Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2020: Không 'đánh bóng' danh tiếng khiến thí sinh nhiễu thông tin

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, về cơ bản, quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã được công bố với thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, dự thảo cũng có một số thay đổi như sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ, đại học (ĐH)…

Thí sinh tránh tình trạng học lệch, học tủ. (Ảnh minh họa)

Thí sinh tránh tình trạng học lệch, học tủ. (Ảnh minh họa)

Kỹ sư, bác sĩ có tương đương thạc sĩ?

Trước câu hỏi, bác sĩ, kỹ sư dược sĩ, kiến trúc sư… có được coi là tương đương thạc sĩ (ThS) hay không? Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, phải căn cứ vào thực tế chương trình đào tạo chuyên sâu và chuẩn chương trình của trình độ ThS.

Thực ra đây chỉ là chuẩn hóa thêm một bước các văn bằng đã có. Trước đây kỹ sư, bác sĩ, cử nhân được xếp trong một mặt bằng của bằng tốt nghiệp đại học. Khi chưa có quy định này, người ta hình dung tất cả trên một mặt bằng thì sẽ bất lợi cho những người đã tích lũy được nhiều hơn nhưng không được thừa nhận ở mức cao hơn.

Tuy nhiên, giờ đây phân ra thành khung bậc 6, bậc 7… có bằng cử nhân, ThS và các văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù để công nhận các giá trị tích lũy chi tiết hơn. Vì vậy, bằng bác sĩ, kỹ sư theo đúng chuẩn tại Nghị định này sẽ được công nhận ở mức cao hơn bằng cử nhân; nếu đạt chuẩn bậc 7 thì sẽ được công nhận tương đương ThS.

Việc có được học thẳng lên nghiên cứu sinh hay không còn phụ thuộc vào quy định về tuyển sinh đầu vào trình độ tiến sĩ sau này. Tuy nhiên, rất ít văn bản có đủ cơ sở để quy định chính sách “hồi tố”. Việc này hiện đang được một số trường và các nhóm nghiên cứu phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách của Bộ nghiên cứu để có quy định phù hợp khi sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo kế hoạch năm 2020.

Với nguyên tắc đào tạo liên thông đang được thực hiện thì trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo có thể xem xét với từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở văn bằng người học đã được cấp cùng với bảng điểm, điều kiện thực hiện chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, số tín chỉ đã tích lũy… để công nhận đạt điều kiện đầu vào trình độ tiến sĩ hoặc yêu cầu cập nhật, bổ sung thêm kiến thức.

Việc cần cập nhật bổ sung kiến thức (nếu có) cũng nên coi là điều rất bình thường vì ngay cả khi có bằng ThS nhưng đã được cấp khá lâu hoặc do cơ sở đào tạo khác cấp hoặc chương trình đào tạo ThS có định hướng khác… thì cơ sở đào tạo vẫn có thể yêu cầu cập nhật, bổ sung kiến thức khi tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ để đảm bảo chất lượng tốt hơn, bà Phụng nhấn mạnh.

Nhìn chung, công nhận đủ điều kiện hay áp dụng liên thông đều cần phải có nguyên tắc chung để xem xét với những trường hợp cụ thể chứ không chỉ dựa vào tên gọi của bằng cấp hay số lượng tín chỉ. Nếu trường cấp bằng kỹ sư nhưng chương trình đào tạo chỉ ở mức khoảng 120 tín chỉ, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra… không đảm bảo thì không thể nói người có bằng kỹ sư đó tương đương ThS.

Trường tuyển sinh riêng phải tránh lỏng lẻo

Liên quan đến ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của một số khối ngành, PGS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Có một số ý kiến cho rằng, khối sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao chú trọng đến năng khiếu của người học hơn vấn đề học vấn. Vì thế, nếu quy định “điểm sàn” và các điều kiện quá cao sẽ khó để có thể tuyển được người có năng khiếu tốt.

Tránh tình trạng học lệch, học tủ

Về công tác chuẩn bị tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các Sở GD-ĐT phải chỉ đạo các trường THPT tập trung dạy học, ôn tập cho học sinh thi THPT quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tránh tình trạng học lệch, học tủ.

Việc cho điểm trong học bạ phải đảm bảo trung thực, khách quan để đảm bảo độ chính xác và chất lượng cho công tác tuyển sinh theo hình thức xét học bạ mà nhiều trường đại học, cao đẳng đang áp dụng.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao các trường đại học đã chủ động, tích cực, có nhiều sáng kiến tốt trong công tác phòng chống. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các nhà trường cần có thái độ bình tĩnh; phòng, chống dịch quyết liệt nhưng vẫn phải quan tâm thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên. Về phía Bộ GD-ĐT, căn cứ tình hình thực tiễn sẽ quyết định thời gian thi THPT quốc gia và công bố theo đúng quy định.

Vì vậy, ông đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung này để có quyết định hợp lý nhất. Mục đích chúng ta hướng tới là, dù đào tạo chính quy hay tại chức đều có chất lượng chuẩn đầu ra như nhau...

Một điểm đáng chú ý nữa, đó là dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay đã phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh trên cơ sở các quy định của Quy chế tuyển sinh. Trên tinh thần ấy, các trường phải công khai trong đề án tuyển sinh.

Ngoài ra, trong đề án sẽ cung cấp tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đối với các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, cần đề cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh, chất lượng của kỳ thi. Tránh tình trạng hợp thức hóa đầu vào bằng cách tổ chức một kỳ thi lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng.

Các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển, xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội là các bài thi.

Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, dự thảo yêu cầu sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Hiện chỉ tiêu xét tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi này vẫn chiếm tỉ lệ lớn, từ 40% đến 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Về đảm bảo mặt bằng chất lượng tuyển sinh, PGS Nguyễn Phong Điền nhận định: Dự thảo này có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... Việc này nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng tuyển sinh trong cùng trình độ; đồng thời, dễ tra cứu, áp dụng pháp luật. Đây là điểm mới và quan trọng của dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay.

Trước đây, quy chế tuyển sinh chỉ áp dụng cho loại hình đào tạo chính quy. Vì thế việc tích hợp như trên là hợp lý, bởi theo kế hoạch, tháng 3 tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Thông tư liên quan đến nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học. Theo đó, trên văn bằng sẽ không ghi loại hình đào tạo mà chỉ bổ sung ghi vào phần phụ lục. Hơn nữa, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sẽ không phân biệt loại hình đào tạo.

Cụ thể, đối với các ngành đào tạo trình độ ĐH mới được mở ngành trong năm, tuyển sinh được xác định chỉ tiêu năm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới. Điểm mới nữa, sẽ bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực Du lịch/ CNTT tại các trường có khóa tuyển sinh ĐH thứ 2 trở đi. Ngoài ra, tổng số giáo viên thỉnh giảng tối đa bằng 40% tổng giáo viên cơ hữu của trường đó.

Trở lại năm 2019, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển). Theo Bộ trưởng GD-ĐT, có nguyên nhân của việc trường ĐH xây dựng chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn. Từ việc nhu cầu của người học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào.

Trước thực trạng trên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đã và có ý định áp dụng “kỹ thuật” này trong tuyển sinh phải thay đổi cách tiếp cận. Do đó, bây giờ không phải là tiếp cận theo hướng nhất quyết phải tuyển đủ chỉ tiêu, đông người học mà là tuyển người học có chất lượng. Người học đông nhưng quá trình đào tạo thì đào thải nhiều, chất lượng đầu ra không đảm bảo thì cũng sẽ khó được thị trường lao động chấp nhận, Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh.

Chú trọng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

Đối với công tác hướng nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các Sở GD-ĐT cần chú trọng chỉ đạo các trường trung học phổ thông (THPT) quan tâm sát sao việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, bằng nhiều hình thức. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà trường, nhằm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn. Các trường đại học, cao đẳng trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực nhà trường, không “đánh bóng danh tiếng” gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ hai, chương trình tiên tiến, theo đặt hàng và liên thông. Theo đó, người dự tuyển đào tạo cấp bằng đại học thứ hai là người đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên. Riêng các ngành khối sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề chỉ tuyển sinh đào tạo cấp văn bằng thứ hai đối với người có văn bằng thứ nhất thuộc khối ngành sức khỏe hoặc khối ngành tự nhiên.

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-2020-khong-danh-bong-danh-tieng-khien-thi-sinh-nhieu-thong-tin-494362.html