Tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM: Như ngồi trên lửa

Mùa tuyển sinh đầu cấp năm học 2019-2020 của TPHCM được dự báo khá căng thẳng khi có đến hơn 30.000 học sinh lớp 9 sẽ không thể vào lớp 10 công lập. Còn với bậc THCS, nhiều năm qua, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa luôn có tỷ lệ chọi cao hơn cả thi đại học (1 chọi 7 hoặc 1 chọi 8…).

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TPHCM năm 2019

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TPHCM năm 2019

Hơn 30.000 học sinh sẽ trượt lớp 10 công lập

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, hơn 100.000 học sinh lớp 9 trên toàn TPHCM sẽ bước vào “cuộc đua” tranh suất vào lớp 10 công lập. Cuộc đua đang ngày càng trở nên căng thẳng khi mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM công bố chỉ tiêu vào lớp 10 của 112 trường THPT công lập trên địa bàn, trong đó hầu hết các trường đều giảm chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm học 2018-2019, toàn thành phố có hơn 105.000 học sinh lớp 9, dự kiến các trường THPT công lập sẽ tuyển khoảng 70.000 em vào lớp 10 công lập. “Số học sinh lớp 9 năm nay tăng hơn so với năm trước nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập không tăng nên dự kiến sẽ có khoảng 30.000 em không vào được lớp 10 công lập mà sẽ chuyển sang học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), trung cấp nghề…”, ông Hiếu thông tin.

Tình hình tuyển sinh càng thêm căng thẳng khi năm nay, TPHCM bỏ cộng điểm nghề trong thi tuyển lớp 10 khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo “sốt vó”. Để giành suất vào lớp 10, thời điểm này học sinh, phụ huynh và nhà trường đang tích cực chạy đua ôn tập cũng như định hướng chọn trường phù hợp.

Anh Nguyễn Hữu Dương có con đang học tại một trường THCS quận 7 “chạy đôn, chạy đáo” để hỏi dò điểm số các trường, tìm hiểu chất lượng để so sánh thay con. Theo anh Dương, con anh có học lực khá, đây lại là giai đoạn thi học kỳ, rồi chuẩn bị thi tốt nghiệp nên anh khuyến khích cháu chịu khó học, mọi việc còn lại đã có bố lo. “Chọn trường để đăng ký thi ngay cả tôi là người lớn cũng thấy đau cả đầu, bởi trường gần nhà thì điểm cao, chọn xa nhà thì bất tiện, chỉ chênh nhau nửa điểm là coi như hết cơ hội nên con thi mà bố mẹ như ngồi trên lửa”, anh Dương chia sẻ…

Trong khi đó, để giúp học sinh tiếp cận được ngôi trường mình sắp chọn, trường THCS Minh Đức, quận 1 đã đưa học trò của mình đến các trường THPT tham quan. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường này cho biết, sau Tết, trường đã cho học sinh đăng ký nguyện vọng để khảo sát. “Dựa trên bảng nguyện vọng đó, nhà trường sẽ liên hệ với hiệu trưởng để cho các em đến tham quan, trải nghiệm, hiểu rõ hơn về ngôi trường mà mình ước mơ được vào…”, cô An nói.

Cũng theo cô An, sau buổi tham quan, một số em đã điều chỉnh nguyện vọng của mình, đồng thời bày tỏ quyết tâm phấn đấu hơn trong học tập để đạt được như nguyện vọng đăng ký.

Còn ở góc độ các trường THPT, nhiều trường cũng đã có sự thay đổi trong tuyển sinh khi không trực tiếp ngồi chờ thí sinh đăng ký vào mà chủ động đến các trường THCS để tư vấn, giới thiệu về trường mình. Năm học 2018-2019, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 đã đến khoảng 10 trường THCS ở một số quận tư vấn về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình học, các hoạt động học tập, trải nghiệm của trường.

Thi vào trường Chuyên Trần Đại Nghĩa khó hơn đại học

Đối với bậc THCS, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa nhiều năm qua luôn nổi nhất cả nước, bởi đây là trường duy nhất TPHCM và cũng là trường tiên phong cả nước tổ chức khảo sát đầu vào lớp 6 bằng tiếng Anh. Học sinh muốn tham gia khảo sát với điều kiện đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học tại thành phố và có điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 của mỗi môn tiếng Việt và Toán đạt từ 9 điểm trở lên.

Theo đó, bài khảo sát gồm phần trắc nghiệm có 24 câu hỏi, tự luận có 8 câu hỏi làm bài trong 90 phút. Nội dung bài khảo sát đề cập đầy đủ lĩnh vực toán học tư duy, toán thực tiễn, năng lực tiếng Anh, hiểu biết tự nhiên, khoa học thường thức... Các câu hỏi lĩnh vực khoa học tự nhiên là các vấn đề khoa học đời sống, thông tin, kiến thức khoa học vận dụng vào các tình huống trong cuộc sống. Còn lĩnh vực khoa học xã hội là các kiến thức về đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý. Đó là những kiến thức mà học sinh cần phải nhớ chứ không chuyên sâu, quá mức chi tiết

Cũng kể từ khi có bài khảo sát, nhiều trung tâm luyện thi cũng thay đổi hình thức nhưng chưa bao giờ hết “nóng” đối với phụ huynh, học sinh. Đại diện một trung tâm luyện thi ở quận 1 cho biết, vào lớp 6 Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa là niềm ao ước của nhiều phụ huynh, học sinh nên việc thay đổi hình thức thi sang khảo sát cũng không làm giảm nhu cầu của họ. Theo đại diện trung tâm này, để con có cơ hội vào Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, một số phụ huynh còn cho con đi luyện thi từ năm lớp 4 nên đến nay các bé rất thành thạo trong việc làm bài khảo sát.

Theo chị L.T.Tr (ngụ tại Bình Tân) có con đang học lớp 5 , ngay từ lớp nhỏ chị đã hướng con vào Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, vì thế chị đã chuẩn bị nhiều kiến thức cho con. Cụ thể, vào năm lớp 4, ngoài học chính khóa ở trường, chị còn cho con học thêm Toán và Văn, cuối tuần học thêm Tiếng Anh giao tiếp ở các trung tâm ngoại ngữ. Cách đây mấy tháng, chị Tr bắt đầu chuyển cho con sang luyện thi ở một thầy nổi tiếng chuyên luyện cho các bé vào Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa mỗi tuần 2 buổi để làm quen với dạng bài khảo sát. “Thực tình, tôi rất hy vọng con vào được trường này song nếu không vào được thì cũng không sao vì ít nhiều con cũng có thêm kiến thức”, chị Tr chia sẻ.

Được biết, tỷ lệ chọi vào trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa những năm gần đây luôn dao động quanh mức 1 chọi 7 hoặc chọi 8. Năm trước, chỉ tiêu vào trường này là 525 song có đến hơn 4.000 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ chọi gần 1/8. Còn năm nay, dự kiến chỉ tiêu vào trường chỉ còn 325 em, tỷ lệ chọi này được nhiều người dự đoán còn cao hơn năm trước. Với tỷ lệ này thì nhiều trường đại học cũng phải chào thua…

Ngay sau khi thông tư sửa đổi quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học để lấy bằng tốt nghiệp cao đẳng, nhiều trường đã lập tức bổ sung đối tượng này trong kế hoạch tuyển sinh năm nay. Chẳng hạn như Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM, Cao đẳng Bách Việt, Cao đẳng Công nghệ thông tin, Cao đẳng Lý Tự Trọng…

Theo hiệu trưởng một trường cao đẳng, ưu điểm của chương trình này là học sinh sẽ học liên tục 4 - 5 năm từ sau lớp 9 mà không cần phải học và chờ liên thông như trước. Với thời gian đào tạo chia làm 2 giai đoạn. Sau khi học chương trình 9+3 để được cấp bằng trung cấp, học sinh sẽ học chuyển tiếp 1 năm lên trình độ cao đẳng, như vậy vừa rút ngắn thời gian học vừa nâng cao tay nghề.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dau-cap-o-tphcm-nhu-ngoi-tren-lua-1404234.tpo