh có 3 lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021, năm nay thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ giáo dục mầm non bằng 1 trong 2 hình thức: bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện). Điểm mới thứ hai là sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định bằng phương thức trực tuyến.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng thay đổi này giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trong lựa chọn trường học, ngành học. Mặt khác, với sự điều chỉnh này sẽ giúp các cơ sở giáo dục ĐH lựa chọn được các thí sinh phù hợp. GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, nhận định việc cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến là điểm mới tích cực, giúp công tác tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng hơn, nhanh gọn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, GS Đức cũng cho rằng việc điều chỉnh nguyện vọng 3 lần là quá dài, gây ảnh hưởng đến thời gian tuyển sinh của các trường, vì thế chỉ thực hiện điều chỉnh là đủ.

TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cũng đồng quan điểm này. Theo TS Tùng, việc điều chỉnh nhiều lần có thể gây ra sự phân tâm cho thí sinh. Thậm chí chính thí sinh cũng không nhớ là mình đã thay đổi nguyện vọng như thế nào, vì thế để thuận lợi cho cả nhà trường và thí sinh, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc giảm số lần thí sinh được điều chỉnh.

Phản hồi những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay bộ sẽ quy định cụ thể thời gian điều chỉnh nguyện vọng, có thể khoảng từ 5-7 ngày. Trong khoảng thời gian đó, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng từ 2 - 3 lần theo hình thức trực tuyến. Ông Sơn cho rằng việc thay đổi nguyện vọng 2 hay 3 lần không ảnh hưởng tới khung kế hoạch thời gian xét tuyển. Do đó, các trường có thể hoàn toàn yên tâm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các vụ, cục có thể gửi xác nhận đăng ký qua email cho thí sinh để các em chắc chắn về các nguyện vọng mình đã điều chỉnh.

Đại biểu phát biểu tại đầu cầu TP HCM. Ảnh: HUY LÂN

Đại biểu phát biểu tại đầu cầu TP HCM. Ảnh: HUY LÂN

Giảm lệ phí đăng ký xét tuyển

Theo quy định của Luật Giá và Luật Giáo dục ĐH, các trường phải chủ động đưa ra mức lệ phí đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng. Tại hội nghị, đại diện các trường cho rằng nên giữ mức lệ phí ổn định và "đồng giá" chung giữa các trường. PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cùng chung quan điểm việc có một mức giá chung sẽ giúp thí sinh yên tâm đăng ký nguyện vọng mà không phải bận tâm khi mỗi nguyện vọng đăng ký vào các trường lại phải nộp các khoản phí khác nhau.

Tại hội nghị, đại diện các trường cho rằng nếu từng trường phải đi đàm phán với các sở GD-ĐT trong việc thu lệ phí sẽ rất phức tạp. Do vậy, các trường đề nghị Bộ GD-ĐT hỗ trợ trong việc tìm một đầu mối chung là một đơn vị sự nghiệp để ủy quyền trong khâu thanh toán. Phản hồi ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay đồng ý với đề xuất giảm mức thu lệ phí đăng ký xét tuyển đối với thí sinh.

Theo đó, lệ phí đăng ký xét tuyển là 25.000 đồng/nguyện vọng. Ông Sơn cho hay các năm trước, một phần trong mức thu được sử dụng để nâng cấp phần mềm. Tuy nhiên, đến năm nay, phần mềm đã đi vào ổn định, do đó mức thu có thể giảm. Với 25.000 đồng lệ phí này, các sở GD-ĐT giữ lại 15.000 đồng/nguyện vọng, sử dụng tại sở GD-ĐT tối đa 9.000 đồng/nguyện vọng.

Số còn lại điều tiết sử dụng tại các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. 10.000 đồng/nguyện vọng sẽ phân bổ cho các trường - nơi thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó 6.000 đồng là kinh phí thực hiện xét tuyển sinh tại các trường; 4.000 đồng dành để chia sẻ chi phí điều phối chung cho hoạt động tuyển sinh, chi phí quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn quốc, phần mềm đăng ký xét tuyển và lọc ảo.

Tự quyết việc lọc ảo

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng năm 2020 dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác tuyển sinh của các trường đã thành công. Tại TP HCM, tỉ lệ nhập học của phần lớn số trường đạt trên 90%. Nhóm lọc ảo đã làm việc rất tích cực, hiệu quả cao. Tuy nhiên, tỉ lệ ảo từ phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn còn cao mà nguyên nhân là nhóm lọc ảo phía Nam mới có 86 trường ĐH tham gia, nếu 100% trường tham gia thì hiệu quả sẽ cao, ảo sẽ thấp. Ông Dũng đề nghị giảm thời gian lọc ảo, Bộ GD-ĐT cần yêu cầu các trường phải cập nhật kết quả nhập học của thí sinh trúng tuyển các phương thức khác để chống ảo và bộ cần kiểm soát chặt chẽ.

Giải đáp về những ý kiến trên, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), khẳng định việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần không kéo dài thời gian mà nhằm giúp những em cần thêm sự điều chỉnh nếu lần 1 cảm thấy chưa chính xác, tránh sai sót của các em. Việc có 100% các trường phải tham gia lọc ảo là tốt nhưng bộ không thể ép vì liên quan đến tự chủ ĐH. Việc tham gia lọc ảo do các trường quyết định trên cơ sở đánh giá lợi ích của việc tham gia lọc ảo. Về việc giảm thời gian lọc ảo, bà Thủy cho rằng Bộ GD-ĐT đang tìm giải pháp tối ưu do số lượng trường rất lớn.

H.Lân

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tuyen-sinh-dh-2021-thay-doi-co-loi-cho-thi-sinh-20210325220400848.htm