Tuyển sinh đại học năm 2021: Nhiều kỳ thi riêng được tổ chức với quy mô lớn

Năm 2021, để chủ động trong tuyển sinh và giảm lệ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học đã lên phương án tổ chức thi tuyển sinh riêng, trong đó một số trường sẽ tổ chức kỳ thi quy mô lớn theo nhiều đợt.

Năm 2021, nhiều trường đại học đa dạng các phương thức tuyển sinh đầu vào. Ảnh minh họa: Q.Anh

Năm 2021, nhiều trường đại học đa dạng các phương thức tuyển sinh đầu vào. Ảnh minh họa: Q.Anh

Đánh giá tư duy học sinh làm căn cứ "đầu vào"

Tính tới thời điểm ngày 25/12, nhiều trường đại học trên phạm vi cả nước đã công bố phương án hoặc dự kiến phương án tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2021. Nhìn chung, các trường đều tổ chức xét tuyển dựa trên các phương thức "truyền thống" như: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển theo kết hợp học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng áp dụng thêm xét tuyển thí sinh có chứng chỉ thi quốc tế, đặt biệt là tổ chức xét tuyển theo đánh giá tư duy, năng lực thí sinh.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm 2021, PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2021, trường dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức với khoảng 7.000 chỉ tiêu. Phương thức thứ nhất là, xét tuyển tài năng (dự kiến 10 - 20% tổng chỉ tiêu) bao gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level và IELTS và điểm trung bình lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên; xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh có điểm trung bình lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên. Phương thức này sẽ được nhà trường triển khai sớm, trước khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Phương thức thứ hai là, xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 50 - 60% tổng chỉ tiêu). Điểm xét từng ngành/chương trình đào tạo được xác định theo tổng điểm 3 môn thi của một trong các tổ hợp: A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 (có tính hệ số môn chính ở một số ngành và điểm cộng ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT). Điều kiện tham gia phương thức xét tuyển này: Thí sinh có điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 7.0 trở lên.

Phương thức thứ ba của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến 30 - 40% tổng chỉ tiêu). Kỳ thi được tổ chức tại 3 địa điểm của miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000 - 10.000 thí sinh. Thí sinh dự thi Bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm 2 phần: Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút; phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút. Nội dung bài thi nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo.

Thi đánh giá năng lực cho hàng vạn thí sinh

Sau vài năm tạm dừng, năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khởi động và dự kiến tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Theo đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2021, tiếp tục ổn định và sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển và xét tuyển theo phương thức khác (Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế IELST và tương đương), xét tuyển kết quả bài thi ĐGNL học sinh THPT. Tiếp tục mở rộng, điều chỉnh đối tượng xét tuyển thẳng đối với học sinh đạt kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh thuộc các trường THPT chuyên...

Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã và đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, năng lực để xây dựng lộ trình tổ chức kỳ thi ĐGNL học sinh THPT nhằm phục vụ công tác tuyển sinh trong thời gian tới. Theo dự thảo đề án thi ĐGNL học sinh THPT, đề án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn về đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới giáo dục đại học nói chung. Cũng như những kỳ thi ĐGNL của các năm 2015, 2016 trước đây, thí sinh hoàn thành bài thi ĐGNL trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau 3 tuần kể từ ngày dự thi.

Năm 2021 dự kiến đánh giá năng lực được tổ chức thi tại Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4 - 5 đợt từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh. Có thể mở rộng quy mô thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác. "Năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh THPT. Đây là một kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đại học", Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 thành 2 đợt. Kỳ thi giữ ổn định như các năm trước về cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi. Kỳ thi không chỉ làm căn cứ xét tuyển vào ĐH Quốc gia TPHCM, nhiều trường đại học khác cũng đã sớm thông báo sẽ tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM để xét tuyển "đầu vào" năm 2021.

Trước việc nhiều trường dự kiến tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Các trường đại học có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh đó là quyền tự chủ của các trường. Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập. Nhiều trường phối kết hợp tổ chức kỳ thi để đảm bảo thí sinh không phải tham dự quá nhiều kỳ thi trong năm và giảm tỷ lệ thí sinh ảo”.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2021-nhieu-ky-thi-rieng-duoc-to-chuc-voi-quy-mo-lon-20201225151118525.htm