Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Tỷ lệ chọi dự báo sẽ khốc liệt

Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2019 - 2020, các trường công lập tại Hà Nội tiếp tục gặp áp lực do chênh lệch giữa số lượng tuyển mới cao hơn rất nhiều so với số lượng vừa ra trường. Trong đó, đối với bậc mầm non các trường công lập chỉ tiêu tuyển sinh mới thấp hơn rất nhiều so với trẻ trong độ tuổi đi học trên địa bàn.

Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội năm học 2019-2020 được dự báo sẽ tiếp tục áp lực.. Ảnh minh họa: Q.Anh

Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội năm học 2019-2020 được dự báo sẽ tiếp tục áp lực.. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều trường có “đầu vào” rất lớn

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến năm học 2019 - 2020 tuyển vào lớp 1 khoảng 167.000 học sinh, giảm 13.000 học sinh so với năm trước. Tuy nhiên, số học sinh vào trường lại tăng hơn 30.000 so với số học sinh lớp 5 ra trường.

Theo đó, tuyển sinh vào lớp 6 khoảng 132.000 học sinh, tăng 2.000 học sinh so với năm trước, tăng khoảng 30.000 học sinh so với số học sinh lớp 9 ra trường. Đối với tuyển sinh lớp 10, có khoảng 101.000 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 học sinh so với năm học trước nhưng lại tăng khoảng 25.000 học sinh so với số học sinh lớp 12 ra trường. Đồng nghĩa với việc có khoảng 10.000 học sinh sẽ phải học tại các trường dân lập hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung cấp nghề.

Như vậy, công tác tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 năm 2019-2020 tại Hà Nội tiếp tục gặp áp lực về điều kiện cơ sở vật chất trường học, giáo viên, khi số học sinh lớp 5 ra trường ít hơn so với số học sinh bắt đầu vào lớp 1; trong khi đó, số học sinh vào lớp 6 là 132.500 em, tăng 2.000 em so với năm trước.

Trong khi hàng vạn gia đình đang “ngóng” điểm thi vào lớp 10 (dự kiến công bố điểm ngày 14/6), số lượng các gia đình khác nhiều hơn cũng đứng ngồi không yên với chuyện tuyển sinh của con vào cấp học mầm non, lớp 1, lớp 6. Lo vì nhiều nỗi, bởi ngoài chuyện trúng tuyển, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn chưa biết có nên cho con theo học trường công không, vì sĩ số lớn, có thể còn phải học luân phiên nghỉ vào ngày thường và đi học vào cuối tuần, thậm chí một số trường đã tổ chức học 4 ngày/tuần, ít hơn các trường khác 1 ngày gây khó khăn trong việc bố trí trông nom con vào ngày nghỉ.

“Tôi chán cảnh bố mẹ ngày thường đi làm, nhưng con được nghỉ vào ngày thường và đi học cuối tuần. Theo đúng tuyến, con tôi năm nay vào học lớp 1 Trường Tiểu học Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), mặc dù trường đang xây dựng lại để mở rộng hơn, nhưng với số dân đông, nhiều dự án chung cư tại phường nên tôi vẫn lo vì thiếu lớp học mà con phải nghỉ học luân phiên. Đứa lớn học suốt mấy năm rồi, giờ thêm đứa em nữa thì gia đình không biết bố trí thế nào để trông nom. Nên nếu năm nay, trường tiếp tục bố trí lịch học nghỉ 1 ngày thường và đi học vào thứ 7 chắc chắn tôi sẽ xin cho con học trường ngoài công lập”, chị Thu Hồng (ngõ 292 Kim Giang, Hà Nội) cho biết.

Nhiều trường có “tỷ lệ chọi” cao

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, trong phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2019 - 2020 được các quận nội thành phê duyệt, có thể thấy nhiều nơi số lượng học sinh vừa ra trường chỉ vài lớp, nhưng số lượng tuyển mới chênh lệch hơn 10 lớp, dẫn đến tình trạng dồn sỹ số lớp, bố trí nghỉ học luân phiên do thiếu phòng học. Tiêu biểu như tại quận Hoàng Mai, năm ngoái đã được chú ý khi có số lượng học sinh lớp 1 “khủng”, năm nay tiếp tục tái diễn. Cụ thể, tại phường Hoàng Liệt, có 2 trường tiểu học. Đối với Trường Tiểu học Chu Văn An, số lượng học sinh ra trường chỉ là 4 lớp 5, nhưng năm nay tuyển hơn 809 học sinh tại 17 lớp; Trường Tiểu học Hoàng Liệt năm nay tuyển sinh 21 lớp 1 với 1.012 học sinh.

Trong khi cấp THCS, tiểu học với mối lo sỹ số trong lớp học sẽ cao, song đối với cấp mầm non, nhiều phụ huynh cũng khá lo lắng với cơ hội trúng tuyển của con, bởi so với số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn và chỉ tiêu tuyển sinh chênh lệch khá lớn, khiến một số nơi dự báo sẽ có “tỷ lệ chọi” sẽ cao, trường lựa chọn bốc thăm trúng tuyển. Trong kế hoạch phê duyệt của từng quận thì quận Cầu Giấy có số trẻ đến tuổi học mầm non là 13.758 trẻ, nhưng chỉ tuyển mới 2.923 trẻ; quận Hà Đông có 40.602 trẻ, tuyển mới 7.535 trẻ; quận Đống Đa có 21.969 trẻ, tuyển mới 3.281 trẻ…

Đối với các trường mầm non công lập, tỷ lệ chênh lệch giữa số trẻ độ tuổi đi học trong phạm vi điều tra với số lượng tuyển mới như: Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có 4.608 trẻ, tuyển mới 401 trẻ; Mầm non Sơn Ca (Cầu Giấy) có 1.676 trẻ nhưng tuyển 195 trẻ; Mầm non Yên Hòa có 2.667 trẻ, tuyển mới 245 trẻ; Mầm non Tiểu hoa có 2.706 trẻ, tuyển mới 225; Mầm non Phương Mai có 1/489 trẻ trong độ tuổi đi học nhưng chỉ tuyển mới 113 trẻ. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc tại nhiều trường học sẽ chọn hình thức bốc thăm trúng tuyển nếu lượng hồ sơ cao hơn chỉ tiêu, trường hợp không trúng sẽ phải học các trường tư thục.

Trước áp lực của tuyển sinh đầu cấp, năm học 2019 - 2020, để khắc phục, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã cần xây dựng phương án tuyển sinh hợp lý cho từng trường trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chi tiêu được giao. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp; tăng số học sinh được học 2 buổi/ ngày.

Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2019 - 2020, Hà Nội tiếp tục áp dụng hai hình thức tuyển sinh là trực tuyến (đối với cha mẹ học sinh có điều kiện về công nghệ thông tin) và trực tiếp (đối với cha mẹ học sinh không có điều kiện về công nghệ thông tin). Theo kế hoạch, thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến lớp 1 từ ngày 1 - 3/7; mầm non 5 tuổi từ ngày 4 - 6/7; lớp 6 từ ngày 7 - 9/7. Từ ngày 10 - 12/7 các trường tổng hợp số học sinh đã đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Hình thức tuyển sinh trực tiếp từ ngày 13 - 18/7.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dau-cap-tai-ha-noi-ty-le-choi-du-bao-se-khoc-liet-20190612195720251.htm