Tuyển sinh đại học 2021: Đề xuất phần mềm lọc ảo diện rộng

Thực hiện lọc ảo các phương thức xét tuyển, bỏ điều chỉnh nguyện vọng và tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập là những ý kiến đề xuất cho công tác tuyển sinh ĐH năm 2021.

Tân sinh viên khóa 65 làm thủ tục nhập học vào trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Oanh Trần

Tân sinh viên khóa 65 làm thủ tục nhập học vào trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Oanh Trần

Lọc ảo tất cả các phương thức xét tuyển

Nhiều chuyên gia, trường ĐH ủng hộ việc năm 2021, 2022 Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện phương án thi tốt nghiệp THPT như Kỳ thi 2020 để lấy kết quả xét tuyển ĐH. Bởi, thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng (NV) và điều chỉnh; các trường xét tuyển dựa vào phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo do Bộ GD&ĐT hỗ trợ và lại được tự chủ sử dụng các phương thức khác. PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị Bộ GD&ĐT vẫn giữ vai trò chủ đạo, giám sát kỳ thi để đảm bảo nghiêm túc và nếu có thể nâng cao tính phân loại; tiếp tục sử dụng hệ thống chung (đăng ký xét tuyển, lọc ảo) và đề xuất có thêm điểm thi để có nhiều lựa chọn cho thí sinh và trường ĐH. Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, vai trò của các sở GD&ĐT trong đăng ký tuyển sinh vẫn rất cần thiết. Công tác lọc ảo cũng rất quan trọng, năm vừa qua tỉ lệ ảo ở nhiều trường rất thấp, vì thế cần phải duy trì và làm tốt hơn.
Còn GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn việc lọc ảo được thực hiện trong các trường cùng khối ngành đào tạo. Đại diện của ĐH Đà Nẵng đề xuất tích hợp lọc ảo những phương thức tuyển sinh khác nhau (kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ.....) và tất cả các trường trong cả nước cùng tham gia. Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam TS Lê Viết Khuyến ủng hộ phần mềm lọc ảo các phương thức xét tuyển sinh khác nhau. Bởi các trường mới thực hiện lọc ảo ở phương thức xét tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT dẫn tới tỉ lệ ảo vẫn còn cao. Về những băn khoăn trong việc khó triển khai, ông Lê Viết Khuyến khẳng định không có vấn đề. 4 năm trước, tại ĐH Thái Nguyên, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã chạy giả định phần mềm lọc ảo với 2 triệu thí sinh, mỗi em đăng ký tới 10 trường, nhiều phương thức, chưa đầy 1 tiếng là xong.
Bỏ quy định điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh
Những năm qua, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được điều chỉnh NV sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT nhằm tạo điều kiện tối đa cơ hội trúng tuyển ĐH. Nhưng thực tế cho thấy sự rối loạn, xét tuyển ĐH như sàn chứng khoán khiến phụ huynh và thí sinh đau đầu, lo lắng. Vì chỉ quan tâm đến đỗ ĐH nên có không ít thí sinh bỏ qua tiêu chí say mê nhất ngành nào; dẫn đến vào học một thời gian thấy chán nản. Vì điều chỉnh NV dẫn đến tình trạng lộn xộn, đại diện ĐH Đà Nẵng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét bỏ quy định này. Đề xuất này được không ít ý kiến đồng tình vì trước đó thí sinh đã được đăng ký không giới hạn NV; và kiến nghị tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức thi. “Tiến tới thi trên máy tính; xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập có uy tín, năng lực để các trường có thể sử dụng kết quả thi vào xét tuyển. Các trường nâng cao tính tự chủ hơn nữa trong thời gian tới” - PGS.TS Phạm Hồng Chương kiến nghị.
Cùng với đó, nhiều ý kiến đề xuất phương án thành lập các trung tâm khảo thí độc lập đánh giá; khi đó các trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Ngoại thương đề nghị: “Để việc thành lập những trung tâm khảo thí độc lập khả thi, trước mắt cần chuẩn bị hành lang pháp lý để vận hành. Các trường ĐH và học sinh cũng cần có sự chuẩn bị để có thể 3 - 5 năm nữa những trung tâm này đi vào hoạt động”.
Trước những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phản hồi: Công tác tuyển sinh trong năm 2021 đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các trường ĐH. Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức những trung tâm khảo thi độc lập. Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với những phương thức tuyển sinh khác nhau, để tạo điều kiện cho thí sinh và giảm tỉ lệ ảo cho các trường.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

ĐH Quốc gia Hà Nội ủng hộ Bộ GD&ĐT cầm trịch kỳ thi tốt nghiệp THPT để các trường có cơ sở dữ liệu tốt phục vụ tuyển sinh. Những năm tới, ĐH Quốc gia Hà Nội chuẩn bị bài thi đánh giá năng lực và rất mong Bộ GD&ĐT ủng hộ, các trường ĐH cùng sử dụng kết quả kỳ thi này vào công tác tuyển sinh.
Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - GS.TS Nguyễn Đình Đức

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2021-de-xuat-phan-mem-loc-ao-dien-rong-404250.html