Tuyển sinh đại học 2021 có gì mới?

Tại Hội nghị Giáo dục đại học mà Bộ GD&ÐT tổ chức trực tuyến mới đây, đa số lãnh đạo các trường ÐH khẳng định, năm 2021 vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh, và đề xuất đề thi nên có tính phân loại cao hơn.

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2020 Ảnh: Như Ý

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2020 Ảnh: Như Ý

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH - Bộ GD&ĐT, cho biết, đến thời điểm này, tuyển sinh của các trường ĐH trên cả nước đã đạt được gần 90%, cao hơn các năm học trước. Tuy nhiên, nhóm ngành đào tạo sư phạm mới đạt 50% chỉ tiêu.Năm 2020, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh; áp dụng CNTT triệt để trong tất cả các khâu; đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.Kết quả thi THPT được hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng để tuyển sinh. Dù vậy, các trường cũng cần xem xét việc cân đối chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển, bà nói.

Tăng cường giám sát kỳ thi của các trường ÐH

Liên quan mùa tuyển sinh 2021, GS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, cho rằng, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đảm bảo cho các trường ĐH xét tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cần tăng cường giám sát khâu tổ chức kỳ thi của các trường ĐH để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, những năm tới, trường ủng hộ phương án giữ ổn định như năm 2020. Ông Chương đề xuất đề thi cần nâng cao tính phân loại hơn nữa. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT để tiến tới thi trên máy; xây dựng các trung tâm khảo thí có uy tín, năng lực để các trường có thể sử dụng kết quả trong công tác xét tuyển…

PGS.TS Lê Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Ngoại thương, mong muốn đăng ký xét tuyển qua hệ thống quốc gia, tiếp tục tổ chức lọc ảo chung. “Về việc thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, trước mắt, cần chuẩn bị hành lang pháp lý để các trung tâm vận hành, cần có sự chuẩn bị của các trường đại học”, bà nói. Các trung tâm có thể được đưa vào thực tiễn trong 3-5 năm tới.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội,nêu ra một số vấn đề kỹ thuật nảy sinh trong quá trình tuyển sinh. Đó là các trường ĐH yêu cầu thí sinh tham gia xét tuyển thẳng phải đạt học sinh giỏi trong 3 năm, nhưng dữ liệu phần mềm chỉ có năm cuối.Các trường mong muốn Bộ GD&ĐT và các bên liên quan mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, có chính sách đặc thù đối với các em có thành tích xuất sắc để tạo nguồn bổ sung cho khối khoa học cơ bản.“Những năm tới, ĐH Quốc gia Hà Nội dự định tổ chức bài thi đánh giá năng lực. Mong Bộ GD&ĐT ủng hộ và sự tham gia của các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này vào công tác tuyển sinh”, ông Đức nói.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói rằng, phương án tổ chức kỳ thi riêng là quyền tự chủ của các trường ĐH. Nhiều trường cũng có thể phối kết hợp tổ chức kỳ thi để lấy chung kết quả đảm bảo thí sinh không phải tham dự quá nhiều kỳ thi trong năm. Bộ GD&ĐT khuyến khích thí sinh đăng ký xét tuyển với nhiều hình thức khác nhau trên cùng 1 phiếu, tránh tình trạng ảo khi các em lựa chọn các phương thức xét tuyển khác nhau. Khi đó, thí sinh không bị áp lực phải xác nhận với các trường. Ông Sơn khẳng định công tác tuyển sinh trong năm 2021 và đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2021-co-gi-moi-1766244.tpo