Tuyển sinh đại học năm 2022: Điểm chuẩn cao nhất lên tới 29,95

Ngày 15/9, hàng loạt trường đại học (ĐH) đã chính thức công bố điểm trúng tuyển ĐH bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Đáng chú ý, có những trường lấy mức điểm chuẩn lên tới 29,95 điểm.

Thí sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

Thí sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

Điểm trúng tuyển tăng tùy ngành

Đơn cử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn theo cả 2 phương thức: Xét điểm tốt nghiệp THPT và phương thức xét điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Trong đó, điểm trúng tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT tính theo thang điểm 30 (không nhân hệ số) và đã bao gồm điểm ưu tiên và khu vực. Ngành Đông phương học, Quan hệ công chúng khối C00 có mức điểm chuẩn cao nhất là 29,95. Kế tiếp, ngành Báo chí khối C00 là 29,9. Các ngành tuyển tổ hợp C00 khác điểm chuẩn cao, dao động 27-28 điểm. Các ngành khối C vốn ít hấp dẫn nhưng điểm chuẩn khá cao, như ngành Tôn giáo 25,5 điểm, Nhân học 26,75 điểm. Ngành Hán Nôm 27,5 điểm. Các ngành khối D có mức điểm chuẩn dao động từ 24-27,5 điểm. Trong đó ngành Quan hệ công chúng, Báo chí mức 27,25 - 27,5 điểm. Ở khối D, một số ngành như Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Quản trị khách sạn... có sức hút nhưng chỉ tuyển khối D nên mức điểm chuẩn vừa phải từ 25 - 27,25 điểm.

Như vậy, so với điểm chuẩn năm 2021, năm nay điểm chuẩn của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cao hơn khoảng 0,5 - 1 điểm ở nhiều ngành có sức hấp dẫn.

Điểm chuẩn ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội dao động từ 22-29,15 điểm. Trong đó, Công nghệ thông tin là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất. Tiếp đến là ngành Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản - 27,5 điểm. Hai ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khóa học máy tính đều có mức điểm 27,25.

ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn của 6 ngành, trong đó ngành lấy điểm cao nhất là Y khoa, 27,3 điểm. Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) quyết định ngành có điểm chuẩn cao nhất theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là Răng - Hàm - Mặt với 26,75 điểm. Tiếp đến là Y khoa 25,75 điểm. Ngành điểm chuẩn thấp nhất là Hộ sinh và Điều dưỡng với 19 điểm. Với phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Răng - Hàm - Mặt với 28 điểm. Tiếp đến là ngành Y khoa 26,5 điểm. Ngành điểm chuẩn thấp nhất là Điều dưỡng với 19,6 điểm.

Học viện Ngân hàng, ngành lấy điểm cao nhất là Luật Kinh tế (28,5 điểm). Ngành học lấy điểm chuẩn thấp nhất là Kế toán và Quản trị kinh doanh với 24 điểm. Nhiều ngành của Học viện Ngân hàng có mức điểm chuẩn từ 26 điểm trở lên như Kinh doanh quốc tế lấy 26,5 điểm; Công nghệ thông tin lấy 26,2 điểm. Ngoài ra, ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế lấy 26 điểm…

Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân thông báo điểm trúng tuyển bằng phương xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp (A00, A01, C03, D01) kết hợp với kết quả bài thi riêng của Bộ Công an. Mức điểm chuẩn dao động từ 15,42-24,43 điểm tùy địa bàn và khối ngành (8 địa bàn) và giới tính.

Ở phía Nam, ngày 15/9, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 cho 3 phương thức xét tuyển. Đối với phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, nhóm ngành Khoa học sức khỏe, ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu là những ngành có mức điểm chuẩn cao nhất. Cụ thể, ngoài ngành Dược học có điểm chuẩn là 21 điểm, các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu có điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm (tăng cao nhất 2 điểm so với năm 2021)…

Vẫn còn nhiều cơ hội

Theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2022, từ sau 17 giờ ngày 15/9 đến trước 17 giờ ngày 17/9, các cơ sở đào tạo hoàn thành việc công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Với những trường đã công bố điểm trúng tuyển, thí sinh đã có thể biết được cơ hội đỗ hay không của mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời điểm này không có khái niệm trượt ĐH vì kế hoạch tuyển sinh có thể kéo dài với các đợt xét tuyển bổ sung. Vì thế, cơ hội vẫn còn cho những thí sinh không trúng tuyển đợt 1.

Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, từ ngày 16/9 đến trước 17 giờ ngày 30/9, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30/9. Như vậy, các thí sinh phải xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên Hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo. Trên cơ sở số thí sinh xác nhận nhập học, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển các đợt tiếp theo (nếu có) và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định. Việc này bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12/2022.

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, sau xét tuyển đợt 1, nhiều cơ sở đào tạo sẽ công bố xét tuyển các đợt bổ sung. Cơ hội học ĐH vẫn rộng mở với thí sinh. Bà Hường khuyến nghị: Các em nên tập trung vào một số trường top giữa. Sau đó, xem điểm chuẩn đợt 1 của trường là bao nhiêu, rồi cộng thêm khoảng 2 - 3 điểm. Nếu điểm thi đạt mức đó, cơ hội trúng tuyển vào đợt bổ sung sẽ cao. Ngoài ra, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT…

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), với những thí sinh không may trượt tất cả nguyện vọng xét tuyển trong đợt 1 các em không nên bi quan. Đợt xét tuyển bổ sung vẫn rộng mở cơ hội, quan trọng là xác định rõ mục tiêu phấn đấu và lập lộ trình để thực hiện. Do đó, thời điểm này, các em hãy dành thời gian tìm hiểu các thông tin chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành học phù hợp với năng lực sở trường và mức điểm đang có. Ông Hà chia sẻ, ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, đỗ ĐH không quan trọng bằng việc thí sinh chọn được đúng lĩnh vực có thể phát huy được năng lực, sở trường của mình.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2022-diem-chuan-cao-nhat-len-toi-2995-5696768.html